Triển khai Nghị Quyết 120 cần một cách phân vùng khác

'Áp dụng cách phân vùng của MDP, theo tác giả là không phù hợp, nếu không nói là đi ngược lại các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết...'.

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 120 CẦN MỘT CÁCH PHÂN VÙNG KHÁC

Nguyễn Ngọc Trân [1]

Tóm tắt. Tại Hội nghị ngày 18.06.2019 đánh giá hai năm triển khai Nghị quyết 120, báo cáo của một số Bộ ngành cho thấy xu hướng triển khai công tác theo phân vùng của MDP, thậm chí còn cho rằng cách phân vùng đó “thể hiện trong Nghị quyết 120/NQ-CP”. Bài viết này chỉ ra cách phân vùng của MDP có nhiều điểm cần làm sáng tỏ, nó phản ánh tư duy phát triển ĐBSCL “trước Nghị quyết 120” và có nguy cơ kéo lùi Nghị quyết. Cần sớm xác lập một cách phân vùng khác để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

1. Có một xu hướng cho rằng áp dụng ba vùng của MDP là đương nhiên

Ba vùng của MDP là vùng thượng châu thổ (upper delta), vùng giữa châu thổ (middle delta), và vùng duyên hải châu thổ (coastal delta, còn gọi là vùng ven biển). MDP là viết tắt của Mekong Delta Plan. Hình 1 được trích từ báo cáo MDP phiên bản cuối cùng, trang 29/126, thể hiện ba vùng này.

Tại Hội nghị của Chính phủ “Đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120” do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì, ý kiến một số Bộ ngành xem việc áp dụng cách phân vùng và ba vùng của MDP là đương nhiên.

Báo cáo của Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL (Bộ NNvPTNT) ghi rõ Chương trình tiếp cận theo 3 vùng của Kế hoạch Châu thổ ĐBSCL (MDP). Để củng cố sự tin tưởng vào sự lựa chọn này, tài liệu bổ sungHiện nay, cách phân vùng của MDP đã được Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương thống nhất và thể hiện trong Nghị quyết 120/NQ-CP” [2].

Báo cáo “Kết quả tái cơ cấu ngành, sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp vùng ĐBSCL và nhiệm vụ thời gian tới”[3] (Bộ NNvPTNT) và báo cáo ”Quy hoạch thủy lợi vùng ĐBSCL giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” [4] nhiều lần cho biết đã dựa trên ba vùng của MDP để triển khai công tác tái cơ cấu, và xây dựng quy hoạch thủy lợi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được NQ 120 giao xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu” đã chọn Liên danh Royal HaskoningDHV – GIZ làm tư vấn. Công ty Royal HaskoningDHV [5] là công ty tư vấn chính đã thực hiện MDP. Việc áp dụng ba vùng của MDP do vậy là điều dễ hiểu.

Về phần Bộ TNvMT, do trích dẫn báo cáo của các Bộ, đã nhiều lần nói đến sự lựa chọn ba vùng của MDP. Ngoài ra Bộ trưởng Trần Hồng Hà còn nói đến “chuyển đổi theo ba vùng kinh tế sinh thái” [6].

2. Mấy điều cần làm rõ trong ba vùng của MDP

2.1. Ba vùng của MDP là ba vùng gì?

Điều đầu tiên cần làm rõ ba vùng của MDP là ba vùng gì? Nếu không, mỗi người (Bộ, ngành, Bộ trưởng, Cục, Vụ, Viện, … ) hiểu một cách. Ba vùng kinh tế sinh thái dường như là một cách hiểu. Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam thì gọi đó là ba vùng sinh thái. Trong khi đó Báo cáo của MDP phiên bản cuối cùng, chỉ một lần duy nhất gắn cho ba vùng một tĩnh từ: vùng thủy văn (hydrological zones) [7]. Các cụm từ thủy văn, sinh thái, kinh tế sinh thái đều có nội hàm của nó. Thiết nghĩ khi ghép cho vùng một tĩnh từ cần lý giải cơ sở khoa học của nó.

2.2. Đặc trưng cốt lõi của ba vùng MDP là gì?

Nếu là ba vùng thủy văn thì ở vùng thượng châu thổ, nước ngọt là một đặc trưng. Ở vùng duyên hải châu thổ, nước lợ và mặn là một đặc trưng cũng rõ. Còn ở vùng giữa thì sao? nơi nào nước ngọt quanh năm, nơi nào theo mùa? bởi lẽ vùng này là nơi giao thoa, tranh chấp không ngừng nghỉ giữa sông và biển thông qua triều.

Nếu xác định là vùng ngọt quanh năm trên khắp vùng thì ắt phải làm cống ngăn mặn, trước tiên ở các cửa sông chính. Nếu là vùng ngọt quanh năm trừ trên một số sông chính thì ắt phải làm cống ngăn mặn dọc theo các sông này về phía biển. Xác định đặc trưng của vùng không phải chỉ là vấn đề học thuật, mà là sản xuất, kinh tế, là can thiệp thô bạo đến mức độ nào vào môi trường, và sau cùng nhưng không kém quan trọng, liên quan đến sinh kế và sinh hoạt của người dân.

2.3. Đường ranh giữa ba vùng MDP được xác định hay chỉ có tính định ý; là cố định hay có thể dịch chuyển?

Câu hỏi được đặt ra vì nếu là đường ranh “cứng” thì phải có công trình. Sự bền lâu của chức năng của công trình là một dấu hỏi vì đồng bằng đứng trước nhiều yếu tố bất định do biến đổi khí hậu, sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn và ngay sát bên kia biên giới. Nếu là đường ranh “mềm”, và có thể dịch chuyển theo mùa, theo con nước, và vì sự bất định nói trên đây, thì làm thế nào quy hoạch phát triển bền vững khi mà vùng quy hoạch lại phập phồng thay đổi đường ranh?. Hình 2 thể hiện vùng giữa của MDP theo cách hiểu của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam [8].

Mấy điều cần làm rõ nêu trên đây, tác giả đã góp ý cho dự thảo MDP phiên bản 0.2, tai hội nghị tham vấn ở Mỹ Tho (Tiền Giang) ngày 05.12.2012. Rất tiếc là 6 năm 6 tháng sau lại thấy cần nhắc lại và nhấn mạnh hơn nữa trước xu hướng xem cách phân ba vùng của MDP là đương nhiên để “triển khai Nghị quyết 120”.

Hình 1. Ba vùng của MDP Hình 2. Ba vùng của MDP theo SIWRP

Hình 1. Ba vùng của MDP Hình 2. Ba vùng của MDP theo SIWRP

Hình 3. Ngay từ đầu, Hướng dẫn chiến lược Hình 4: Tác giả, GS.Vermann và Ô.Bùi MDP đã đề xuất rất nhiều công trình Ngọc Sương tại Hội nghị ở Tiền Giang

3. Cách phân vùng của MDP phản ánh tư duy phát triển ĐBSCL “trước Nghị quyết 120”

MDP có những đóng góp nhất định về phương pháp luận, về cách tiếp cận, cách điều hành một vùng lãnh thổ về nước dựa trên kinh nghiệm quý báu của Hà Lan. Tuy nhiên MDP là một sản phẩm hợp tác được xây dựng trong những năm đầu của thập niên 2010, cách phân vùng của MDP phản ánh tư duy phát triển ĐBSCL thời kỳ trước Nghị quyết 120.

Cụ thể, thể hiện ít nhất ở bốn điểm sau đây:

+ Xoay lưng ra biển, khai thác đất liền bên trong. Ba vùng của MDP là minh chứng không thể rõ ràng hơn cách khai thác này. ĐBSCL là phần đất giáp biển của châu thổ sông Mekong, thế nhưng MDP không xem đồng bằng là một hệ thống mở ra biển. Khai thác đồng bằng phải bao gồm vùng cận duyên, tiếp nối vùng duyên hải, với tiềm năng thủy sản biển, tiềm năng điện gió ngoài khơi và những tiềm năng khác của nó, và là địa bàn sinh kế của một bộ phận người dân đồng bằng.

+ Sản xuất lúa gạo, ngọt hóa là mục tiêu và nhiệm vụ nông nghiệp hàng đầu của ĐBSCL. Bất chấp hoạt động của thủy triều (được dự báo sẽ mạnh lên với biến đổi khí hậu nước biển dâng), MDP xác định vùng giữa châu thổ là vùng ngọt (kể cả ngọt hóa) thể hiện sự đồng điệu của MDP với tư duy phát triển nông nghiệp này.

+ Vì vậy, MDP chấp nhận Can thiệp thô bạo vào môi trường. Ngay từ phiên bản đầu tiên 0.0 Hướng dẫn chiến lược, MDP đã đề xuất các cống ngăn mặn ở các cửa sông lớn, “dòng sông xanh” để thoát lũ, và rất nhiều công trình thủy lợi (vốn là thế mạnh của công ty tư vấn) (Hình 3). Trong phiên bản cuối cùng, MDP đưa vào danh mục các giải pháp “không hối tiếc” và ưu tiên cho vùng duyên hải, việc xây dựng 6 cống ngăn triều lớn: Cái Lớn (390 m), Cái Bé (65m), Vàm Cỏ (1,390 m), Hàm Luông (2,800 m), Cổ Chiên (1,470 m), và Cung Hầu (1,680 m) [9].

+ MDP chỉ xét mặt sản xuất và kinh tế, chưa coi trọng yếu tố xã hội và con người. Có thể dẫn ra nhiều ví dụ. Nếu như thế, không thể đạt được phát triển bền vững cho ĐBSCL.

4. Kết luận, kiến nghị

(1) Chỉ xét bốn khía cạnh trên đây, MDP, cụ thể là cách phân vùng của MDP, phản ánh tư duy phát triển ĐBSCL “thời kỳ trước Nghị quyết 120”. Áp dụng cách phân vùng của MDP, theo tác giả là không phù hợp, nếu không nói là đi ngược lại các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết, và do đó có nguy cơ Nghị quyết sẽ bị kéo lùi.

(2) Cần sớm xác lập một cách phân vùng khác để ĐBSCL có thể phát triến bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đúng với mục tiêu của Nghị quyết 120.

Các vùng dựa trên đó đồng bằng sẽ được quy hoạch có đường ranh tương đối ổn định. Mỗi vùng mang các thông tin về môi trường vật lý, về mức độ và thời gian ngập, về chất lượng nước theo mùa, về đa dạng sinh học, về mức độ mẫn cảm với biến đổi khí hậu nước biển dâng, với nguồn nước từ thượng nguồn đổ về. Mỗi vùng có thể phân ra một số tiểu vùng. Mỗi vùng còn mang những thông tin về cơ cấu sản xuất, về kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông vận tải, y tế, giáo dục hiện nay. Các thông tin về sinh kế, về dân số, lao động và về mặt bằng dân trí, về dân tộc. … là cần thiết phải có cho mỗi vùng, tiểu vùng. Cách phân vùng này là cơ sở cho liên kết các tỉnh trong cùng một vùng.

Chương trình nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long đã đi theo hướng phân vùng này, và đã cung cấp thông tin về phân vùng cho các tỉnh [10].

Chúng ta không thiếu các nhà khoa học, chuyên gia trong nước. Có phương pháp luận rõ ràng, cầu thị tiếp thu tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia bên ngoài, hoàn toàn có thể hình thành một cách phân vùng như vậy.

CHÚ THÍCH:

[1] Giáo sư Tiến sĩ khoa học, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước (1980-1992), Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), đại biểu Quốc hội (1992-2007), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (1997-2007).

[2] Báo cáo mang cùng tên, dự thảo 6, Bộ NNvPTNT, tháng 6, 2019, trang 22.

[3] Báo cáo của Bộ NNvPTNT tại Chuyên đề 2.

[4] Báo cáo tại Chuyên đề 1, do Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam thực hiện. Câu hỏi: Có phải mới chỉ là Dự thảo?

[5] Tìm hiểu trên mạng, Royal HaskoningDHV là một công ty quốc tế, độc lập, tư vấn về kỹ thuật (engineering), thiết kế (design), quản lý dự án. RHDHV hoạt động trong các lĩnh vực hàng không, xây dựng, năng lượng, công nghiệp, kết cấu hạ tầng, hàng hải, khai khoáng, phát triển nông thôn và đô thị và nước.

[6] Báo cáo của Bộ trưởng tại phiên toàn thể ngày 18.06.2019. File Powerpoint, slide Một số đề xuất và kiến nghị.

[7] Mekong Delta Plan, Long-term vision and strategy for a safe, prosperous and sustainable delta, final version, December 2013, trang 29/126.

[8] Báo cáo đã dẫn ở phụ chú 2, trang 26.

[9] Tài liệu đã dẫn ở 6, trang 128.

[10] Đồng bằng sông Cửu Long, Tài nguyên – Môi trường – Phát triển, Báo cáo tổng hợp của Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban Khoa học Nhà nước, Hà Nội, tháng 3 năm 1991.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/trien-khai-nghi-quyet-120-can-mot-cach-phan-vung-khac-3383347/