Triển khai sâu rộng công tác giáo dục pháp luật

Sau nhiều năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và Nhân dân', công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thủ đô ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, tạo ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.

Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã kịp thời đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần quan trọng tạo nên chuyển biến về tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đáng chú ý, những nội dung PBGDPL đã không còn khô cứng, văn bản mà đã biết bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương.

Hình thức PBGDPL đã được thực hiện đa dạng, sáng tạo. Nhiều mô hình hay, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn đã xuất hiện trên khắp cả nước, trở thành những điểm sáng của cơ sở trong triển khai công tác PBGDPL.

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được lồng ghép và tổ chức rộng khắp, thiết thực, gần gũi. Ảnh: Đinh Luyện

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được lồng ghép và tổ chức rộng khắp, thiết thực, gần gũi. Ảnh: Đinh Luyện

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Hà Nội đã thực hiện bằng nhiều mô hình đổi mới, đa dạng, phong phú, thực chất, trong đó có việc tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến”. Qua đánh giá, cuộc thi "Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến" với mục đích phổ biến rộng rãi cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố đã giúp cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân thấy được lợi ích, hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến và kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Số liệu thống kê của Ban tổ chức cho thấy, sau 7 tháng tổ chức triển khai cuộc thi, toàn thành phố Hà Nội đã có 867.000 lượt bài dự thi. Trong đó, ở phần thi trắc nghiệm, bài dự thi có điểm tuyệt đối (40 điểm) là 119.000 bài (chiếm 13%); bài dự thi có điểm từ 30 đến dưới 40 là 257.000 (chiếm 30%).

Ở phần thi tự luận, số lượng bài dự thi đạt điểm cao tuy không nhiều, chỉ chiếm 10% trong số những bài dự thi được lựa chọn để chấm giải, nhưng đã có nhiều giải pháp, sáng kiến sáng tạo, đột phá được các thí sinh đưa ra có thể ứng dụng ngay trong thực tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện đang thực hiện tại thành phố Hà Nội.

Công tác giáo dục ý thức “thượng tôn pháp luật” trong học sinh trên địa bàn Thủ đô cũng được chú trọng. Minh chứng dễ thấy, từ đầu tháng 11, các trường học tại Hà Nội đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là hoạt động ngoại khóa thường niên của ngành giáo dục nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật.

Tuyên truyền về văn hóa giao thông và Luật Giao thông qua cuộc thi trong công nhân viên chức lao động ngành Giao thông vận tải Hà Nội. Ảnh: Đinh Luyện

Qua đây cũng trực tiếp góp phần giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và các em học sinh. Mô hình tuyên truyền ở Trường Tiểu học Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) là ví dụ. Tại đây, với hình thức sân khấu hóa, các em học sinh Trường Tiểu học Sơn Đông được chia thành 2 đội với tên gọi Hà Nội và Thăng Long, trải qua 4 phần thi hấp dẫn, lôi cuốn để cùng tìm hiểu các kiến thức về pháp luật, an toàn khi sử dụng mạng xã hội, bạo lực học đường, Luật An toàn giao thông như việc đội mũ bảo hiểm, chấp hành đèn tín hiệu khi tham gia giao thông.

Với đội ngũ công nhân viê chức lao động, Công đoàn Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã khéo léo lồng ghép tuyên truyền pháp luật và văn hóa giao thông vào cuộc thi Lái xe mô tô giỏi, an toàn, tuyên truyền kỹ năng sơ cấp cứu người bị tai nạn… qua cuộc thi, mỗi thí sinh trở thành hạt nhân phong trào, góp phần tích cực tuyên truyền về pháp luật giao thông.

Rõ ràng, các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn Thành phố đã bám sát, phục vụ kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của Hà Nội. Nội dung, hình thức PBGDPL được đổi mới đa dạng, thiết thực, hiệu quả, chất lượng, đi vào chiều rộng và chiều sâu, tác động đến hầu hết các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/trien-khai-sau-rong-cong-tac-giao-duc-phap-luat-100401.html