Triển khai Nghị định 59 và Thông tư 39 ở Lạng Sơn: Nhiều vướng mắc phát sinh cần được tháo gỡ

Theo ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, hiện các quy định mới vẫn còn chưa rõ ràng, nhiều quy định vẫn còn chung chung, chưa cụ thể khiến cho công chức hải quan thừa hành tại các cửa khẩu khó áp dụng vào thực tế cũng như hướng dẫn DN hiểu rõ các quy định này để thực hiện đúng.

Công chức Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị hướng dẫn DN làm thủ tục hải quan. Ảnh: H.Nụ.

Cụ thể, đối với trường hợp DN yêu cầu hoàn thuế đối với tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, nộp nhầm nhưng mặt hàng trong tờ khai rơi vào trường hợp “Hàng hóa NK theo giấy tờ, hàng hóa NK phải đảm bảo các quy định quản lý nhà nước về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng hàng hóa” thì có phải phân loại hồ sơ hoàn thuế theo diện kiểm tra trước hoàn thuế sau hay không? Nếu DN nộp thuế vào năm ngân sách trước và yêu cầu hoàn bù trừ tiền thuế thì có phải phân loại hồ sơ hoàn thuế theo diện kiểm tra trước hoàn thuế sau hay không?

Hiện nay theo quy định tại Khoản 14 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 25 (Tiết b.1 Điểm b Khoản 3) Thông tư số 38/2015/TT-BTC, Cục Hải quan Lạng Sơn đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét, hướng dẫn cụ thể tiêu chí “DN không tuân thủ theo quy định” là những DN nào? Đồng thời đưa ra cảnh báo ngay tại ô: Xếp hạng người XNK trên Hệ thống VNACCS để thuận tiện cho công chức hải quan kiểm tra, nhận biết ngay trong quá trình kiểm tra hồ sơ hải quan.

Tại một số đơn vị hải quan cửa khẩu thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn thắc mắc quy định: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra theo thời hạn kiểm tra trên quyết định kiểm tra, người ký quyết định kiểm tra ban hành thông báo kết quả kiểm tra…” được dẫn tại Khoản 73 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC.

Với quy định này thì trong thời hạn kiểm tra theo quyết định kiểm tra, nếu đã tiến hành kiểm tra nhưng sau đó người khai hải quan có đề nghị tạm hoãn làm việc vì lý do khách quan thì có được tạm dừng làm việc không? Đồng thời, cơ quan Hải quan có phải ban hành quyết định sửa đổi thời hạn kiểm tra, thời gian tạm dừng làm việc có được trừ khỏi thời gian kiểm tra không?

Cục Hải quan Lạng Sơn thắc mắc, đối với các tờ khai hải quan đăng ký trước ngày 5/6/2018 đã ban hành quyết định kiểm tra sau thông quan nhưng chưa tiến hành kiểm tra thì căn cứ pháp lý, trình tự thủ tục kiểm tra sẽ thực hiện theo các quy định cũ hay thực hiện theo các quy định của Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Thông tư 39/2018/TT-BTC để thực hiện và có được yêu cầu sửa đổi quyết định kiểm tra để bổ sung căn cứ pháp lý không? Bên cạnh đó, trường hợp chưa ban hành quyết định kiểm tra sau thông quan nếu tiến hành kiểm tra sau thông quan thì cũng chưa rõ ràng nên căn cứ pháp lý, trình tự thủ tục kiểm tra nào?

Cục Hải quan Lạng Sơn cũng đề nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn đối với quy định phân luồng tờ khai vận chuyển độc lập chỉ có hai luồng là luồng 1 (Xanh thông quan ngay) và luồng 2 (Vàng- kiểm tra chi tiết hồ sơ). Bởi theo Cục Hải quan Lạng Sơn, trường hợp này chỉ quy định hai luồng, như vậy trong trường hợp cơ quan Hải quan chuyển luồng 3 (kiểm tra thực tế hàng hóa) có đúng hay không?

Cũng theo quy định thì chậm nhất 1 giờ làm việc kể từ thời điểm đăng ký tờ khai, cơ quan Hải quan phải thực hiện kiểm tra, xác nhận tính đầy đủ của hồ sơ hải quan và phản hồi cho người khai hải quan thông qua hệ thống. Quá thời hạn trên, hồ sơ hải quan điện tử được coi là đã nộp đủ cho cơ quan Hải quan. Cục Hải quan Lạng Sơn cho rằng, quy định này chưa rõ ràng về nội dung do đó, đề nghị Tổng cục Hải quan làm rõ để áp dụng có hiệu quả vào thực tế.

Theo đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn, mặc dù từ khi các quy định mới tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Thông tư 39/2018/TT-BTC áp dụng vào thực tế đã mang lại nhiều thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và DN, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần được làm rõ về nội dung. Trong đó, như nội dung về DN không tuân thủ là những DN nào thì Tổng cục Hải quan cần phải có tiêu chí rõ ràng để cơ quan Hải quan địa phương nắm được. Hàng NK có giá trị cao đột biến là như thế nào thì cũng cần phải có định lượng cụ thể. Ví dụ, giá khai báo cao hơn danh mục hàng hóa rủi ro về trị giá từ 15% hoặc 20%... Hay phương pháp giá bán đến cửa khẩu xuất, giá ghi trên hợp đồng là DAF, DAP thì có phải cộng thêm khoản phí bến bãi không?

Dù phát sinh một số vướng mắc, song ông Vy Công Tường khẳng định, Nghị định 59/2018/NĐ-CP có nhiều điểm mới, thuận lợi hơn cho DN XNK. So với Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã bổ sung, sửa đổi và tháo gỡ nhiều vướng mắc cho DN ngay từ khâu khai báo hàng hóa trước thông quan.

Đảo Lê - Mai Loan

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/trien-khai-nghi-dinh-59-va-thong-tu-39-o-lang-son-nhieu-vuong-mac-phat-sinh-can-duoc-thao-go.aspx