Triển lãm xác người ở TPHCM: Về phương diện y khoa thì rất ý nghĩa

Đó là ý kiến của anh Lê Viết Duy (Quận Tân Bình), là bác sĩ khoa nhi đi xem tại Triển lãm 'Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người' (Mystery of Human Body) đang gây nhiều tranh cãi.

Trưa 5/7, phóng viên Báo Tiền Phong đã trở lại triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” (Mystery of Human Body) tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM. Tại đây, Ngô Thanh Thuần - nữ hướng dẫn viên là sinh viên ngành Dược TPHCM cho biết: "Ngày thường, khách tham quan khoảng hơn 60 người, nhưng thứ bảy, chủ nhật thì có đến gần 200 khách. Nếu trẻ em đi xem thì phải có người lớn đi kèm."

Sau phần tham quan 137 mẫu vật cơ thể người thật (gồm 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người), đã được nhựa hóa (plastic hóa) bởi công nghệ Plastination trong bảo tồn xác người; khách tham quan sẽ được trải nghiệm và xem phim về hệ thống nội tạng cơ thể người.

Giá vé là 200 ngàn đồng/người và giá vé cho sinh viên là 180 ngàn đồng. Đặc biệt, thời gian từ 15-17h thứ tư, các sinh viên trường y dược hoặc ngành y đa khoa được tham quan miễn phí khi xuất trình thẻ sinh viên".

Một số mẫu vật cơ thể người thật toàn thân được triển lãm.

Một số mẫu vật cơ thể người thật toàn thân được triển lãm.

Nữ hướng dẫn viên cho biết: "Có những người mua vé vào xem vì tưởng là mô hình, nhưng khi biết triển lãm trưng bày mẫu vật thật thì họ cũng sợ".

Bên trong không gian triển lãm, 5-6 hướng dẫn viên đều là các bạn nữ trẻ, đa số là sinh viên. Họ cho biết, ban đầu cũng hơi sợ khi làm việc tại đây nhưng cũng đã quen, dù phải làm việc từ 9h sáng đến 9h tối.

Vào lúc này, khoảng 15 khách đang tham quan những mẫu vật cơ thể người được trưng bày tại 2 tầng, đa số là nam giới.

Hai khách đang hứng thú xem xét kỹ các mẫu vật bào thai ở các tuần tuổi khác nhau.

Anh Lê Viết Duy (Quận Tân Bình), là bác sĩ khoa nhi đến xem triển lãm tỏ ra hứng thú cho biết: "Đây là cơ hội rất hiếm, vì nếu bạn vô trường ĐH Y Khoa Sài Gòn thì bạn sẽ thấy các mẫu vật không được đẹp như vậy. Ở đây có 2 khía cạnh: về mặt sinh học, người có chuyên môn người ta coi thì sẽ biết; còn về mặt mỹ thuật thì nó đẹp. Trong trường Y Khoa nó nằm trong khung cảnh không đẹp như vậy, có mùi hôi vì được xử lý rồi để qua nhiều năm, qua nhiều thế hệ sinh viên coi rồi nên rất xấu và khó tưởng tượng chính xác được.

Mình từng học Y Khoa 6 năm rồi nhưng chỉ được coi video trên mạng chứ chưa được coi trực tiếp thế này, dù tỉ lệ của nó (bào thai) không đúng lắm. Về phương diện y khoa thì triển lãm này rất ý nghĩa, vì sinh viên y khoa rất "thiếu xác" để học, phải học theo mô hình dù giá rất mắc và không chính xác. Các trường y Hà Nội, Hải Phòng cũng chỉ có 1 cái xác cho sinh viên học và nhiều thứ họ phải học "chay" nhưng khi ra làm nghề thì phải làm cơ thể người thật".

Những mẫu vật cơ thể người, bào thai thu hút khách tham quan.

Nói về những ý kiến trái chiều phản đối triển lãm, anh Duy bày tỏ: "Triển lãm này cũng không phải công cộng ai cũng có thể xem, mà những ai quan tâm thì phải bỏ tiền mua vé xem. Nếu đặt những mẫu vật ở ĐH Y dược hay ở một viện nào đó thì đó chỉ là hội thảo hay sinh hoạt chuyên môn chứ không phải triển lãm".

Một phụ nữ đi tham quan cùng anh Duy cũng chia sẻ, chị không cảm thấy sợ khi đi xem những mẫu vật người. Chị vừa xem những mẫu vật bào thai ở các tuần tuổi khác nhau vừa cho biết, chị muốn xem để tìm hiểu thực tế như thế nào chứ không phải qua những clip khoa học khó hình dung hết được.

Những mẫu vật bào thai thu hút nhiều sự quan tâm của khách đến xem triển lãm.

Anh Nguyên Anh (Quận 1) vừa tham quan vừa chia sẻ: "Nói chung, có nhiều cái mình chỉ biết qua sách vở thôi, nhưng giờ mình nhìn thấy nó trực quan hơn. Với một số người như mình thì mình thấy nó rất bổ ích. Bản thân mình thì cũng hiểu hơn về cơ thể của chính mình.

Mình có biết một số ý kiến phản đối vì vấn đề nhân đạo, mình không rõ và mình nghĩ vấn đề này thì ban tổ chức phải xử lý chứ nó không nằm trong phạm vi mà mình quan tâm. Mình cũng hy vọng những mẫu vật này đúng là được đóng góp cho y khoa. Bản thân mình cảm thấy có sự hiếu kỳ với y học, mình nhìn các mẫu vật này với sự hiếu kỳ và thỏa mãn hơn là cảm giác sợ".

Nguyên Anh cũng cho biết, anh không tranh cãi và ủng hộ triển lãm bởi nếu xem các clip khoa học thì chỉ là các clip 3D dựng lại chứ không phải thực tế như vậy. "Khoa học phát triển và họ làm được những việc này thì tôi thấy rất giá trị, kể cả các sinh viên y khoa đều có thể chưa được tiếp cận với những mẫu vật như thế này vì ở trường cũng không có nhiều mẫu vật. Vì vậy, ai thấy phù hợp thì cứ đi xem", anh bày tỏ.

Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Họa sĩ Trần Khánh Chương băn khoăn chưa biết xếp triển lãm này vào thể loại triển lãm y tế hay mỹ thuật. “Đây là triển lãm vô nhân tính bởi không thể lấy cơ thể thật của con người ra làm thứ để triển lãm”, họa sĩ Trần Khánh Chương nói.

Ông cho rằng nếu số mẫu vật này thuộc về nghiên cứu khoa học thì phải xem xét lại hình thức khác chứ không thể thuộc mỹ thuật được.Ông cũng cho rằng các nhà khoa học có thể nghiên cứu khoa học nhưng dưới hình thức và góc độ khác. “Tôi hoàn toàn phản đối triển lãm kiểu như này, cho dù đội lốt tìm tòi sáng tạo thì cũng phải vì con người, mục đích phải nhân văn, phải có tính nghệ thuật, tính nghề nghiệp. Nghệ thuật chỉ có cái lạ thôi chưa đủ, không thể coi là nghệ thuật”, họa sĩ Trần Khánh Chương nói. Ông cũng khá lăn tăn về địa điểm tổ chức triển lãm này.

Chia sẻ trên Dân trí, TS. Vũ Thế Long - người đã có nhiều năm nghiên cứu về cơ thể học và hình thái học cho rằng, triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” ở TP.HCM là một sự bẩn thỉu về tư duy, bẩn thỉu về đạo đức… và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

TS. Vũ Thế Long chia sẻ: "Ở các nước phương Tây và phương Đông, khi giảng dạy cho sinh viên học về bộ môn này đều dạy sinh viên biết tôn trọng cơ thể. Hàng năm, ngành y đều có một ngày lễ để sinh viên ngành y tưởng nhớ đến những người đã hiến xác cho y học. Ngay người làm trong y học cũng rất ý thức và kính cẩn đối với những người đã hiến thân xác để phục vụ cho khoa học. Triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” lần này lại không như thế. Họ dùng ngôn từ rất khôn ngoan theo kiểu hù dọa người ta hút thuốc lá có hại như thế nào, bệnh ung thư nguy hiểm ra sao… Nhưng theo tôi, không thiếu gì cách để giáo dục người dân về sự nguy hại của thuốc lá hoặc thực phẩm độc hại gây ung thư.

Việc lấy xác người thật ra để phô diễn và dọa dẫm là hành vi thiếu văn hóa. Ít nhất là nó không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam từ xưa tới nay đều có truyền thống tôn trọng những người đã quá cố và họ không bao giờ làm những điều “phanh thây xẻ xác” người đã mất ra như thế. Trong trường hợp này, tôi cho rằng, họ đã mang xác người ra làm trò đùa. Có nhiều vật mẫu không thể hiện được giá trị nào về mặt khoa học cả.

Chiều 4/7, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM (đơn vị cấp phép triển lãm) báo cáo về triển lãm trên về Bộ trước ngày 10/7/2018.Cụ thể, Công văn số 310/MTNATL của Cục nêu rõ: Qua thông tin từ các cơ quan báo chí và theo dõi Triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” đang diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 21/6 đến 31/12/2018, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo về quá trình cấp giấy phép, tổ chức Triển lãm. Báo cáo gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 10/7/ 2018.

Hoàng Nguyễn - Ngô Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/trien-lam-xac-nguoi-o-tphcm-ve-phuong-dien-y-khoa-thi-rat-y-nghia-1296335.tpo