Triển khai thực hiện tuyến Vành đai 3 trong năm 2019

Dự án sẽ đi qua địa bàn 3 tỉnh- thành là Bình Dương, TP.HCM và Long An, được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Tuyến Vành đai 3 Tp.HCM sẽ giải quyết các điểm nghẽn giao thông từ Tp.HCM đi Long An, Bình Dương, Đồng Nai

Tuyến Vành đai 3 Tp.HCM sẽ giải quyết các điểm nghẽn giao thông từ Tp.HCM đi Long An, Bình Dương, Đồng Nai

Theo ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cửu Long cho biết: Bộ GTVT vừa có tờ trình gửi Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Vành đai 3 TPHCM, đoạn Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 - Bến Lức. Dự án sẽ đi qua địa bàn 3 tỉnh- thành là Bình Dương, TP.HCM và Long An, được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 19.871 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn nhà nước là 9.729 tỉ đồng, nguồn vốn nhà đầu tư là 10.142 tỉ đồng.Theo kế hoạch, năm 2019 dự án sẽ được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Trong năm 2019, sau khi dự án được phê duyệt báo cáo khả thi, sẽ là giai đoạn thực hiện thiết kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng, đồng thời sơ tuyển, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Từ 2022-2025, dự án sẽ thi công và đưa vào sử dụng từ năm 2025. Sau năm 2025 sẽ hoàn thiện dự án trên cơ sở nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực.

Theo quy hoạch đã được duyệt, đường Vành đai 3 có chiều dài 97,7km. Điểm đầu của tuyến đường này bắt đầu từ đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Sau đó đi qua 4 tỉnh, thành là Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương và Long An. Điểm cuối tuyến đường này giao với đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Toàn tuyến được chia làm 4 đoạn: Đoạn 1 từ Bình Chuẩn - Tân Vạn (Bình Dương) dài 16,7km; đoạn 2 Tân Vạn - Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 34,3km; đoạn 3 Bình Chuẩn (Bình Dương) - quốc lộ 22 (TP HCM) dài 17,5km; đoạn 4 quốc lộ 22 - Bến Lức (Long An) dài 29,2km. Hiện nay, mới chỉ có đoạn Bình Chuẩn - Tân Vạn dài 16,7km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư và đưa vào khai thác, các đoạn còn lại vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất đầu tư.

Việc đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 3 phù hợp với chiến lược quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của khu vực Đông Nam Bộ. Đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch đường bộ cao tốc với nhu cầu giao thông và thực trạng của hệ thống các đường Vành đai TP.HCM như hiện nay tiến độ thực hiện các đoạn Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 - Bến Lức đã chậm so với kế hoạch đã được phê duyệt của Thủ Tướng Chính Phủ. Việc chưa đầu tư đồng bộ hệ thống đường Vành đai TP.HCM như hiện nay đã trở thành điểm nghẽn ảnh hưởng đến kinh tế xã hội của Thành phố cũng như khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo tính toán của tư vấn và kết quả thẩm định, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có khả năng thu hồi vốn khi đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT có hổ trợ của nhà nước (thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 23 năm).

Trước đó báo cáo với Bộ GTVT, Sở GTVT TP.HCM cho biết: Trong hai năm qua, Bộ GTVT và UBND TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ giải quyết nhiều vấn đề hạ tầng giao thông đô thị. Hiện nay trên địa bàn TP, đã và đang triển khai đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc, vành đai, đường trục chính đô thị và các công trình hạ tầng giao thông.

Cụ thể như: cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 2 đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, Vành đai 3 đoạn từ Tỉnh lộ 25B (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) đến nút giao Thủ Đức. Nút giao thông Mỹ Thủy, hầm chui An Sương, mở rộng Xa lộ Hà Nội, đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương)…

Mỹ lệ

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/trien-khai-thuc-hien-tuyen-vanh-dai-3-trong-nam-2019-d71799.html