Triển khai sơ kết Nghị quyết 29: Bám sát 6 mục tiêu, 9 nhiệm vụ, giải pháp

Sáng 21-9-2018, tại Ban Tuyên giáo Trung ương đã diễn ra cuộc họp củaBan Chỉ đạo Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về 'Đổi mới cănbản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa,hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủnghĩa và hội nhập quốc tế'.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án chủ trì cuộc họp.

Đến nay, Ban Chỉ đạo Đề án đã khảo sát 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 13 cơ sở giáo dục và đào tạo và một số bộ, ngành. Theo kết quả khảo sát, nhìn chung, Nghị quyết 29 đã đi vào thực tế, lan tỏa tốt, tạo ra nhiều chuyển biến trong đổi mới giáo dục - đào tạo. Công tác lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với đổi mới giáo dục và đào tạo ở các địa phương đã được quan tâm hơn.

6 mục tiêu và 9 nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 29 đề ra đã được triển khai ở các cấp độ khác nhau. Trong thực tiễn đã có nhiều mô hình, sáng kiến, điển hình trong triển khai đổi mới giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, một số cấp ủy vẫn còn lúng túng, trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa thực sự cụ thể và sát với tình hình địa phương, đơn vị. Chất lượng giáo dục toàn diện chuyển biến chưa mạnh, vẫn còn chênh lệch giữa các vùng miền. Nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra vẫn cần được đánh giá, nhìn nhận để tiếp tục tháo gỡ, triển khai. Công tác đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 29 của một số cấp ủy Đảng, chính quyền có lúc, có nơi chưa được thường xuyên.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 cần lấy trọng tâm bám sát 6 mục tiêu và 9 nhiệm vụ giải pháp mà Nghị quyết đã nêu ra để “đo” những kết quả của đổi mới, đánh giá những thành công và hạn chế, những rào cản và vấn đề đặt ra trong việc tiếp tục triển khai Nghị quyết.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, “nút thắt” hiện nay vẫn xoay quanh chương trình và sách giáo khoa, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, cơ chế tài chính, đổi mới trong tổ chức và quản lý, kiểm tra đánh giá và thi cử, đồng thời truyền thông cũng là một yếu tố tác động không nhỏ đến thành công của đổi mới. Bộ trưởng cũng nêu, trong rất nhiều vấn đề cần tiếp tục triển khai thì việc tập trung vào đội ngũ nhà giáo vẫn được xem là vấn đề căn bản, trọng tâm trong đổi mới.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo hoàn tất các sản phẩm của Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ để sớm hoàn thiện Báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào tháng 11 tới.

Thảo Nguyên

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/giao-duc/trien-khai-so-ket-nghi-quyet-29-bam-sat-6-muc-tieu-9-nhiem-vu-giai-phap-115124