Triển khai gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo đúng đối tượng, tránh bị trục lợi

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), sẽ có kế hoạch chi tiết triển khai hỗ trợ đối với từng nhóm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, như: Người có công, hưởng chính sách bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo… thông qua danh sách cụ thể giao cho địa phương.

Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Chính phủ đã thống nhất dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Theo đó, nhóm đối tượng ưu tiên hỗ trợ là những người bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu, trong đó có nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công, lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương, lao động tự do mất việc làm…

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chia sẻ, dịch COVID-19 đã, đang và sẽ làm cho người lao động và doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn. Tiền lương, thu nhập của hầu hết người lao động hiện nay chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, không có tích lũy, nên sẽ gặp nhiều khó khăn nếu phải nghỉ việc.

Mức hỗ trợ với người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương và với người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động mất việc làm, cùng một số chính sách hỗ trợ khác liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), vay vốn... sẽ góp phần giúp người lao động và DN vượt qua khó khăn.

Chính sách này sẽ có tác dụng to lớn hơn khi được triển khai kịp thời, trực tiếp, đúng đối tượng, tránh việc trục lợi chính sách. Ông Lê Đình Quảng cho rằng, việc kê khai, chi hỗ trợ cho người lao động có hợp đồng lao động sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn, bởi DN, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, BHXH đều nắm được con số.

“Tuy nhiên, điều đáng quan tâm trong việc hỗ trợ là với người lao động không có hợp đồng lao động, lao động tự do. Thực tế, có không ít DN không ký hợp lao động với người lao động và nhiều người trong số người này bị mất việc ngay khi DN khó khăn. Bên cạnh đó, hầu hết lao động tự do khi mất việc đã về địa phương, vậy phải có cách điều tra, thống kê thế nào để hỗ trợ, tránh trường hợp người cần được hưởng thì tiền không đến được tay”, ông Quảng đề nghị.

Còn theo lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nghị quyết sẽ phân công rất rõ ràng trách nhiệm của từng bộ ngành, cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu. Từ đó, thực hiện nghị quyết chi đúng đối tượng, minh bạch công khai trong nhân dân.

Muốn làm được điều này, theo Bộ LĐ-TB&XH, cần có kế hoạch chi tiết triển khai hỗ trợ đối với từng nhóm, như nhóm người có công, hưởng chính sách bảo trợ xã hội, nhóm hộ nghèo và cận nghèo… sẽ được lập danh sách cụ thể, giao cho địa phương hỗ trợ. Các đối tượng khác thì chính quyền cơ sở, doanh nghiệp có trách nhiệm lập danh sách, các cơ quan chức năng xem xét, rà soát kỹ và người đứng đầu địa phương có trách nhiệm xác nhận.

“Quan trọng nhất là việc thực hiện phải đảm bảo công khai, minh bạch, các cơ quan đoàn thể giám sát chặt chẽ việc này và xử lý nghiêm những trường hợp trục lợi”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định.

Tin, ảnh: XM/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/trien-khai-goi-ho-tro-nguoi-dan-gap-kho-khan-do-dich-covid19-theo-dung-doi-tuong-tranh-bi-truc-loi-20200406163231164.htm