Triển khai phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô

Hiện nay, các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ bắt đầu vào mùa khô hạn. Ðể chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn số 8471/BNN-TCLN gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai công tác PCCCR mùa khô 2018-2019.

Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn (Đác Lắc) tuần tra khu vực trọng yếu. Ảnh: DƯƠNG GIANG

Theo đó, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Tăng cường kiểm tra, rà soát phương án PCCCR ở các cấp và chủ rừng: Chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm "bốn tại chỗ". Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về PCCCR...

* Hơn 1.100 tấn gạo hỗ trợ người dân vùng hạn tỉnh Ninh Thuận: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xuất cấp gạo hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng hạn, trong ba ngày qua, hơn 1.100 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia đã được chuyển đến tỉnh Ninh Thuận, được chính quyền các địa phương trong tỉnh khẩn trương cấp phát cho 16.818 hộ dân, với 74.226 nhân khẩu ở các huyện: Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam, Bác Ái và Ninh Hải.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ ngày 3-11, vị trí tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 20,5 độ vĩ bắc,116,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa 630 km về phía đông bắc; sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ). Ðến sáng 4-11, vùng áp thấp này hầu như ít dịch chuyển và tan dần. Ðây là tin cuối cùng về cơn bão số 7.

* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cũng cho biết, không khí lạnh ảnh hưởng đến Bắc Bộ khiến nền nhiệt ở hầu hết các tỉnh, thành phố vùng núi phía bắc giảm nhanh. Sáng 3-11, nhiệt độ đo được trên đỉnh núi Phan-xi-păng (Sa Pa, Lào Cai) là 3 độ C, xuất hiện những lớp băng mỏng.

* Ðài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, mực nước sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của đợt triều cường sắp tới sẽ lên cao vào các ngày 9 và 10-11. Tại các trạm chính hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động (BÐ) 2, 3 và trên BÐ 3. Mực nước cao nhất trên các sông ở TP Hồ Chí Minh lên nhanh, đỉnh triều cao nhất trong đợt này xuất hiện vào hai ngày 7 và 8-11, tại Phú An, Nhà Bè có thể vượt BÐ 3 từ 0,15 đến 0,20 m, gây ngập sâu nhiều nơi.

* Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng, để bảo đảm sản xuất và ổn định đời sống nhân dân, tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa quyết định đầu tư hơn 48 tỷ đồng, xây kè chống sạt lở bờ sông Tả Trạch, sông Bồ. Dự án do các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Nam Ðông và Quảng Ðiền làm chủ đầu tư, thực hiện từ tháng 11-2018, dự kiến hoàn thành sau ba năm.

* Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hải Dương, sau mùa mưa lũ năm 2018, đến nay tỉnh xuất hiện thêm sáu sự cố đê điều nguy hiểm. Ðó là ba sự cố sạt lở các bãi đê tả sông Rạng ở xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành; đê hữu sông Kinh Thầy thuộc xã Thái Thịnh và đê tả sông Kinh Môn ở xã Thăng Long, huyện Kinh Môn. Ba sự cố sạt lở gần khu vực các kè Hùng Thắng ở xã Minh Tân (Nam Sách), kè Thanh Hồng thuộc xã Thanh Hồng và kè Ngọc Ðiểm ở xã Trường Thành (Thanh Hà). Các điểm sạt đều có cung sạt dài, tụt sâu, trong đó có một số điểm nguy hiểm như sự cố sạt lở đê tả sông Rạng, cung sạt có chiều dài 500 m, lấn vào 50 m.

* Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, kết quả sản xuất lúa của vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2018 ước đạt 7,624 triệu ha, sản lượng đạt 31,02 triệu tấn, tăng khoảng 1,09 triệu tấn so với năm 2017.

* Theo kế hoạch sản xuất vụ đông 2018 - 2019, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu trồng 7.100 ha, tập trung chủ yếu là khoai tây, cà rốt, ngô và các loại rau. Năm nay, ngoài chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vụ đông, tỉnh khuyến khích các địa phương nghiên cứu chính sách hỗ trợ bổ sung, tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp mượn đất, thuê đất hình thành vùng sản xuất tập trung, đưa cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ðến thời điểm này, toàn tỉnh đã trồng được khoảng 3.500 ha cây vụ đông các loại.

* Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, hơn 300 ha bãi biển nuôi nghêu của Tổ hợp tác nuôi nghêu Hai Thủ và Hợp tác xã nuôi nghêu Tiến Thành, ở xã đảo Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh bị chết trắng với số lượng 95 tấn con giống được thả nuôi hơn ba tháng qua. Chi cục Thú y Vùng VII đã lấy mẫu bệnh phẩm phân tích. Nguyên nhân nghêu chết do bị nhiễm ký sinh trùng Perkinsus spp. Ðồng thời, phát hiện thêm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (vi khuẩn gây bệnh gan tụy trên thủy sản) trong mẫu nghêu thịt và nhóm Vibrio spp - nhóm vi khuẩn có hại gây nhiều bệnh nguy hiểm trên thủy sản trong mẫu nước vùng nuôi nghêu...

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38138302-trien-khai-phong-chay-chua-chay-rung-mua-kho.html