Triển khai sớm chỉ đạo của Chính phủ về việc hoàn chỉnh các đề án tiêu thụ tro xỉ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, hiện Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và 4 đang sử dụng chung bãi thải tro, xỉ có diện tích hơn 38 ha với sức chứa khoảng 9,3 triệu m3. Đến thời điểm hiện tại, bãi xỉ của nhà máy đã chứa khoảng 4,4 triệu m3.

Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận. (Ảnh: K.V)

Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận. (Ảnh: K.V)

Các chuyên gia về nhiệt điện cho biết, với 2 nhà máy nhiệt điện là Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 4 đang hoạt động sử dụng bãi chứa tro, xỉ, có diện tích 38,3 ha, sức chứa gần 10 triệu m3. Với tốc độ chôn lấp tro, xỉ như hiện nay, nếu không có đầu ra xử lý tro, xỉ, thì đến năm 2021, bãi chôn lấp trên sẽ được lấp đầy và quá tải.

Tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, lượng tro, xỉ tồn nhiều. Bãi tro khá cao và sẽ đạt cao trình trên 20m trong thời gian tới. Hiện có khoảng 4 triệu tấn tro xỉ than từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chưa có đầu ra. Trong khi đó, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 1 bắt đầu hoạt động thương mại, đồng thời Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng cũng lắp đặt xong trên 70% khối lượng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhà máy nào hoàn thành đề án tiêu thụ tro, xỉ than.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có 2 tổ máy với công suất 1.244 MW, mỗi ngày 2 tổ máy này đốt khoảng hơn 14.000 tấn than và thải ra lượng tro, xỉ từ 3.500 đến 4.000 tấn (tương đương 37,5%), mỗi năm thải ra chừng 1,2 triệu tấn. Toàn bộ Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân được đầu tư tương đương khoảng 10 tỉ USD. Khi các nhà máy nói trên đều đi vào hoạt động sẽ phát sinh khoảng 3,8 triệu tấn xỉ than mỗi năm.

Đơn vị quản lý khu vực chứa tro, xỉ, tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho biết, hiện nay việc chôn lấp tro, xỉ vẫn sử dụng quy trình cũ là tưới ướt rồi lu, lèn. Không sử dụng lớp hồ dầu xi măng trải lên lớp mặt bãi xỉ như trước. Hiện toàn bộ khu vực bãi xỉ cũng có hệ thống bơm tưới tự động, nên không có tình trạng tán phát bụi tro. Người dân thôn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết bãi xỉ ngày càng cao khiến người dân lo ngại. Người dân nơi đây lo vỡ bờ bao bãi tro, xỉ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của mình. Chính vì vậy, đã kiến nghị với chính quyền nhiều lần vấn đề này.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Tân, mùa nắng thì sợ bãi tro, xỉ phát tán khói bụi vào khu dân cư. Mùa mưa thì lo bãi tro, xỉ có thể vỡ bờ bao tràn vào nhà, vườn của người dân. Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong, xã đã có một tổ chuyên trách luôn kiểm soát, theo dõi bãi tro, xỉ để có biện pháp ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố.

Đồng chí Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong cho biết, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã đi vào hoạt động được 3 năm, song việc xử lý tro, xỉ vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu. Vì vậy đề nghị địa phương và các bộ, ngành phải có giải pháp quyết liệt để giải quyết đầu ra cho tro, xỉ than, đảm bảo cuộc sống cho người dân địa phương.

Theo lãnh đạo Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do thiếu cơ chế và chính sách phù hợp. Ngoài ra, trong quá trình vận hành, dự án lấy tro, xỉ làm gạch xây nhà của công ty cổ phần đầu tư Mãi Xanh tại Tuy Phong, Bình Thuận có công suất tiêu thụ tro, xỉ mỗi ngày chỉ khoảng đáp ứng 3%.

Được biết, Công ty cổ phần đầu tư Mãi Xanh đã có dự án “sản xuất gạch không nung” từ nguồn nguyên liệu tro, xỉ (công suất 4.500 tấn tro xỉ/ngày). Mặc dù Công ty cổ phần đầu tư Mãi Xanh đã hoàn thành các thủ tục về môi trường, đất đai, xây dựng và khởi công xây dựng từ đầu năm 2017, tuy nhiên tiến độ thực hiện dự án đến nay khá chậm.

Tới giữa tháng 8/2018, Công ty này mới xây dựng xong 1/7 nhà xưởng và lắp ráp 3/28 dây chuyền. Dự án mới hoạt động một dây chuyền, trong khi thị trường tiêu thụ loại vật liệu này lại không nhiều tại địa phương, nên Công ty đang mở hướng ra các thị trường khác trong khu vực. Nhưng do phải vận chuyển xa, sẽ phát sinh như tăng giá thành gạch, chính vì vậy, việc sản xuất vật liệu từ nguồn tro, xỉ tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Bãi chứa tro, xỉ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. (Nguồn: Báo Lao Động)

Trước thực tế trên, các bên liên quan và tỉnh Bình Thuận đã và đang tìm giải pháp hữu hiệu nhất để xử lý lượng tro, xỉ hàng ngày thải ra môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân cho hay, Công ty đã làm việc với tập đoàn INSEE (Siam City Ciment) về sử dụng tro bay của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 để làm phụ gia xi măng của tập đoàn này, nhưng mọi thứ còn đang trên bàn đàm phán. Ngoài ra, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cũng đang khẩn trương tìm kiếm đầu ra khác cho tro, xỉ như cung cấp tro bay cho các nhà máy xi măng, xuất khẩu tro, xỉ, hoặc tìm đối tác cần tro, xỉ làm vật liệu san lấp mặt bằng …

Riêng tỉnh Bình Thuận cũng nỗ lực tạo điều kiện cho một nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng từ tro, xỉ. Nếu nhà máy này sớm hình thành sẽ xử lý được 56.000 tấn tro bay mỗi năm. Mới đây, một doanh nghiệp đã thử nghiệm vận chuyển 2.500 tấn tro bay của nhà máy Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 4, xuất cho Công ty Hứa Gia, bằng tàu biển tại Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân. Nếu cho việc tiêu thụ tro bay bằng đường biển thành công, đây sẽ là lối mở cho giải quyết nguồn thải tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ở tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, cần phải có tàu phù hợp để vận chuyển tro bay và phải trung chuyển bằng xe bồn từ nhà máy tới cảng. Mặt khác, chi phí thuê tàu và bến bãi rất cao cũng là nguyên nhân chính gây khó khăn trong việc tiêu thụ tro, xỉ.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cũng đã ký Công văn (số 3538) yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh giám sát chặt việc xử lý chất thải trong quá trình xây dựng, vận hành các nhà máy tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân. Tiến sỹ Nguyễn Tường Tấn - Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho rằng, Chính phủ nên lập Ban chỉ đạo sử dụng tro, xỉ nhiệt điện than. Các bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ... cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa để ban hành các văn bản pháp quy cần thiết về việc sử dụng tro, xỉ nhiệt điện than.

Cũng liên quan đến vấn đề này, các doanh nghiệp đã có kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng từ tro, xỉ. Theo đó, các cơ quan chức năng cần ban hành các chính sách hỗ trợ cho các đơn vị đầu tư nhà máy tuyển như: hỗ trợ về lãi xuất, thuế thu nhập, thuế VAT, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ… Đối với các nhà máy nhiệt điện than khu vực phía Nam tại Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải và Vĩnh Tân mới đưa vào vận hành cần nỗ lực làm việc với các đơn vị có khả năng tiêu thụ tro, xỉ, tạo điều kiện để các đơn vị này tiến hành lấy mẫu thí nghiệm để đưa ra phương án tiêu thụ.

Tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới đây, đồng chí Huỳnh Thanh Cảnh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai sớm các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương về việc hoàn chỉnh các đề án tiêu thụ tro xỉ đối với từng chủ phát thải. Đây là vấn đề cấp thiết nhất đối với Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân trong thời gian tới.

Được biết, sau khi nhận được Văn bản số 3568/UBND-KT ngày 24/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc đề nghị ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng tro, xỉ than từ nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận. Theo đó, với các tiêu chuẩn kỹ thuật đã được ban hành, thì tro, xỉ nhiệt điện có thể sử dụng với khối lượng lớn làm phụ gia xi măng, phụ gia bê tông, phụ gia cho sản xuất gạch xây.

“…Các tiêu chuẩn quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật đang được xây dựng, dự kiến ban hành trong thời gian tới: TCVN “Tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp” (Dự thảo tiêu chuẩn đã được hoàn thành và trình Bộ Khoa học và công nghệ); TCVN “Tro xỉ nhiệt điện - Phương pháp xác định hàm lượng vôi tự do”; TCVN “kỹ thuật thi công nghiệm thu tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu móng đường và đắp nền đường”; TCVN “Thuật ngữ định nghĩa cho các sản phẩm đốt than”; Hướng dẫn kỹ thuật thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông đầm lăn có sử dụng tro xỉ; Hướng dẫn kỹ thuật gia cố nền đất theo phương pháp trộn nông sử dụng chất liên kết có tro xỉ nhiệt điện; Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất gạch bê tông sử dụng phế thải tro xỉ nhiệt điện và phế thải đá mạt;

Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế cấp phối bê tông sử dụng tro bay nhiệt điện; Chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro xỉ nhiệt điện trong san lấp cho công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật; Chỉ dẫn kỹ thuật thiết kế, thi công nghiệm thu xử lý nền bằng cọc CFG; Định mức dự toán công tác san lấp mặt bằng công trình sử dụng vật liệu được sản xuất từ tro, xỉ và thạch cao; Định mức cấp phối bê tông dùng xi măng sử dụng thêm phụ gia làm từ vật liệu tro, xỉ và thạch cao; Định mức công tác làm đường bê tông từ vật liệu tro, xỉ...”

Với Văn bản này, hy vọng nguồn tro, xỉ từ Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung sẽ có giải pháp xử lý hiệu quả, tránh gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội./.

K.V (TH)

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/trien-khai-som-chi-dao-cua-chinh-phu-ve-viec-hoan-chinh-cac-de-an-tieu-thu-tro-xi-500880.html