Triển khai quyết liệt các giải pháp tăng trưởng

Những ngày qua, cả hệ thống chính trị và người dân đã vào cuộc chống dịch Covid - 19 với tinh thần 'chống dịch như chống giặc'. Gần như mối quan tâm về khẩu trang, nước rửa tay, cách phòng chống dịch bệnh đã... choán toàn bộ suy nghĩ của mọi người.

 Người tiêu dùng mua hàng thực phẩm tại siêu thị Hapro. Ảnh: Trần Việt

Người tiêu dùng mua hàng thực phẩm tại siêu thị Hapro. Ảnh: Trần Việt

Từ cơ quan công sở đến hàng quán đâu đâu cũng thấy người ta nhắc tới Covid - 19. Song, nếu lắng lại mới chợt giật mình: Cuộc sống vẫn tiếp tiễn đâu chỉ có Covid - 19. Và thực tế đã có tình trạng sợ dịch bệnh mà để công việc trì trệ, hoặc quá tập trung chống dịch mà lơ là các nhiệm vụ.

Năm 2020 là năm cuối thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, cần phải có sự quyết liệt hành động của các cấp, các ngành, địa phương. Vì vậy, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải chống cả virus trì trệ”. Đó là cùng với chống dịch phải quyết liệt hành động để phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.

Không chỉ mỗi tập trung chống dịch

Theo Bộ KH&ĐT, các tổ chức quốc tế đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch Covid - 19 sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt tình trạng khi bệnh dịch kéo dài. Kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với dịch SARS, lên tới 160 tỷ USD.

Đại dịch có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu, gây hiệu ứng domino đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất hàng hóa của thế giới, làm thay đổi cán cân cung - cầu từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu. Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ.

Sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống Nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Với tình hình phức tạp như hiện nay, yêu cầu giảm giá xăng dầu theo giá thị trường; không tăng giá điện và các dịch vụ công trong thời gian tới...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là 6,8%. Đến giờ, Chính phủ vẫn chưa có chủ trương thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2020 mà vẫn theo dõi sát sao và xây dựng kịch bản theo tình hình dịch để chủ động ứng phó. Theo đó, nếu vẫn quyết tâm giữ mục tiêu tăng trưởng 6,8%/năm thì những quý còn lại trong năm phải đạt được tăng trưởng ở mức nào. Các chính sách tiền tệ, đầu tư công, xuất nhập khẩu… từ nay đến cuối năm phải thay đổi như thế nào.

Khi đó Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP lớn, các trọng điểm kinh tế cần phải điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng ra sao? Các ngành kinh tế mũi nhọn cần xây dựng các đề án riêng để xử lý, giải quyết… đồng hành cùng Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện nay.

Lửa thử vàng

Kinh nghiệm từ việc chống đại dịch virus Corona, chúng ta phải duy trì kim chỉ nam trong suy nghĩ, hành động là chủ động, dám tấn công, chống lại “virus trì trệ”. Để xã hội phát triển cùng lúc phải chống 2 loại virus là virus Corona và “virus trì trệ” bằng các biện pháp mạnh, chủ trương cụ thể, vào cuộc đồng bộ. Xóa bỏ ngay tư tưởng lý do dịch bệnh nên không dám hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ ý kiến Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, Thủ tướng đã quyết định mở cửa các điểm danh lam, thắng cảnh du lịch, phản hồi cho thấy đây là quyết định chính xác, có thể nghiên cứu tiến hành miễn visa du lịch thời hạn 30 ngày cho một số thị trường. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đưa ra một số biện pháp giảm chi phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ như lệ phí visa, chi phí logistic…

Chính phủ quyết định không tăng giá dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác. Đẩy mạnh đầu tư công và các công trình trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân ODA, FDI, đầu tư xã hội. Cương quyết đưa ra các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, không để tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ tăng giá.

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm phải xác định “cái khó, ló cái khôn” trong bối cảnh này phải sớm tổ chức sản xuất, tái cơ cấu thị trường, coi trọng thị trường nội địa, mở rộng thị trường quốc tế. Các ngành nghề phải cân nhắc xây dựng lại vùng nguyên liệu cho sản xuất, nguồn nhập khẩu.

Các địa phương đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch Covid - 19 thì giờ đây chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Trong chống dịch, chúng ta đã được bạn bè quốc tế đánh giá làm được “điều ngoạn mục” thì nếu như chống được “virus trì trệ” chúng ta sẽ làm được điều tương tự trong phát triển kinh tế.

Người dân cả nước đã thấy Hà Nội đã đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, đây là thời điểm Hà Nội tiếp tục tiên phong, với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước trong việc chống “virus trì trệ”. Thủ đô đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chống dịch quyết liệt, đồng bộ nhưng không phải đóng cửa, cấm tất cả các hoạt động, ngồi chờ chỉ đạo. Tinh thần đó, hành động đó sẽ được Hà Nội tiếp tục được triển khai khi chống “virus trì trệ”.

An Thanh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/trien-khai-quyet-liet-cac-giai-phap-tang-truong-365116.html