Triển khai thực hiện các quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp

Nhằm đảm bảo các quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam tại Nghị định 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ được triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả, Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục tổ chức phổ biến biến, tuyên truyền cho cán bộ công chức, người khai hải quan, người nộp thuế.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, gồm 6 Chương, 30 Điều, quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đối với xuất nhập khẩu, tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, cấp giấy phép FLEGT (do cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp để xuất khẩu; tạm nhập tái xuất lô hàng gỗ sang Liên minh châu Âu).

Theo Nghị định, gỗ hợp pháp là gỗ, sản phẩm gỗ được khai thác, nhập khẩu, xử lý tịch thu, vận chuyển, mua bán, chế biến, xuất khẩu phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, các quy định liên quan của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật có liên quan của quốc gia nơi khai thác gỗ xuất khẩu vào Việt Nam.

Nghị định quy định gỗ xuất nhập khẩu phải đảm bảo hợp pháp, được làm thủ tục xuất nhập khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

Công chức Hải quan Nghệ An kiểm tra mặt hàng gỗ NK qua cửa khẩu Thanh Thủy. Ảnh: H.N

Công chức Hải quan Nghệ An kiểm tra mặt hàng gỗ NK qua cửa khẩu Thanh Thủy. Ảnh: H.N

Đáng chú ý trong Nghị định quy định cơ quan Kiểm lâm sở tại thực hiện việc xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu, trừ trường hợp lô hàng gỗ xuất khẩu của chủ gỗ là doanh nghiệp nhóm I và lô hàng gỗ có nguồn gốc từ rừng trồng trong nước xuất khẩu sang thị trường ngoài EU; cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh hoặc sở NN&PTNT có trách nhiệm phân loại doanh nghiệp theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ có trách nhiệm báo cáo cơ quan Kiểm lâm sở tại định kỳ 3 tháng một lần và lưu trữ hồ sơ lâm sản trong vòng 5 năm kể từ ngày xuất bán gỗ.

Nghị định 102/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2020, bãi bỏ Điều 17 về hồ sơ nhập khẩu gỗ và Điều 26 về hồ sơ xuất khẩu gỗ quy định tại Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản của Bộ NN&PTNT.

Theo đó, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 102/2020/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tổ chức cho CBCC trong đơn vị nghiên cứu và triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định này. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của nghị định cho người khai hải quan, người nộp thuế.

Việc ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP là một trong những bước nội luật hóa quan trọng các cam kết của Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT); kết hợp với Hiệp định EVFTA sẽ là lực đẩy giúp xuất khẩu gỗ sang EU tăng tốc hơn nữa.

Nụ Bùi

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/trien-khai-thuc-hien-cac-quy-dinh-he-thong-bao-dam-go-hop-phap-133682.html