Triển lãm độc bản đồ họa Cảm xúc tháng sáu

Triển lãm 'Cảm xúc tháng sáu' diễn ra từ 20 - 22/6 tại 16 Ngô Quyền Hà Nội.

Được tổ chức thường niên trong vòng hơn chục năm trở lại đây, các Trại sáng tác đồ họa của Hội Mỹ thuật Việt Nam là dịp để cho các nghệ sĩ có thể trao đổi học hỏi thêm những kiến thức mới từ các đồng nghiệp. Trong số đó thì các trại sáng tác đồ họa độc bản thường đem lại các kết quả bất ngờ cho chính nhà tổ chức cũng như các họa sĩ tham dự. Điểm đặc biệt của trại sáng tác đồ họa độc bản năm nay là sự hội tụ của đa số các nghệ sĩ không thuộc ngành đồ họa, nên việc sáng tác tranh in là khá bỡ ngỡ.

Hoa đồng nội - Nguyễn Hồng Phương

Hoa đồng nội - Nguyễn Hồng Phương

Chủ đề chính cho Trại sáng tác đồ họa độc bản năm nay là Tĩnh vật và Phong cảnh. Đây cũng là hai thể loại phổ thông nhưng không hẳn là sở trường sáng tác của các nghệ sĩ tham gia. 14 nghệ sĩ, 14 phong cách, 14 sự trải nghiệm vừa lạ vừa quen như được hội tụ, sẻ chia trong một niềm xúc cảm mới. Tĩnh vật, hay phong cảnh thông qua quá trình in ấn và xử lý chất liệu của mỗi tác giả lại cho ra những diện mạo mới. Đôi bức như tiệm cận đến ranh giới của nghệ thuật trừu tượng. Tất cả như tìm thấy trong mình một khả năng bứt phá khác.

Up stream - Doãn Hoàng Kiên

Một số là các nghệ sĩ khá thành đạt với các thể loại hội họa như họa sĩ Đoàn Thị Thu Hương với chất liệu sơn mài; Đỗ Thúy Hằng, Trần Thị Doanh, Lê Thị Thu Dung, Nguyễn Hồng Phương, Doãn Hoàng Kiên với chất liệu sơn dầu, phấn màu Acrylic; Các họa sĩ vẽ truyện tranh như Tạ Huy Long, họa sĩ nhà báo như Nguyễn Mạnh Hà, họa sĩ thiết kế Nguyễn Thu Thủy, các họa sĩ trẻ như Vương Linh, Phạm Duy Quỳnh, Nguyễn Hán Anh và cả những nghệ sĩ thuộc ngành nghiên cứu phê bình nghệ thuật như Vũ Mai Thơ, Trang Thanh Hiền. Nhưng có lẽ chính sự bỡ ngỡ “lần đầu của những lần đầu” này đã đem kết quả sáng tác của Trại đến một thái cực khác. Ở đó là sự đa dạng về cá tính, phong cách, hình thức tạo hình kết hợp với những hiệu ứng bất ngờ trong việc xử lý chất liệu và kỹ thuật in ấn.

Đôi bạn - Trần Thị Doanh

Phương pháp in đồ họa độc bản là một trong những kỹ thuật khá đặc biệt của nghệ thuật đương đại. Khác với hầu hết các thể loại tranh đồ họa nhân bản cho phép in được nhiều bản giống nhau thì đồ họa độc bản lại chỉ cho ra một tác phẩm độc nhất từ một bề mặt in không thể sử dụng lại lần thứ hai giống với lần đầu. Kỹ thuật này cũng ít nhiều gần gũi với cách sáng tác hội họa, nó cho phép người nghệ sĩ mở rộng biên độ sáng tạo với các kỹ thuật in ấn nhưng lại có thể thể hiện cảm xúc trực tiếp bằng vẽ, vạch, lau chùi trên khuôn in. Bên cạnh đó, phương pháp in này cũng cho phép người nghệ sĩ có thể sử dụng những vật thể có sẵn để tạo hình như lá cây, vải, nilon, thậm chí cả những trang sách, trang báo... mà không cần phải mô tả bằng cách khắc, cắt như đồ họa truyền thống. Chính những vật liệu gián tiếp đó đã tạo cho thể loại tranh in này những giá trị khác biệt trong quá trình tạo hình.

Tĩnh vật 5 - Vương Linh

Với 45 tác phẩm của 14 tác giả được chọn ra từ 198 bản in trong vòng 12 ngày của trại sáng tác đồ họa in độc bản, triển lãm “Cảm xúc tháng sáu” lần này có thể xem là một kết quả ít nhiều thuyết phục.

“Có thể nói đây là cuộc triển lãm phong phú cảm xúc, nhiều cách tiếp cận với nghệ thuật in độc bản. Khi dấn thân thêm vào hội họa thì tôi tin rằng sẽ có một tương lai mới cho cách tiếp cận nghệ thuật, không quá sa đà nhiều vào hình thức cách tân kiểu phương Tây, hoặc hơi hướng Tàu” – họa sĩ Hoàng Nghĩa Hiệp, Giảng viên Trường ĐHMT Công nghiệp Hà Nội đánh giá.

P.Q

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trien-lam-doc-ban-do-hoa-cam-xuc-thang-sau-n175651.html