Triển khai giám sát việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Trọng tâm là sự phối hợp, lồng ghép và vận hành

Chiều 29/11, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì Hội nghị triển khai Kế hoạch của Đoàn giám sát chuyên đề về Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021-2030

Theo dự thảo Kế hoạch chi tiết, Đoàn giám sát lựa chọn các vấn đề trọng tâm giám sát gồm:

Về mục tiêu, nguyên tắc, nội dung, nguồn lực, địa bàn; chỉ đạo điều hành, quản lý, cơ chế phối hợp, lồng ghép đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Việc xây dựng, ban hành và nội dung các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách, lồng ghép phối hợp để triển khai thực hiện các Chương trình

mục tiêu quốc gia

ở các cấp.

Đánh giá kết quả đạt được giữa kỳ, những vướng mắc và nguyên nhân hạn chế trong việc triển khai thực hiện các Chương trình

mục tiêu quốc gia

bao gồm các thành phần dự án, tiểu dự án chính sách.

Phạm vi giám sát gồm: Việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2023. Việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình

mục tiêu quốc gia

phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ tháng 7/2020 đến hết tháng 6/2023.

Dự kiến, Đoàn giám sát sẽ tổ chức làm việc với 11 Bộ, ngành liên quan; tổ chức 3 Đoàn công tác đến giám sát trực tiếp tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ tháng 4 đến 31/7/2023. Đoàn giám sát thành lập các Tổ công tác do Ủy viên Đoàn giám sát làm Tổ trưởng, làm việc việc tại các Bộ, ngành, địa phương trước khi Đoàn công tác đến giám sát.

Ông Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát: "Tổ Công tác có kinh nghiệm trong thực hiện nên rất hiệu quả, giúp cho Đoàn giám sát có điều kiện tiếp cận hợp lý, tiết kiệm thời gian cho các bộ ngành, địa phương nên tôi đề nghị tiếp tục cho hoạt động của Tổ công tác này để phát huy kinh nghiệm các đoàn giám sát năm 2022."

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh 3 trọng tâm của chuyên đề giám sát này gồm: việc đánh giá phân bổ và tổ chức chỉ đạo giải ngân các nguồn lực theo kế hoạch; việc triển khai ban hành văn bản, hướng dẫn định mức, tiêu chuẩn, chế độ đối với 3 chương trình

mục tiêu quốc gia

và sự phối hợp, lồng ghép và điều hành chung của Chính phủ, các bộ ngành địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG, Trưởng đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội: "Lần đầu tiên giám sát tối cao tổng hợp 3 Chương trình cho nên một trong những trọng tâm là sự phối hợp, lồng ghép và sự vận hành của Ban Chỉ đạo các cấp, ban chỉ đạo chung đấy. Việc Chính phủ giao cho ai chuẩn bị báo cáo tổng hợp, việc điều phối hợp và điều phối, chỉ đạo chung 3 chương trình là thẩm quyền của Chính phủ. Bây giờ mỗi ông điều phối mỗi kiểu, đây là một ý chúng tôi xác định trong trọng tâm."

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề ở đầu và giữa kỳ việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, vì vậy, giám sát cần đánh giá những kết quả triển khai bước đầu; làm rõ thực trạng, nguyên nhân chủ quan, khách quan việc chậm trễ; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong tam mưu xây dựng và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, từ đó đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách, phát hiện, kiến nghị xử lý tháo gỡ. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Đoàn giám sát không yêu cầu các Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tiến hành giám sát nhưng phải có báo cáo kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại các địa phương.

Thực hiện : Khắc Phục Cao Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/trien-khai-giam-sat-viec-thuc-hien-3-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-trong-tam-la-su-phoi-hop-long-ghep-va-van-hanh