Triển khai một số nhiệm vụ tiếp theo của công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh

Chiều 18/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra tỉnh Ninh Bình triển khai một số nhiệm vụ tiếp theo của công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình phòng, chống dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị.

Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh; Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Hoàng Hà, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Phương, TUV, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Theo báo cáo của Sở Y tế, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và lây lan ra 29 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tính đến 8h30 phút ngày 18/2/2020, trên thế giới đã có 73.333 người mắc, 1.873 người tử vong; tại Việt Nam có 16 trường hợp xác định, trong đó có 7 trường hợp đã điều trị khỏi, 5 ổ dịch đang hoạt động;

Tại Ninh Bình, hiện có 1 trường hợp đang theo dõi, cách ly chờ kết quả xét nghiệm và đang giám sát, cách ly 86 trường hợp tại nhà hoặc cơ sở lưu trú, hiện tại sức khỏe ổn định, tinh thần tốt, chưa phát hiện các bất thường về sức khỏe như sốt, ho, khó thở.

Các hoạt động đã triển khai: Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 ngành y tế và các đơn vị trực thuộc, xây dựng công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của ngành Y tế và các đơn vị theo 4 tình huống dịch bệnh; xây dựng kế hoạch thành lập bệnh viện dã chiến; chỉ đạo các hoạt động tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch trong toàn tỉnh; tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn công tác giám sát, sẵn sàng thu dung, điều trị, xử lý ổ dịch tại các địa phương.

Đẩy mạnh sự phối hợp với các cơ quan truyền thông kịp thời cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân không hoang mang, lo lắng và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh; xây dựng và phổ biến các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch tại các cơ sở điều trị và cộng đồng; triển khai đường dây nóng với 2 số hotline.

Đẩy mạnh công tác giám sát dịch. Công tác điều trị được các cơ sở khám chữa bệnh chủ động trong xây dựng quy trình vận chuyển, thu dung, điều trị người nghi ngờ mắc bệnh và người bệnh được chẩn đoán xác định nhiễm COVID-19, tự diễn tập thực hành để sẵn sàng đón bệnh nhân.

Chủ động trong việc rà soát, mua sắm, chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện, hóa chất, thuốc điều trị, thuốc kháng vi rút, vật tư sẵn sàng phục vụ công tác giám sát, xử lý ổ dịch, thu dung, cấp cứu, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân khi xuất hiện trường hợp bệnh...

Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh: Đối với dịch tả lợn châu Phi hiện nay đã cơ bản được khống chế, đã có 4 huyện, thành phố công bố hết dịch trên phạm vi toàn huyện; tổng số xã hết dịch là 131/142 xã, phường, thị trấn; hiện còn 11 xã/4 huyện dịch bệnh chưa qua 30 ngày.

Đối với bệnh cúm gia cầm hiện nay ổn định, không phát sinh ổ dịch cúm gia cầm nào, các kết quả lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh trên đàn gia cầm của một số hộ dân có hiện tượng gia cầm ốm, chết đều cho kết quả âm tính. Nhận định tình hình dịch trong thời gian tới có diễn biến phức tạp đối với dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin điều trị bệnh, vi rút tồn tại lâu trong môi trường, có sức đề kháng cao, đường lây truyền đa dạng, phức tạp, khó kiểm soát.

Bệnh cúm gia cầm nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, do số lượng đàn gia cầm năm 2019 và đầu năm 2020 tăng rất nhanh so với năm 2018; điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, nhu cầu tiêu thụ, vận chuyển gia cầm tăng cao.

Tại hội nghị, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh và đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu nêu các giải pháp, chỉ đạo các ngành liên quan trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã thảo luận, đưa ra các khó khăn, vướng mắc và giải pháp trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Đinh Văn Điến khẳng định: tình hình dịch bệnh COVID-19 và dịch cúm gia cầm rất nguy hiểm đến tính mạng con người. Trong thời gian qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả trên tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; nhân dân ủng hộ tích cực và tham gia nhiệt tình, trách nhiệm cùng với hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch.

Sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành phố với trách nhiệm cao, kịp thời, trong đó vai trò chủ động, khẩn trương tham mưu, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch của ngành Y tế được phát huy rất tốt.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, thời gian tới, tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19 tại các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; tăng cường công tác phối hợp giữ các ngành, đoàn thể các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền cho người dân biết về tình hình dịch bệnh và chủ động tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn; phối hợp tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh vào tỉnh.

Ngành y tế phối hợp với các đơn vị xây dựng kịch bản, tổ chức phân vai, tập huấn, diễn tập các tình huống dịch bệnh để chủ động khi tình huống xảy ra; chuẩn bị các điều kiện tổ chức diễn tập, thành lập bệnh viện dã chiến theo kế hoạch đã được xây dựng.

Tiếp tục rà soát nhu cầu, triển khai mua sắm, cấp phát trang thiết bị, phương tiện, hóa chất, thuốc điều trị, vật tư cho các cơ sở y tế nhằm phục vụ công tác giám sát, xử lý ổ dịch, thu dung, cấp cứu, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo từng cấp độ dịch.

Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi sát sao và tham khảo ý kiến của ngành Y tế về diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh về việc cho học sinh tới trường; ngành hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong ôn tập kiến thức cho học sinh phù hợp, không được chủ quan về các điều kiện phòng dịch khi học sinh trở lại trường.

Đối với các huyện, thành phố và Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 ở cấp huyện căn cứ nội dung triển khai tại hội nghị sẽ chỉ đạo triển khai tại đơn vị mình. Các đồng chí trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tiếp tục triển khai nghiêm túc nhiệm vụ được giao.

Về dịch cúm gia cầm và dịch tả lợn châu Phi, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm, nhất là bệnh cúm gia cầm và bệnh dịch tả lợn châu Phi; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, chủ động ứng phó với dịch bệnh;

Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; triển khai tháng tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng trong tháng 2 bằng hóa chất, nhất là vôi bột; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán động vật và các sản phẩm động vật nhất là gia cầm lưu thông trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm và dịch tả lợn châu Phi. Các ngành, địa phương tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống, khống chế, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Thực hiện vệ sinh khử trùng bằng vôi bột tại các trại chăn nuôi, vệ sinh môi trường chăn nuôi sạch sẽ. Sớm hoàn thiện cơ cấu tổ chức của hệ thống thú y cơ sở, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả, không làm gián đoạn ảnh hưởng đến công tác thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh…

Hồng Vân- Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/trien-khai-mot-so-nhiem-vu-tiep-theo-cua-cong-tac-phong-chong-dich-covid19-va-tinh-hinh-dich-cum-gia-cam-dich-ta-lun-chau-phi-tren-dia-ban-tinh-20200218071648925p12c16.htm