Triển khai đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam: Còn nhiều chuyện phải bàn

Để hiện đại hóa hệ thống đường sắt đã hơn trăm tuổi cũng như đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng hiện nay, việc triển khai hệ thống đường sắt tốc độ cao được ngành giao thông cũng như các chuyên gia nhận định là tất yếu. Tuy nhiên, để triển khai siêu dự án này còn rất nhiều câu hỏi cần lời giải đáp.

Tàu đường sắt tốc độ cao tại Nhật Bản. Ảnh: PV

Siêu dự án trị giá 55 - 56 tỉ USD

Đánh giá về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã có báo cáo tiền khả thi nghiên cứu giữa kỳ với nhiều điểm mới so với nghiên cứu được trình bày tại Quốc hội năm 2010 trong đó việc đầu tư hạ tầng sẽ mang tính lâu dài, hướng đến đáp ứng được tốc độ cao.

Cụ thể, Bộ xác định lộ trình trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 - 200km/h (hạ tầng đủ tiêu chuẩn để tương lai khai thác 350km/h), phấn đấu sau 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ 350km/h trên toàn tuyến và tổng chi phí dự kiến từ 55 - 56 tỉ USD.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đề xuất nghiên cứu đi qua 20 tỉnh, thành phố và tốc độ chạy tàu trong giai đoạn đầu cao nhất là 200km/h, giai đoạn sau cao nhất 320km/h. Sức chở giai đoạn đầu bố trí đoàn tàu sử dụng 10 toa và giai đoạn sau là 16 toa, thời gian khai thác từ 6 - 24h.

Đơn vị tư vấn cũng đưa ra các đoạn ưu tiên đầu tư trong đó dự kiến đề xuất 2 đoạn: Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2032. Các đoạn còn lại (Vinh - Nha Trang) sẽ được tiếp tục xây dựng từ năm 2035 và hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2040 - 2045.

Để xây dựng hướng tuyến, Bộ GTVT và các địa phương có tuyến đường sắt đi qua đã phối hợp nghiên cứu, trao đổi để thống nhất đề xuất phương án hướng tuyến, vị trí các nhà ga, đảm bảo sự phù hợp các quy hoạch của địa phương, vùng và kết nối hiệu quả giữa đường sắt tốc độ cao với các phương thức vận tải khác.

Chia sẻ quan điểm về siêu dự án này, lãnh đạo UBND 20 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt đi qua bày tỏ mong muốn Quốc hội sớm thông qua chủ trương đầu tư dự án để địa phương có cơ sở xác định mốc giới, quy hoạch sử dụng đất và tạo sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chưa ngã ngũ mô hình đầu tư, CN áp dụng

Do có quy mô đầu tư cực lớn, siêu dự án này được vẽ ra một cách rất thận trọng. Bộ GTVT cho biết đã và sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề về mô hình đầu tư, huy động nguồn vốn, tổ chức quản lý, khai thác vận hành dự án đồng thời yêu cầu Tư vấn tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học để hoàn thành, tổ chức báo cáo nghiên cứu cuối kỳ vào tháng 10.2018.

Liên quan tới mô hình đầu tư, đơn vị tư vấn và bộ GTVT đang nghiên cứu học hỏi từ các nước trên thế giới như: Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Đức… và đề xuất mô hình đầu tư Nhà nước, kết hợp nguồn vốn ODA và tư nhân.

Còn về công nghệ, trong cuộc họp mới nhất ngày 11.9, các đơn vị liên quan đã thảo luận về 3 loại hình tàu cao tốc trên thế giới có thể tham khảo để ứng dụng tại Việt Nam. Đó là tàu chạy trên ray vận tốc 200 - 350km/h, tàu Maglev tốc độ 400 - 600km/h, tàu Hyperloop chạy trong ống đạt 900 - 1.200km/h trong đó phổ biến nhất là tàu chạy trên ray với hai công nghệ là động lực phân tán và động lực tập trung.

Các chuyên gia và đại diện vụ cục hiện vẫn có quan điểm khác nhau về các loại tàu này nhưng nhiều ý kiến có phần thiên về hệ thống động lực phân tán. Đây là loại tàu cao tốc đã ứng dụng tại Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc có sức chuyên chở lớn, bình quân mỗi mét 3 - 4 chỗ và sử dụng giá chuyển hướng độc lập, chế độ tự nghiêng toa xe giúp dễ lưu thông tại các đường cong, chạy tốc độ tối đa 450km/h.

Khánh Hòa

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xe/trien-khai-duong-sat-toc-do-cao-tai-viet-nam-con-nhieu-chuyen-phai-ban-630624.ldo