Triển lãm tranh ảnh 'Bừng sáng' - trưng bày các bức ảnh về hội chứng tự kỷ

Ngày 16 tháng 6 năm 2018, tại Tượng đài Cảm tử trên Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm sẽ diễn ra Triển lãm tranh ảnh về Hội chứng Tự kỷ mang tên 'Bừng sáng'. Triển lãm được tổ chức bởi dự án Mariposa- một dự án cộng đồng phi lợi nhuân về nhóm các bệnh Tâm thần kinh.

Triển lãm trưng bày hơn 30 bức ảnh xoay quanh chủ đề về hội chứng Tự kỷ, gồm có các tác phẩm của 2 vị nhiếp ảnh gia - Cố vấn nghệ thuật của dự án: Chuối Photography và Nhiếp ảnh gia Lê Phương, các tác phẩm đạt giải cao trong cuộc thi ảnh Online “Insidious” và các phẩm do chính bàn tay của các bạn học sinh- thành viên ban Media của dự án thực hiện. Mỗi một bức ảnh được trưng bày tại Triển lãm đều là một câu chuyện, một thông điệp ý nghĩa về Hội chứng Tự kỷ mà các bạn học sinh của dự án muốn lan tỏa đến với mọi người.Bên cạnh những bức ảnh ý nghĩa, Triển lãm “Bừng sáng” còn trưng bày các bức tranh do chính các em tự kỷ vẽ và các hoạt động ca hát sôi động bên lề, với sự tham gia của các câu lạc bộ đến từ nhiều trường cấp ba trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Về dự án Mariposa, đây là một dự án cộng đồng phi lợi nhuận về nhóm các bệnh Tâm thần kinh, được sáng lập bởi The NWO của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai và Tổ chức giáo dục UBest Education. Dự án cũng có sự cùng tham gia tổ chức của rất nhiều bạn trẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sứ mệnh của dự án Mariposa chính là lan tỏa những giá trị tốt đẹp để trẻ em được sống là chính mình.Và đối với trẻ tự kỷ, dự án hướng đến việc nâng cao nhân thức của mọi người về hội chứng, lan tỏa tình yêu thương trẻ tự kỷ để từ đó, phần nào giúp cho các em có thể hòa nhập với cộng đồng và xã hội.

Một số các tác phẩm tiêu biểu sẽ được trưng bày tại Buổi Triển lãm "Bừng sáng"

Ảnh của Tác giả Nguyễn Phương Quỳnh

"Mỗi người đều có một căn phòng tối của riêng mình, nơi giam giữ tất cả những sợ hãi và khổ đau. Những đứa trẻ tự kỷ cũng vậy, nhưng căn phòng tối của các em, chúng dai dẳng và bao phủ lấy cả phần ánh sáng của các em. Giam giữ các em trong những giới hạn, những vòng vây kiềm tỏa khả năng mà một con người vốn có. Những đưa trẻ ấy như người sắp chết đuối, cứ cố gắng vẫy vùng trong bóng tối của chỉnh bản thân mình, trong tuyệt vọng và cả hi vọng tìm thấy cho mình ánh sáng riêng. Ai sẽ là người giúp các em tìm ra ánh sáng ? Chính là tôi, là bạn, là chúng ta. Tình yêu thương của 1 người không bao giờ là đủ cho những đứa trẻ mắc phải hội chứng Tự kỷ. Hãy cùng nhau kết nối,lan tỏa, cùng nhau dang rộng vòng tay để đưa các em đến với ánh sáng và giúp các em sớm hòa nhập với xã hội. Tôi không mong gì hơn là một ngày xã hội sẽ không còn những ánh nhìn kì thị, không còn sự thờ ơ, lãnh cảm và vô tâm.

Ảnh của Tác giả Phạm Thanh Mai

"Thời gian tuyến tính cứ trôi đi, mọi vật rồi sẽ phải úa tàn. Nhưng những đứa trẻ tự kỷ, dù có già đi về thể xác thì tâm hồn và những suy nghĩ bên trong các em vẫn mãi mãi là 1 đứa trẻ."

Nguyễn Thị Quả Trứng & Phạm Thị Mai Chi

Em, một đứa trẻ tự kỷ. Ngày em mở mắt chào thế giới, đã biết rằng, đó chẳng phải là thế giới dành cho em.

Vậy nên em xây cho riêng mình một thế giới, một thế giới tách biệt khỏi thế giới mà người ta gọi là “bình thường”. Thế giới của em tràn ngập những con gấu bông, màu sắc và đáng yêu, tựa cây kẹo bông phớt hồng mềm mại ngọt ngào tan trên đầu lưỡi. Nhưng kìa em, sao em lại không vui?

Tôi chưa bao giờ nhìn rõ em. Em luôn ẩn mình sau những chú gấu bông to lớn. Thỉnh thoảng, tôi lại thấy bóng em ngồi thơ thẩn trên mặt hồ xanh ngắt một ngày không nắng. Tôi biết, em cô độc. Nhưng tôi lại không biết, làm thế nào để vượt qua bức tường gấu bông khổng lồ ấy, làm thế nào để vượt qua mặt hồ thăm thẳm lạnh lẽo ấy, để bảo em rằng: Này em, thế giới ngoài kia cũng có rất nhiều gấu bông.

Tôi luôn lướt qua em như thế, lướt qua rồi lại tự hỏi, rằng, liệu, một ngày nào đó em có chìm nghỉm trong cái thế giới của em, chìm nghỉm trong những gì gắn bó mạnh mẽ với em nhất, chìm nghỉm trong những con gấu bông đẹp đẽ hay không. Tôi hỏi, và chỉ hỏi thôi. Cho đến một ngày, vẫn là con đường hàng ngày, tôi bắt gặp một con gấu bông cũ rích và xám xịt nằm ở vệ đường. Tôi đứng lại hồi lâu, lại nghĩ đến em. Gấu bông – vật luôn hiện diện bên cạnh em như một người bạn đồng hành, hay gấu bông – em? Và rồi mọi thứ bỗng trở nên đơn giản lạ lùng. Tôi ở bên em, khâu những vết rách, con mắt bị lung lay, nâng niu em, hàn gắn tâm hồn em. Sau mỗi mũi kim, mỗi đường chỉ, bức tường quanh em lại thấp đi đôi chút, số lượng gấu bông quanh em cũng dần giảm đi. Và rồi một ngày, tôi ôm con gấu bông lành lặn đến ngồi cạnh em. Em cười, tôi cũng cười.

Gấu bông đại diện cho những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khiếm khuyết trong giao tiếp và các hành vi hạn hẹp, lặp đi lặp lại của người tự kỷ. Vậy bạn sẽ làm gì, bạn sẽ chọn gì, đứng ngoài thờ ơ nhìn những người mắc hội chứng tự kỷ loay hoay luẩn quẩn trong thế giới gấu bông của họ, hay sẵn sàng đến bên họ, kéo họ ra khỏi thế giới ấy, và cho họ thấy rằng, thế giới thực ra xinh đẹp hơn rất nhiều?

Ảnh của Tác giả Nguyễn Trúc Quỳnh Mai

Có người từng nói với tớ: Cậu biết không? Cậu giống một đóa bạch liên vậy!

Mãi sau này tớ mới hiểu, cậu ấy vốn dĩ không có ý khen tớ thuần khiết, thanh sạch. Ý của cậu ấy là tớ chẳng bao giờ chịu thoát ra cái vỏ bọc đẹp đẽ, thanh khiết ấy để trưởng thành. Tớ mãi mãi, chỉ là một đứa trẻ được gói trong thân xác của một người lớn. Nhưng tớ không cố ý, tớ vốn dĩ không thể giống các cậu được. Tớ tự kỷ.

Tác phẩm của Nhiếp Ảnh Gia Lê Phương

Tác phẩm của: Chuối Photography

Hiện nay số lượng trẻ mắc phải chứng Tự kỷ trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng vẫn ngày một gia tăng với tốc độ chóng mặt, cứ 88 trẻ thì có 1 trẻ mắc phải chứng Tự kỷ- một loại khuyết tật phát triển suốt đời gây ảnh hưởng đến não bộ và có thể xảy ra ở bất kỳ đứa trẻ nào. Chính vì vậy, Dự án Mariposa đã tổ chức buổi Triển lãm tranh ảnh “Bừng sáng” với mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về hội chứng Tự kỷ.

Ngân An

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/trien-lam-tranh-anh-bung-sang-trung-bay-cac-buc-anh-ve-hoi-chung-tu-ky-103188