Triển khai đồng bộ quy định về xuất, nhập cảnh

Từ ngày 1-7, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Luật số 49/2019/QH14) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 51/2019/QH14) có hiệu lực thi hành. Hai Luật này được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11-2019), được triển khai đồng bộ, thống nhất sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực xuất, nhập cảnh (XNC), góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Luật số 49 triển khai xuất phát từ yêu cầu cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền của công dân về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý XNC, tạo thuận lợi hơn nữa cho công dân trong hoạt động XNC và là cơ sở pháp lý cho hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu cá nhân phục vụ việc cấp, quản lý, kiểm soát và sử dụng giấy tờ XNC. Luật số 49 có điểm mới đáng chú ý: người có thẻ Căn cước công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu được lựa chọn nơi cấp hộ chiếu tại cơ quan quản lý XNC Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi thay vì phải thực hiện ở nơi thường trú hoặc nơi tạm trú như trước đây. Hộ chiếu được cấp riêng cho từng người. Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử… Việc các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan được quy định trong văn bản luật có ý nghĩa hết sức quan trọng và mang tính cấp thiết.

Qua hơn 4 năm thực hiện, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014; hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 ngày 22-11-2016 của Quốc hội khóa XIV (về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam); Nghị quyết số 74/2018/QH14 ngày 20-11-2018 của Quốc hội khóa XIV (cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm tối đa 2 năm), đã tạo hành lang pháp lý cơ bản vững chắc trong hoạt động quản lý XNC đối với người nước ngoài, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự của Việt Nam; thể hiện sự công khai, minh bạch, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước, phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước về đổi mới và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, Luật số 51 được ban hành xuất phát từ yêu cầu luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, điều chỉnh kịp thời các vấn đề mới phát sinh, bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam. Luật có một số chính sách mới đáng chú ý, như: Quy định việc cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; Bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày mới được nhập cảnh trở lại; miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ khi đáp ứng đủ các điều kiện; cho phép 4 trường hợp được chuyển đổi mục đích nhập cảnh; nâng thời hạn của thẻ tạm trú cho nhà đầu tư…

Ngày 25-5-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 79/NQ-CP về danh sách 80 nước (thay cho 35 nước như Nghị định số 17/2019) có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách 37 cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử, có hiệu lực từ ngày 1-7. Tuy nhiên, một số người lại hiểu nhầm rằng “từ 1-7 cấp thị thực điện tử cho công dân 80 nước, đồng nghĩa mở lại các chuyến bay cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp”. Thực tế, Việt Nam đã tạm dừng nhập cảnh với người nước ngoài, áp dụng từ 0 giờ ngày 22-3-2020; chỉ giải quyết một số trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, trường hợp đặc biệt, nhưng phải đầy đủ thủ tục và cách ly theo quy định.

Hiện nay, cả 2 luật đang được triển khai, đưa vào cuộc sống. Ngày 7-7-2020, UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch triển khai thi hành 2 luật trên, nhằm xác định cụ thể nội dung công việc cần làm, thời gian triển khai thực hiện, trách nhiệm giữa các sở, ban, ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch; chủ động nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình triển khai, hướng dẫn thi hành luật. Công an tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức tập huấn các nội dung 2 luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Bộ Công an. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm triển khai, quán triệt kịp thời các nội dung của 2 luật nêu trên đến từng cán bộ, chiến sĩ; cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức, cá nhân có liên quan nắm, thực hiện. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản Luật số 49, Luật số 51 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

TÂM MINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/trien-khai-dong-bo-quy-dinh-ve-xuat-nhap-canh-a277904.html