Triển khai tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tại Thanh Hóa

UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án 'Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay' trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2030.

Ảnh minh họa/langvietonline.vn

Ảnh minh họa/langvietonline.vn

Kế hoạch nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay".

Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2025, tỉnh sẽ xây dựng Dự án, triển khai tổng kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Tổ chức Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; Mở lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, kỹ năng và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; Tổ chức tuyên truyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc thiểu số bằng các hình thức phù hợp, giới thiệu về công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc; Triển khai mặc trang phục truyền thống tại các trường dân tộc nội trú, khuyến khích công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tại cơ quan, đơn vị, nhà nước mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, tết, hội...

Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục thực hiện các nội dung về bảo tồn, khôi phục và phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống các dân tộc thiếu số; triển khai công tác đánh giá, lựa chọn và lập hồ sơ khoa học 01 Danh mục di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm về trang phục truyền thống tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh...

Việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án của Bộ VHTTDL sẽ góp phần bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu "di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu" cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Từ đó đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.

Như Thanh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/trien-khai-tong-kiem-ke-di-san-van-hoa-phi-vat-the-ve-trang-phuc-truyen-thong-cac-dan-toc-thieu-so-tai-thanh-hoa-20190610143445859.htm