Triển khai một loạt biện pháp chưa từng có tiền lệ 'chia lửa' với Đà Nẵng

Đợt dịch COVID-19 lần này có tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước, để ứng phó một cách nhanh nhất, Bộ Y tế đã 'tung' một lực lượng rất lớn chưa từng có trong tiền lệ vào tiếp sức, chia lửa với Đà Nẵng.

Bộ Y tế đã cử những đoàn tinh nhuệ nhất, có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất vào tiếp sức cho Đà Nẵng.

Bộ Y tế đã cử những đoàn tinh nhuệ nhất, có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất vào tiếp sức cho Đà Nẵng.

Điều động lực lượng tinh nhuệ; thành lập Bộ phận đặc biệt

Ngay ngày đầu tiên, Đà Nẵng có ca bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã khẩn cấp cử 4 đội công tác (giám sát dịch, điều trị, xét nghiệm) vào TP. Đà Nẵng để hỗ trợ hoạt động chuyên môn cho các cơ sở y tế. Đây là những chuyên gia đầu ngành về điều trị, xét nghiệm, điều tra dịch tễ, cách ly, truyền nhiễm đã có kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân nặng 91- nam phi công người Anh, trong phân lập virus và trong cách ly, khoang vùng dập dịch tại Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bình Thuận...

Đặc biệt, để tăng cường hơn nữa công tác phòng chống, chống dịch cho TP. Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, Bộ Y tế đã thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Bộ phận Thường trực để tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với UBND Thành phố trong việc khẩn trương đáp ứng với tình hình dịch bệnh nhằm sớm ngăn chặn, kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Tiếp đó, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cử chuyên gia hồi sức tích cực, kiểm soát nhiễm khuẩn, truyền nhiễm hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa TW Quảng Nam; Viện Pasteur TP.HCM cử đội xét nghiệm của Viện kèm theo trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm hỗ trợ Bệnh viện 199 Bộ Công an.

Tăng tốc thực hiện truy vết

Bên cạnh đó, Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đội truy vết các trường hợp đi, đến các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn TP. Đà Nẵng theo thông báo của Bộ Y tế.

Đồng thời Bộ liên tục gửi văn bản đề nghị các địa phương tăng tốc thực hiện việc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành cách ly y tế tập trung, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát tình hình sức khỏe đối với các trường hợp nghi ngờ.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Chúng tôi cũng đã chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở phối hợp với cơ quan công an địa phương thực hiện đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng, không để sót những trường hợp đi, đến, trở về từ TP. Đà Nẵng.

Đề nghị các địa phương lập danh sách, giám sát, theo dõi cho tất cả các đối tượng này, đồng thời gửi tin nhắn khuyến cáo, hướng dẫn những người này theo dõi sức khỏe, liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, giám sát và xét nghiệm phát hiện COVID-19 trong trường hợp cần thiết”.

Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông gửi tin nhắn cảnh báo và yêu cầu liên hệ với các cơ sở y tế đến toàn bộ các thuê bao đã từng đi đến TP Đà Nẵng từ 1/7 đến 29/7 và gửi tin nhắn khuyến cáo thực hiện biện pháp phòng chống dịch cho toàn bộ các thuê bao tại Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã huy động khoảng 1.000 người bao gồm sinh viên trường Y và quân đội hỗ trợ, phục vụ công tác phòng chống dịch của Đà Nẵng.

"Chia lửa" điều trị, hội chẩn quốc gia thường xuyên

Về công tác thu dung, điều trị, Bộ Y tế đã cử đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất trên nhiều lĩnh vực từ điều trị hồi sức, thận nhân tạo, tim mạch, từ các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh... đến tăng cường hỗ trợ cho Đà Nẵng (riêng Bệnh viện Bạch Mai đã cử gần 40 giáo sư, bác sĩ là các chuyên gia đầu ngành).

Cùng với đó, đã tổ chức 6 cuộc hội chẩn trực tuyến quốc gia cho công tác điều trị bệnh nhân.

Để “chia lửa” với Đà Nẵng trong điều trị người bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã triển khai phân luồng chuyển bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền từ Bệnh viện Đà Nẵng ra điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Các chuyên gia của Bộ Y tế tại Đà Nẵng đã cùng với ngành y tế của thành phố tổ chức thực hiện việc giải tỏa bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng làm giảm khả năng lây nhiễm tại khu vực bệnh viện đồng thời chỉ đạo giải phóng nhân viên y tế ra khỏi khu vực bệnh viện đến các khu cách ly riêng.

Đẩy mạnh công suất xét nghiệm

Về công tác xét nghiệm, để đảm bảo thực hiện nhanh chóng việc xét nghiệm người dân Đà Nẵng trên toàn thành phố, hơn 550 giảng viên và sinh viên năm cuối của Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, Đại học Y Dược Huế đã được huy động để lấy mẫu xét nghiệm. Gần 400 học viên của Trường Quân sự Quân khu 5 trợ giúp TP Đà Nẵng truy vết các ca bệnh để kịp thời phát hiện những người có tiếp xúc gần đi cách ly, xét nghiệm.

Những ngày qua, các chuyên gia xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, Viện Pasteur TPHCM, Viện Pasteur Nha Trang đang làm việc ngày đêm tại Đà Nẵng để hoàn thành xét nghiệm cho 10 nghìn mẫu/ngày.

Tổ chức thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, kết hợp các phương pháp (xét nghiệm nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR) cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, đã từng tiếp xúc với người bệnh, đi/đến, trở về từ những địa điểm có nguy cơ cao theo thông báo của Bộ Y tế.

Hiện tại, công suất xét nghiệm đã được nâng lên rất cao, tăng gấp đôi so với giai đoạn cao điểm tháng 4/2020.

Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc thực hiện xét nghiệm COVID-19 với những người dân có yếu tố dịch tễ, Bộ Y tế đã thống nhất BHXH Việt Nam cho phép thanh toán BHYT với các trường hợp xét nghiệm COVID-19 tại BV để mở rộng triển khai xét nghiệm.

Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc và sẽ đẩy nhanh tiến độ để thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm tại 2.429 cơ sở y tế

Hỗ trợ tâm lý cho các thầy thuốc nơi tuyến đầu

Bên cạnh những sự hỗ trợ về nhân lực, điều trị, xét nghiệm, Bộ Y tế đã hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm, khẩu trang y tế, trang phục bảo hộ, trang thiết bị y tế chống dịch, bảo đảm đáp ứng với tình hình dịch bệnh tại TP. Đà Nẵng.

Theo đó, Bộ Y tế đã cấp cho Sở Y tế Đà Nẵng 10 máy thở, 1 triệu khẩu trang, 50.000 bộ quần áo chống dịch, 20.000 khẩu trang N95); cấp cho BV C Đà Nẵng 2 máy thở chức năng cao, 15 máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số, 01 máy X-Quang di động, 22 máy truyền dịch, 30.000 khẩu trang y tế, 5.000 khẩu trang N95, 1.200 bộ quần áo phòng chống dịch, 300 chai cồn sát trùng; cấp cho CDC Đà Nẵng 30.000 kit xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR.

Bộ Y tế cũng cử 2 bác sĩ tâm lý từ Bệnh viện Bạch Mai vào Đà Nẵng để hỗ trợ tâm lý bằng các cuộc trò chuyện, tâm tình, chia sẻ kinh nghiệm từ Bạch Mai cho các thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/trien-khai-mot-loat-bien-phap-chua-tung-co-tien-le-chia-lua-voi-da-nang/402864.vgp