Triển lãm 36 tác phẩm điêu khắc mừng Đảng, mừng Xuân

36 tác phẩm điêu khắc của 29 tác giả thuộc nhiều thế hệ của mỹ thuật Việt Nam được trưng bày tại triển lãm điêu khắc 'Mùa xuân đất nước' mừng Đảng, mừng Xuân.

Vào 9h30 ngày 28/1/2020, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội sẽ khai mạc triển lãm điêu khắc Mùa xuân đất nước. Triển lãm được tổ chức để chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIII, kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2 và mừng Xuân Tân Sửu 2021.

Triển lãm trưng bày 36 tác phẩm bao gồm tượng tròn và phù điêu của 29 tác giả thuộc nhiều thế hệ từ mỹ thuật Đông Dương, mỹ thuật Kháng chiến cho đến nay. Các chủ đề ca ngợi Đảng cộng sản Việt Nam, thể hiện tình cảm của quân và dân với Bác Hồ, hay hình ảnh mùa xuân đầu tiên của độc lập, tự do được thể hiện qua những tác phẩm như Đảng là mẹ hiền (Phạm Xuân Thi, 1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890-1969 (Vương Học Báo, 1970), Xuân 1975 (Trần Tía, 1975), Nghe lời non nước (Vũ Ngọc Khôi, 1978), Bác Hồ đi tìm đường cứu nước (Diệp Minh Châu, 1985)…

Một tác phẩm điêu khắc sẽ được trưng bày tại triển lãm

Một tác phẩm điêu khắc sẽ được trưng bày tại triển lãm

Người xem cũng cảm nhận được không khí mùa xuân trên mọi miền đất nước qua các tác phẩm Tiếng đàn (Tạ Quang Bạo, 1941), Hội chèo thuyền (Ninh Thị Dền, 1984), Vũ điệu mùa xuân (Trần Việt Hà, 2001) và các tác phẩm về chủ về xây dựng cuộc sống như Đường cày đảm đang (Trần Thiết, 1980), Sức trẻ (Phạm Ngọc Tuân, 1983)…

Các tác phẩm trong giai đoạn những năm 1970 chủ yếu theo khuynh hướng hiện thực là tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo. Sau thời kỳ Đổi mới cho đến nay, khuynh hướng sáng tác hiện đại bao trùm, người nghệ sĩ lựa chọn cho mình những phong cách nghệ thuật riêng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt về những vấn đề xã hội một cách trực tiếp hoặc ẩn dụ như Quà tặng của biển (Hoàng Mai Thiệp, 2017), Bầu sữa (Nguyễn Khắc Quân, 2005), Đồng đội (Vũ Hữu Nhung, 2003)…

Sự chuyển biến của khuynh hướng sáng tác, cách biểu đạt đa dạng của khối – hình, phong phú về chất liệu tạo hình, phong cách cá nhân khá rõ nét của các nhà điêu khắc kế thừa truyền thống và phát triển, đã góp phần tạo nên diện mạo của điêu khắc Việt Nam hiện đại.

Minh Anh - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/trien-lam-36-tac-pham-dieu-khac-mung-dang-mung-xuan-20210126202111812.htm