Triển lãm tranh kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Huỳnh Văn Thuận

Sáng 30-5, tại Hà Nội đã diễn ra triển lãm tranh kỷ niệm 100 năm Ngày sinh họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (18-4-1920 / 18-10-2017).

Năm 1936, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận thi đỗ vào Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định, sau 3 năm học tập và tốt nghiệp, ông thi vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XVIII (1939 - 1944). Trong thời gian học tập, ông đã có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tham gia triển lãm.

Năm 1950, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Bắc. Năm 1951, ông vẽ mẫu Huy hiệu Đoàn (mực nho, 18x17cm), được Bác Hồ chọn làm huy hiệu chính thức cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sử dụng đến ngày nay.

 Tác phẩm "Hội nghị cán bộ Liên khu 4" vẽ bằng chì năm 1948.

Tác phẩm "Hội nghị cán bộ Liên khu 4" vẽ bằng chì năm 1948.

Tác phẩm "Trận chông dưới nước" vẽ bằng bút bi.

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận cũng chính là người đã góp công cùng họa sĩ Lê Phả, Bùi Trang Chước vẽ đồng tiền riêng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bấy giờ, tờ tiền 10 đồng đỏ, 10 đồng tím và các mẫu tem năm 1965, 1967, 1970 đều là những tác phẩm khiến người dân càng yêu mến thêm người họa sĩ mang tên Huỳnh Văn Thuận.

Ngày 10-10-1954, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận cùng đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô, công tác ở Ban Mỹ thuật Hội Văn nghệ Việt Nam. Việc đầu tiên là ông đã vẽ tranh chân dung Bác Hồ cỡ lớn, có diện tích tới 35m2 để treo trước Nhà hát Lớn Hà Nội ngay những ngày đầu giải phóng Thủ Đô.

Trong quá trình công tác, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận được tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Vì Sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Năm 2001, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng họa sĩ Huỳnh Văn Thuận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Thôn Vĩnh Mốc; Ngày mùa ở Vĩnh Kim; Làm sạch thóc nộp kho; Định canh, định cư; Vết xích xe tăng giặc; Không lời.

Ký họa chân dung được tác giả vẽ năm 1953.

Ký họa tranh phong cảnh được tác giả vẽ năm 1984.

Triển lãm thu hút nhiều người xem.

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận là một trong những họa sĩ chuyên sâu vào nghệ thuật tranh sơn khắc. Tranh của ông gắn bó với đời sống của người dân, với bố cục chặt chẽ, công phu, có giá trị nghệ thuật cao. Cùng với tranh sơn khắc, họa sĩ còn sáng tác nhiều tranh cổ động trong thời kỳ kháng chiến có chất lượng cao, góp phần vào thành tựu của nền mỹ thuật Việt Nam cách mạng và hiện đại.

Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm là một phần nhỏ tranh ký họa trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận. Đây cũng là nén tâm nhang của gia đình, đồng nghiệp và những người yêu mến họa sĩ tưởng nhớ ông.

Triển lãm diễn ra đến ngày 5-6.

Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/trien-lam-tranh-ky-niem-100-nam-ngay-sinh-hoa-si-huynh-van-thuan-619423