Triển khai phù hợp học trực tuyến bậc cao đẳng, đại học

Để ứng phó dịch Covid-19, nhiều trường đại học, cao đẳng đang triển khai dạy, học trực tuyến (DHTT). Kinh nghiệm DHTT từ năm trước khiến cả thầy và trò không còn nhiều bỡ ngỡ với phương pháp giảng dạy và học tập mới. DHTT là xu thế, tuy nhiên để thật sự phát huy hiệu quả và nhân rộng cần xem xét thấu đáo trên nhiều yếu tố và một lộ trình triển khai bài bản.

Giảng viên Đại học Mở Hà Nội giảng bài trực tuyến.

Giảng viên Đại học Mở Hà Nội giảng bài trực tuyến.

Để ứng phó dịch Covid-19, nhiều trường đại học, cao đẳng đang triển khai dạy, học trực tuyến (DHTT). Kinh nghiệm DHTT từ năm trước khiến cả thầy và trò không còn nhiều bỡ ngỡ với phương pháp giảng dạy và học tập mới. DHTT là xu thế, tuy nhiên để thật sự phát huy hiệu quả và nhân rộng cần xem xét thấu đáo trên nhiều yếu tố và một lộ trình triển khai bài bản.

Trong “nguy” có “cơ”

Nhằm bảo đảm chương trình học đúng tiến độ, từ ngày 22-2, Cao đẳng FPT Polytechnic tổ chức DHTT các môn học khi dịch Covid-19 tái bùng phát. Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Thanh Nam chia sẻ, ngay từ khi mới thành lập, trường đã xác định ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng tất yếu trong đổi mới, tạo “thương hiệu” bởi đào tạo được số lượng lớn, không phụ thuộc cố định vào địa điểm hoặc giảng viên, bảo đảm chất lượng đào tạo đồng đều giữa các cơ sở.

Vì thế, khi xu hướng dạy học online manh nha, từ năm 2012 Cao đẳng FPT Polytechnic đã triển khai phương pháp blended learning (học tập tích hợp) và DHTT từ tháng 9- 2019, chủ yếu là các môn học chung.

Thi online cũng được kiểm soát chặt chẽ, bố trí giám thị giám sát bảo đảm công bằng, chống gian lận. Các buổi bảo vệ dự án tốt nghiệp cũng được truyền trực tuyến công khai, minh bạch, các cơ sở đào tạo có thể tham dự để giao lưu chuyên môn, doanh nghiệp cùng phỏng vấn đánh giá tính ứng dụng, khả thi, từ đó xem xét đầu tư dự án, đánh giá trình độ, khả năng ứng biến của sinh viên phục vụ tuyển dụng nhân sự.

Học trực tuyến là giải pháp phù hợp trong thời điểm dịch Covid-19.

Theo Trưởng phòng Công nghệ thông tin Đoàn Văn Quang, nhà trường chuẩn bị chu đáo cả về nhân lực và cơ sở hạ tầng, cán bộ, giảng viên được tập huấn, hướng dẫn sử dụng công cụ giảng dạy online kỹ lưỡng nên triển khai có nhiều thuận lợi. Giảng viên DHTT bằng Google Hangouts Meet (meet.google.com) theo đúng lịch, sử dụng học liệu trên CMS, LMS cho sinh viên tự học online, kết hợp trao đổi với sinh viên qua facebook, zalo, google class room, gmail…; điểm danh trên công cụ giảng dạy online có sự kiểm soát của Ban Đào tạo.

Năm nay, việc DHTT đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm nên giảng viên không chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức mà còn khéo léo hơn khơi gợi sinh viên tìm hiểu, khám phá, tạo nhiều hứng thú trong giờ học.

Cùng chung quan điểm, Hiệu trưởng Đại học Mở Hà Nội Trương Tiến Tùng khẳng định ưu điểm nổi trội của DHTT bởi sinh viên chủ động tìm kiếm thông tin liên quan bài học nên nhớ nhanh, giảng viên khái quát lại và giảng cho sinh viên hiểu sâu nên đạt hiệu quả cao, điểm danh chính xác và qua hệ thống quản trị lớp học biết rõ sinh viên đang đọc chương nào, làm bài phần nào, có nguồn dữ liệu phân tích đánh giá thực tế giảng dạy của giảng viên, học tập của sinh viên và kết hợp với kết quả trò “chấm điểm” thầy cô trên hệ thống từ đó kịp thời có điều chỉnh phù hợp.

Sở dĩ Đại học Mở Hà Nội nhanh chóng bắt nhịp với DHTT bởi phát huy nền tảng đào tạo từ xa bắt đầu từ gần 30 năm trước và đến nay, nhà trường tích lũy được vốn liếng lớn nhờ đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hàng chục nghìn USD với công nghệ lưu trữ tốt: có hệ thống máy chủ mạnh, tự tạo đám mây lưu trữ dữ liệu cho trường và khuyến khích mỗi sinh viên xây dựng một không gian lưu trữ riêng, nguồn học liệu thường xuyên được bổ sung, update.

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đầu năm 2021, gần 30 nghìn sinh viên Đại học Mở Hà Nội chuyển sang học trực tuyến để phòng, chống dịch và từ 8-3, các đơn vị đào tạo căn cứ tình hình thực tế xây dựng phương án dạy - học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, bảo đảm các cá nhân có yếu tố dịch tễ phải cách ly có thể tham gia học tập đúng kế hoạch.

Trước mỗi sự thay đổi, một số người ngại đổi mới thường có sự phản kháng, nhưng trong “nguy” có “cơ”, Covid-19 là tình thế cấp bách buộc giảng viên nhanh nhạy vào cuộc, nỗ lực cố gắng dù bận rộn, vất vả hơn, dốc tâm huyết nhằm bảo đảm tương tác và sinh viên hiểu bài tốt. Việc động viên, đả thông tư tưởng cán bộ, giảng viên được chú trọng.

Nhiều trường xác định rõ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin giúp minh bạch hóa khâu vận hành, quản lý thuận lợi và kiểm soát chất lượng đầu ra nên chú tâm đầu tư hệ thống hạ tầng, đáp ứng cùng lúc đông người truy cập, bảo đảm DHTT thông suốt.

Chia sẻ của một số giảng viên cũng cho thấy, DHTT đòi hỏi chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng và nói nhiều, liên tục trả lời các câu hỏi của sinh viên và có “nghệ thuật” tạo hứng khởi, động viên đúng lúc, tránh tình trạng thầy cô lo trò không hiểu, cứ giảng liên tục, dễ gây đơn điệu, nhàm chán.

Giảng viên Nguyễn Thanh Huyền, Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) bộc bạch, năm nay là năm thứ 2 DHTT nên tự tin hơn, ứng dụng được nhiều kỹ năng tích cực trong giảng dạy nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Mặc dù giảng viên và sinh viên không phải đến trường, bớt thời gian đi lại nhưng giảng viên phải số hóa bài giảng công phu để sinh viên dễ hiểu, nói nhiều hơn, cô trò không giao tiếp trực tiếp nên hiệu quả không bằng dạy học tập trung.

Không ít lớp học online sôi động, thú vị không kém đời thực bởi sự gắn kết, tương tác thầy trò. Các thầy cô hỗ trợ tối đa, hễ sinh viên thắc mắc gửi tin nhắn, gọi điện dù giữa đêm khuya hay ngày nghỉ đều sẵn sàng giải đáp.

TS Trần Văn Tớp, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ năm ngoái việc DHTT của trường thời điểm bùng phát dịch Covid-19 suôn sẻ nhờ sự chuẩn bị chu đáo, vào cuộc tích cực của cả thầy và trò. Đại học Bách khoa đang triển khai DHTT cho các lớp học phần lý thuyết/bài tập trên hệ thống MSTeams trong hai tuần, giờ giảng dạy trực tuyến là giờ giảng dạy chính thức theo thời khóa biểu.

Sinh viên Cao đẳng FPT Polytechnic học trực tuyến.

Xu hướng tất yếu

DHTT là xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. “Học trực tuyến đối với sinh viên thuận lợi và phát huy hiệu quả hơn bậc phổ thông bởi người học đã trưởng thành, kiến thức nền tốt, xác định rõ động cơ học tập, việc tự học, tự nghiên cứu được đề cao, sử dụng thành thạo công nghệ.

Bài giảng online nên kiến thức được chia sẻ nhanh chóng, có thể học bất kỳ địa điểm nào có đường truyền internet ổn định, cảm giác thoải mái hơn, không bị gò bó như ở trên lớp”, TS Tôn Quang Cường, chuyên gia giáo dục nhận định.

Giảng viên thỉnh giảng là cán bộ công tác ở các đơn vị khác, thậm chí giảng viên ở nước ngoài cũng dễ dàng DHTT.

Sinh viên Nguyễn Trường Giang, lớp PB16122 DIG Cao đẳng FPT Polytechnic chia sẻ, năm nay là năm thứ 2 học trực tuyến ở nhà tránh dịch nên đã quen, tuy nhiên với môn học nhiều lý thuyết thì phù hợp, môn nào đòi hỏi thực hành nhiều học trực tiếp mới thật sự hiệu quả.

Phân tích của TS Trương Tiến Tùng cho thấy, DHTT thu hút được số đông, nhất là với những người vừa làm vừa học (càng đông người học thì học phí càng giảm), có điều kiện xây dựng được cây stady, phát huy trí tuệ của đông đảo người học. Thông qua bài giảng điện tử, sinh viên có thể học từ xa ở mọi nơi, mọi lúc, khi nào hứng thú nhất thì học, khi cần có thể xem lại để tìm hiểu, không bắt buộc phải học theo giờ quy định như trên lớp.

Ngay cả thời điểm duy trì học tập trung, bên cạnh các môn học do giảng viên các trường giảng dạy trực tiếp, việc mời lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm online cũng cần duy trì để bổ trợ, nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, dạy học trên truyền hình tuy thu hút được giảng viên giỏi giảng dạy nhưng hạn chế là thuyết giảng một chiều còn DHTT có tương tác, tính minh bạch cũng được đề cao nhờ hệ thống giám sát kiểm tra việc dạy và học online trong thực tế, buộc cả người dạy và người học phải tuân thủ kỷ luật.

Bên cạnh đó, các trường có thể mở các lớp DHTT đào tạo những khóa ngắn hạn theo yêu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu xã hội với đa dạng đối tượng, sinh viên tốt nghiệp đang đi làm vẫn có thể theo học nâng cao trình độ và phục vụ công việc. Tăng cường DHTT góp phần giảm tải đầu tư trang bị phòng học, chi phí điện nước, không cần nhiều giảng đường lớn, giáo án cập nhật, bổ sung có thể tận dụng dạy các khóa sau.

Thực tế minh chứng, rào cản trước hết từ tư duy ngại thay đổi và muốn vượt qua cần quyết tâm đổi mới, chỉ đạo xuyên suốt từ lãnh đạo các trường, chủ động, tích cực đổi mới của giáo viên và sinh viên, nhất là năng động, dám nghĩ dám làm của người đứng đầu.

Với những trường cơ sở vật chất hạn chế, việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị phục vụ DHTT còn nan giải. Với những nội dung như dạy thực hành, thí nghiệm, đòi hỏi làm việc tương tác trực tiếp theo nhóm thì DHTT lại bộc lộ yếu điểm. Một số sinh viên hào hứng với học trực tuyến vì sự mới mẻ, áp dụng công nghệ nhưng cũng than phiền bởi thiếu sự trao đổi trực tiếp nên không sinh động và hiệu quả như học tập trung ở trên lớp, các nhóm hỏi nhiều nên đôi khi giảng viên không thể trả lời, giải đáp hết trong giờ học, chưa kể những tình huống khách quan như mất điện, lỗi mạng…

Bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hạ tầng internet, mạng di động phát triển là tiền đề thuận lợi cho DHTT tiếp tục lan tỏa sâu rộng và trở thành xu thế trong tương lai. Một số trường đại học, cao đẳng tiếp tục đẩy mạnh DHTT trong thời gian tới, ngay cả thời điểm không có dịch Covid-19.

Đòi hỏi đặt ra là cần tính toán hài hòa giữa tỷ lệ DHTT và dạy học trực tiếp, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu, xây dựng nguồn học liệu bảo đảm chất lượng, quy trình, chuẩn hóa, sắp xếp theo hệ thống một cách bài bản, bảo đảm yếu tố kỹ thuật và khoa học ngay từ ban đầu, đầu tư chiều sâu một lần nhưng có thể tái sử dụng trong nhiều năm. DHTT cần tiến hành thận trọng theo lộ trình trên cơ sở xem xét nhiều yếu tố, tuyệt đối không nóng vội.

Với DHTT, tuy đã có một số quy định, nhưng trong thực tiễn triển khai vẫn có cơ sở đào tạo còn vướng mắc, có trường muốn tăng thêm thời gian DHTT nhưng chưa thể thực hiện vì quy định cứng (thời gian DHTT tối đa 20%).

Do đó, cần có quy định thống nhất, cụ thể hơn, bảo đảm các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ hoặc thi, kiểm tra kết thúc môn học theo hình thức trực tuyến được công nhận giá trị tương đương như thi, kiểm tra, đánh giá truyền thống; với các trường có cơ sở vật chất tốt, đáp ứng đủ điều kiện cần có “độ mở” linh hoạt cho phép tăng thời gian DHTT phù hợp và chất lượng đào tạo do trường tự chịu trách nhiệm.

Sinh viên Đại học Mở Hà Nội học trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19.

Theo TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, với đặc thù dạy nghề chủ yếu là dạy thực hành, ở các nước chủ yếu là dạy học trực tiếp thì với các trường cao đẳng dạy nghề ở nước ta vẫn nên chú trọng duy trì dạy học tập trung, xem xét DHTT một số môn học với thời lượng hợp lý trên cơ sở điều kiện cơ sở vật chất và tình hình thực tế, tránh chạy theo phong trào.

Và trên bề rộng, muốn triển khai DHTT mạnh mẽ, hiệu quả không thể thiếu việc tích cực xây dựng môi trường xã hội học tập, đề cao tính chủ động tự học, nghiên cứu của mỗi cá nhân, tạo mọi điều kiện cho sinh viên làm quen, thích nghi với hình thức học tập mới này.

TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Đại học Mở Hà Nội cho rằng, nếu tận dụng, khai thác hiệu quả thư viện điện tử, bài giảng điện tử, forum trao đổi giữa thầy và trò, tăng cường tranh luận, làm bài tập theo nhóm, kết hợp hài hòa giữa DHTT và giảng dạy trực tiếp sẽ phát huy tối đa hiệu quả.

Cần tăng cường tuyên truyền để mọi người hiểu rõ thế nào là DHTT và ưu thế của loại hình này và ngành giáo dục đẩy mạnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để giáo viên nắm bắt được kỹ năng, phương pháp vận dụng DHTT phù hợp điều kiện thực tế nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, trên cơ sở lấy người học làm trung tâm.

TUẤN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dien-dan-giao-duc/trien-khai-phu-hop-hoc-truc-tuyen-bac-cao-dang-dai-hoc-637202/