Bảo trì đường bộ hiệu quả góp phần gìn giữ hạ tầng giao thông

Năm 2021, công tác quản lý, bảo vệ và bảo trì kết cấu hạ tầng quốc lộ, đường cao tốc quốc gia tiếp tục được triển khai đồng bộ với các giải pháp khoa học, sáng tạo, kịp thời và hiệu quả góp phần bảo đảm giao thông trên hệ thống quốc lộ luôn thông suốt, ngày càng an toàn, giảm tai nạn giao thông.

Hạn chế hư hỏng, xuống cấp

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), năm 2021 Tổng cục ĐBVN đã tiến hành thực hiện đồng bộ các giải pháp để hạn chế hư hỏng, xuống cấp và hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng (KCHT) đường bộ, kéo dài tuổi thọ khai thác KCHT đường bộ và bảo đảm an toàn giao thông (ATGT). Năm 2021 NSNN bố trí cho công tác quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ là hơn 9.900 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Tổng cục ĐBVN đã tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư tích cực triển khai công tác bảo trì quốc lộ theo nhiệm vụ được giao. Đến nay, khối lượng thi công hiện trường đã cơ bản hoàn thành toàn bộ theo kế hoạch của Tổng cục ĐBVN và công tác giải ngân của niên độ năm 2021 sẽ đạt 100% vốn giao trong tháng 1/2022.

Xử lý ngay các hư hỏng mặt đường, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ và bảo trì kết cấu hạ tầng quốc lộ, đường cao tốc quốc gia tiếp tục được triển khai đồng bộ với các giải pháp khoa học, sáng tạo, kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt năm 2021, Tổng cục ĐBVN đã giao Cục QLĐB IV và Ban QLDA 8 triển khai các dự án khắc phục toàn bộ 50 điểm quốc lộ bị ngập ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Đến nay đã hoàn thành 9 điểm, còn lại 41 điểm ngập sẽ hoàn thành toàn bộ trong quý II và trước mùa lũ năm 2022; đồng thời đã tiến hành đóng mới thay thế 15 phà với kinh phí 215 tỷ đồng.

Đối với vi phạm hành lang đường bộ, các Cục QLĐB đã tổ chức hoạt động tăng cường ra quân xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ, tháo dỡ lều lán, biển hiệu, mái che lấn chiếm xây dựng trái phép trong hành lang. Lãnh đạo Tổng cục ĐBVN đã trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường tổ chức đóng tất cả các điểm mở hộ lan trái phép trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chỉ đạo VEC tiến hành hoàn trả các đường dân sinh do xây dựng cao tốc chưa khôi phục hoàn trả và được chính quyền, nhân dân đồng thuận, tin tưởng, yên tâm ổn định cuộc sống.

Duy trì giao thông an toàn, thông suốt

Cũng theo Tổng cục ĐBVN, năm 2022, đơn vị sẽ triển khai kịp thời các giải pháp cần thiết để duy trì giao thông an toàn, thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, giảm tai nạn giao thông; bảo đảm tài sản KCHT đường bộ quốc gia được quản lý, khai thác đúng quy định, kéo dài thời gian khai thác sử dụng.

Tăng cường quản lý chất lượng bảo trì thông qua các hoạt động quản lý dự án và giám sát công tác thi công sửa chữa thông qua việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, thực hiện quản lý chất lượng bảo dưỡng thường xuyên thông qua tuần đường, tuần kiểm và thực hiện đánh giá nghiệm thu chất lượng bảo dưỡng thường xuyên, bảo đảm hoàn thành và giải ngân đúng kế hoạch 100% công việc. Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các dự án sửa chữa được bổ sung trong năm 2022 và danh mục các dự án sửa chữa để chuẩn bị cho năm 2023, bảo đảm tiến độ, chất lượng và khả thi.

Đồng thời, cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc cập nhật, vận hành khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu đường bộ (dự án VRAMP), cơ sở dữ liệu quản lý cầu VBMS; đặc biệt sau khi hoàn thành dự án sửa chữa định kỳ, đột xuất, cải tạo điểm đen, điểm mất ATGT, kiểm định công trình cần phải cập nhật trong các hệ thống quản lý đường bộ và cầu nêu trên. Rà soát, định kỳ bổ sung công bố tải trọng, khổ giới hạn và phân loại đường bộ góp phần phục vụ tốt cho hoạt động vận tải, giảm chi phí logistic trong lĩnh vực này. Hướng dẫn các địa phương thực hiện bảo trì và quản lý đường giao thông nông thôn, đường địa phương...

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Tổng cục ĐBVN đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn được cấp, đảm bảo chất lượng hạ tầng và ATGT, trong đó tập trung xử lý điểm đen, điểm nghẽn, mặt đường êm thuận. Trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, tập trung vốn, lực lượng xử lý ngay các hư hỏng mặt đường, mặt đường xuất hiện “ổ gà” đã vá ngay để đảm bảo êm thuận, giúp đảm bảo trật tự ATGT, thể hiện trong việc tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí.

Đối với nội dung quy hoạch đường bộ đã được Thủ tướng phê duyệt, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu cần tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch để đầu tư phát triển hạ tầng. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch, nghiên cứu mô hình quản lý của Tổng cục, vấn đề phân cấp, phân quyền cho phù hợp.

Tổng cục ĐBVN cũng cần chú trọng xây dựng được cơ chế huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hình thức đầu tư và cơ chế khai thác. Ngoài ra cần nghiên cứu mô hình quản lý nguồn vốn bảo trì đường bộ. Đến năm 2050, cả nước sẽ có trên 10.000 km đường cao tốc, ngoài hệ thống quốc lộ, cần hướng đến mô hình quản lý đường cao tốc hiệu quả. Trong đó, cần chú ý quản lý bằng hệ thống giao thông thông minh ITS và hệ thống thu phí không dừng.

Năm 2021 ngân sách nhà nước bố trí cho công tác quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ là hơn 9.900 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư tích cực triển khai công tác bảo trì quốc lộ theo nhiệm vụ được giao. Đến nay, khối lượng thi công hiện trường đã cơ bản hoàn thành toàn bộ theo kế hoạch của Tổng cục ĐBVN và công tác giải ngân của niên độ năm 2021 sẽ đạt 100% vốn giao trong tháng 1/2022.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bao-tri-duong-bo-hieu-qua-gop-phan-gin-giu-ha-tang-giao-thong-98100-98100.html