Triển lãm 'Hương lụa': Những tự sự của phái đẹp trên bề mặt óng ả

Các tác phẩm tranh lụa của nữ họa sĩ Nguyễn Thu Hương đã đạt đến độ rung động về chất liệu và sự xúc động bề mặt, sẽ góp phần vào việc cách tân tranh lụa Việt Nam.

Nguyễn Thu Hương là một gương mặt gây nhiều chú ý trong chất liệu tranh lụa Việt thời gian gần đây. Các tác phẩm của chị mạnh về trang trí, vừa là đặc trưng, vừa là thách thức đối với nữ họa sĩ. Đặc biệt, các tác phẩm đều được Thu Hương vẽ trên chất liệu 100% lụa tơ tằm Việt Nam.

Vào ngày 7/5, chị sẽ ra mắt người xem triển lãm "Hương lụa" tại Huyền Art House (8A Đặng Tất, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM).

Tranh lụa là một chất liệu hội họa truyền thống của Việt Nam với độ mỏng manh, e ấp và kén người vẽ vì sự tinh tế, dịu dàng. Những bức tranh đắt giá của Việt Nam trên sàn đấu giá quốc tế lại đến từ các bức tranh lụa mang tâm hồn Việt với các tên tuổi như Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lương Xuân Nhị... Tuy nhiên, do độ khó của các công đoạn vẽ tranh lụa đòi hỏi sự nhẫn nại của người họa sĩ nên hiện nay, không nhiều nghệ sĩ trẻ lựa chọn gắn bó với tranh lụa.

Tác phẩm tranh lụa của nữ họa sĩ Thu Hương

Tác phẩm tranh lụa của nữ họa sĩ Thu Hương

Với Nguyễn Thu Hương thì khác, cô lựa chọn vẽ lụa vì... ít người chọn. Và sau quá trình làm việc với sơn dầu, sơn mài, cô nhận ra lụa mới thực hợp với Thu Hương. Cô khá cầu kỳ trọng lựa chọn chất liệu. Đó là những mảnh lụa được mua ở làng Quan Phố, Duy Tiên, Hà Nam và dệt thủ công từ những người thợ lâu năm. Trong con kén, lớp ngoài cùng gọi là sồi, lớp giữa là lớp tơ nõn mới chuẩn lụa dệt để vẽ.

Bên cạnh việc kén chọn những tấm lụa để vẽ tranh, các tác phẩm hội họa tranh lụa của Thu Hương được giới phê bình đánh giá cao, khi cô đã thổi hơi thở đương đại vào chất liệu truyền thồng. Đó là tính trang trí trong các tác phẩm được Hương lưu tâm phân bố giữa các mảng hình, màu, nét và khoảng trống. Tranh của cô mang vẻ đẹp nữ tính, gợi cảm và diễn tả vẻ đẹp nội tâm của phái đẹp.

Một tác phẩm trưng bày tại triển lãm "Hương lụa"

Bên cạnh tinh thần lãng mạn, Nguyễn Thu Hương còn tạo được độ rung với các phong cách khác như lập thể, trừu tượng, biểu tượng. Một số bức mạnh về trang trí, với cách đặt để đầy chủ ý, đôi khi lấn lướt cả chủ thể để bày tỏ một cách nhìn, một ý tưởng. Các mô típ lặp lại nhưng chưa bao giờ là giống nhau, vượt qua cả những định kiến về phong cách sáng tác tranh lụa xưa nay thường là các chủ đề rất đơn giản như phong cảnh, chân dung

Nối tiếp sự thành công từ “Lụa của Hương”, triển lãm “Hương lụa” được kì vọng như một sự đánh thức thị giác của số đông đã quá quen thuộc với các phương thức hội họa giá vẽ. Triển lãm trưng bày 28 tranh lụa, gồm 23 bức từ triển lãm “Lụa của Hương” hồi cuối năm 2019 và 5 bức mới vẽ trong vòng hơn 1 năm qua.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hương

Nữ họa sĩ chia sẻ: "Tôi vẫn giữ lối vẽ truyền thống, sử dụng màu nước trên lụa, vuốt lụa, vẽ lúc khô xen với khi lụa ẩm, chồng nhiều lớp màu để tạo ra một màu mới. Thỉnh thoảng tôi cũng làm loang nhòe và biểu giấy dó phía sau tranh”.

Nguyễn Thu Hương tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 2005, tốt nghiệp thạc sỹ Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2012, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Chị từng tham gia nhiều triển lãm nhóm như Biennale Mỹ thuật trẻ, Viet Art Now, Festival Mỹ thuật châu Á: Việt Nam - Hàn Quốc, Triển lãm tranh lụa toàn quốc...

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trien-lam-huong-lua-nhung-tu-su-cua-phai-dep-tren-be-mat-ong-a-post465494.antd