Triển lãm chùa Việt Nam, nơi gửi gắm lòng tin

'Chùa Việt Nam - nơi gửi gắm lòng tin' (Vietnam Pagodas - Legacy of faith) với 49 tác phẩm trích từ cuốn sách ảnh 'Chùa Việt Nam' (Vietnam Pagodas) của nhà nghiên cứu Nicolas Cornet đang được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM) từ ngày 1-10/6…

Nicolas Cornet, 55 tuổi, người Pháp. Anh từng là phóng viên ảnh cho các tờ báo và tạp chí như L’espresso, Mare, Le Monde, D-La Repubblica, Siette Leguas, El Mundo, Figaro Magazine, Nouvel Observateur, Geo hoặc cộng tác làm phim, tư liệu truyền hình. Anh đã nhiều lần triển lãm ở các nước: Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

Với Việt Nam, Nicolas đã có hơn 30 năm gắn bó (kể từ năm 1987). Đặc biệt, vợ của anh là người Việt, tên Xuân Diệu. Họ có 2 con trai tên Thảo và Lưu. Do vậy, Nicolas có nhiều dịp để thăm thú các ngôi chùa Việt, từ Bắc chí Nam. Anh thấy các kiến trúc mỹ thuật ở những ngôi chùa Việt đa phần được thực hiện trên gỗ - một chất liệu rất dễ bị mối mọt, hư hỏng theo thời gian. Do đó, nhiều kiến trúc bị hư hỏng nặng, tuy đã được phục dựng nhưng không còn giữ được vẻ đẹp nguyên thủy… Từ 3 năm nay, Nicolas đã đi chụp hình các ngôi chùa dọc theo đất Việt và anh không chỉ chú tâm vào phần mỹ thuật (hoa văn, họa tiết, mái đao, tượng gỗ…) mà còn ghi lại những hình ảnh sinh hoạt đời thường trong các ngôi chùa (kể cả đình, đền…) của giới tăng ni và tín đồ, gọi chung là văn hóa tâm linh.

Tác giả Nicolas Cornet (bên phải).

Nicolas tỏ ra rất am tường về tín ngưỡng truyền thống ở Việt Nam, anh nói: “Người Việt có xu hướng tiếp nhận và thích nghi với các tín ngưỡng từ mọi nơi. Bên cạnh Đức Phật, họ còn tôn vinh, thờ cúng các vật linh, oan hồn, các anh hùng dân tộc, các bậc thánh hiền… Vì thế ở Việt Nam có rất nhiều loại chùa, đình, đền… Chùa thì thờ Phật, còn Đình là một ngôi nhà chung của làng - nơi thờ cúng Thành hoàng, vị thần hộ mệnh của làng, rồi Đền là tên chung cho các nơi thờ đạo giáo như: Lão tử, Đức Thánh Trần, Bà chúa Liễu Hạnh… Miếu là nơi thờ các oan hồn, sơn thần, thổ địa và cả Khổng Tử… Cho nên, ngoài các ngôi chùa Phật giáo của người Việt, tôi còn đến thăm những nơi thờ cúng khác như chùa Khmer, chùa của cộng đồng người Hoa, những nơi thờ thần thánh, những điểm hành hương nơi hang động và núi thiêng”.

Cuốn sách của Nicolas chia làm 5 chương, anh dành 2 chương đầu để nói về các ngôi chùa ở miền Bắc: Chùa Dâu, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), núi Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Keo (Thái Bình), chùa Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Bổ Đà (Bắc Giang), chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Đậu, chùa Hương, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá, chùa Trấn Quốc (Hà Nội)… Miền Bắc là nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào Việt Nam mà giai đọạn cực thịnh là thời Lý - Trần.

Nicolas chia sẻ: “Mong rằng người Việt và tất cả những ai yêu mến đất nước Việt Nam sẽ có thể chia sẻ với con cháu chúng ta về những kỳ quan của quá khứ mà chúng ta từng ngưỡng mộ, minh chứng cho sự giàu có của một nền văn hóa phong phú: Đất nước và con người!”.

Sách in song ngữ Anh - Pháp, và đang xin phép tái bản với song ngữ Việt-Anh.

Bài & ảnh: Hà Đình Nguyên

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/trien-lam-chua-viet-nam-noi-gui-gam-long-tin-d67924.html