Triển khai thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: Phải xác định rõ con đường và hướng đi

VH- Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại cuộc họp chiều qua 16.8 của Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1755/Đ/TTg ngày 8.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì buổi họp Ảnh: TR HUẤN

Bộ trưởng yêu cầu, những kết quả triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên từng lĩnh vực cần được thể hiện bằng những con số “biết nói”, những bước đi cụ thể, vừa bám sát thực tiễn, vừa học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển.

Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTTDL, cho đến nay công tác triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã đạt được một số kết quả. Đã có 4/7 Bộ, ngành; 51/63 địa phương xây dựng kế hoạch và báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Quyết định 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Về kết quả triển khai Chiến lược trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng cho biết, Cục Bản quyền tác giả đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai, thực hiện Chiến lược trên 5 lĩnh vực: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa và quảng cáo. Các nhiệm vụ cụ thể đã được triển khai ở các lĩnh vực này gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa.

“Bước đầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển ở ngành công nghiệp điện ảnh. Trên cơ sở đó để rút kinh nghiệm nhằm tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực còn lại...”, ông Bùi Nguyên Hùng cho hay.

Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê trong điện ảnh đến nay đã đưa ra những thông tin cơ bản, mang tính phác thảo bức tranh phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh. Tính đến 31.12.2016, có 662 doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong ngành điện ảnh. Số lao động làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh là 10.462 lao động. Về nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, toàn bộ khu vực doanh nghiệp hoạt động ngành điện ảnh thu hút 15.270 tỉ đồng. Doanh thu khu vực doanh nghiệp điện ảnh năm 2016 đạt 11.073 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhiệm vụ đào tạo, phát triển nhân lực và xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia cho ngành công nghiệp điện ảnh cũng đã có những kết quả đáng kể. Theo Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng, đây là những chỉ số đặc biệt quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa ở ngành điện ảnh.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lưu ý, triển khai bước đầu các nhiệm vụ phát triển ở ngành công nghiệp điện ảnh là cần thiết, hợp lý. Tuy nhiên cần phải rõ ràng trong từng bước đi. Đặc biệt, cần lưu ý công tác thống kê, thu thập các số liệu phải được căn cứ trên cơ sở thực tiễn, không cứng nhắc. “Cần lưu ý cách thức triển khai. Chỉ khi cách thức rõ ràng, khoa học thì mới tạo kết quả rõ nét, chuyển biến cụ thể. Từ kinh nghiệm ở ngành công nghiệp điện ảnh, các lĩnh vực còn lại thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ là nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa và quảng cáo cũng phải được xác định rõ con đường và hướng đi”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng yêu cầu, Cục Bản quyền tác giả với vai trò đầu mối cần kết nối, xây dựng báo cáo về kết quả rà soát những công việc đã triển khai để thực hiện Quyết định 1755 của Thủ tướng. Theo đó, kết quả trong năm 2017 và đến thời điểm này của năm 2018 cùng những kế hoạch, nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2019 phải được xác định rõ. Từng lĩnh vực phải cụ thể hóa các đề mục triển khai, một cách mạch lạc và khoa học. Đối với ngành công nghiệp điện ảnh, bước tiếp theo là tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, triển khai xây dựng số liệu thống kê cho bốn lĩnh vực còn lại. Mỗi con số thống kê đều phải là dữ liệu “biết nói”, cho thấy thực trạng và từng bước phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa.

“Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa cũng là những nhiệm vụ quan trọng, tất nhiên để triển khai là hoàn toàn không đơn giản. Do vậy, từng lĩnh vực phải đưa ra được những định hướng, mục tiêu mang tính tổng thể, có cơ sở khoa học, dựa trên thực tiễn phát triển.

Đồng thời, phải chú ý học hỏi kinh nghiệm, những cách làm của quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm từ những quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển. Nhìn ra thế giới sẽ có rất nhiều hình mẫu thiết thực để chúng ta học hỏi. Vấn đề cốt lõi vẫn phải là nhãn quan khoa học để đưa ra được định hướng và con đường đi đúng đắn...”, Bộ trưởng khẳng định.

Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa cũng là những nhiệm vụ quan trọng, tất nhiên để triển khai là hoàn toàn không đơn giản. Do vậy, từng lĩnh vực phải đưa ra được những định hướng, mục tiêu mang tính tổng thể, có cơ sở khoa học, dựa trên thực tiễn phát triển.

(Bộ trưởng NGUYỄN NGỌC THIỆN)

TÂM AN

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/trien-khai-thuc-hien-chien-luoc-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa160phai-xac-dinh-ro-con-duong-va-huong-di