Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Buổi sáng, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về: Ðánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và NSNN những tháng đầu năm 2019; quyết toán NSNN năm 2017. Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật.

Ngày làm việc thứ Ba, Kỳ họp thứ Bảy, Quốc Hội khóa XIV

Đại biểu QH tỉnh Kon Tum phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Đại biểu QH tỉnh Kon Tum phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

Thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2019, phần đông các đại biểu đồng tình Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, thời gian qua, mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp về thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, tạo chuyển biến tích cực, như: kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; thu NSNN tăng; các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục phát triển ổn định; đời sống nhân dân được cải thiện...

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, một số yếu kém, hạn chế mà Báo cáo Chính phủ nêu đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, làm cho nhiều cử tri băn khoăn. Trong đó, công tác cải cách hành chính (CCHC) triển khai từ T.Ư đến các địa phương, song tính đồng bộ, kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm cho CCHC thực chất ở nước ta còn chậm. Chẳng hạn, Hà Nội đã và đang triển khai chính phủ điện tử để CCHC, tuy nhiên, việc kết nối liên thông với các cơ quan T.Ư và cơ sở dữ liệu dân cư, những vấn đề chia sẻ dịch vụ công… vẫn khó khăn. Bên cạnh đó, bảo vệ môi trường đang là vấn đề nóng, nhưng việc đầu tư cho lĩnh vực này chưa tương xứng; ô nhiễm môi trường ở một số nơi chưa được giải quyết rốt ráo. Ðáng chú ý, tình trạng vi phạm pháp luật về xâm hại trẻ em và gây rối tình dục, bạo lực tình dục đang diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc rất đau lòng; tình trạng buôn bán ma túy, cho vay nặng lãi, tín dụng đen len lỏi từ thành thị đến nông thôn, ảnh hưởng an ninh, trật tự an toàn xã hội… Do vậy, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn tình trạng nêu trên; khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng, cơ quan tư pháp cần vào cuộc để xử lý kịp thời.

Thảo luận về quyết toán NSNN năm 2017, nhiều đại biểu đồng tình Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH. Ðại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, việc quản lý, thu NSNN có nhiều chuyển biến so các năm trước, tuy nhiên áp lực thu ngân sách tại các địa phương rất lớn, nhất là các thành phố lớn. Nhiều địa phương bức xúc vì T.Ư giao số lượng thu quá lớn, nợ đọng thuế cao, việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chưa nghiêm… Hơn nữa, giải ngân đầu tư công còn chậm, do thủ tục rườm rà, một số nơi đổ lỗi cho thủ tục, quy định của pháp luật chưa phù hợp… Việc điều chỉnh giá xăng, dầu, điện theo cơ chế thị trường thời gian qua gây bức xúc trong dư luận xã hội, cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu, tránh gây bức xúc trong xã hội...

Tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (THAHS) (sửa đổi). Ðây là một dự án luật lớn gồm 16 chương, 209 điều, nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu. Trong đó, những quy định của dự thảo luật về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý của đại biểu QH.

Ða số ý kiến tán thành việc dự thảo luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đồng thời cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam. Một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động... Ðại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) và nhiều đại biểu khác cho rằng, thi hành án phải bảo đảm tính nghiêm khắc của hình phạt, trừng trị và giáo dục người phạm tội. Tổ chức lao động của phạm nhân là một hình thức cải tạo, chứ không phải để phục vụ đời sống của phạm nhân. Nếu việc tổ chức cho phạm nhân lao động ở ngoài trại giam thì phải bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa xảy ra vi phạm. Ðại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Ðịnh) và một số đại biểu bày tỏ băn khoăn cơ sở pháp lý của việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam đã đầy đủ chưa? Việc liên kết, liên doanh với doanh nghiệp trong vấn đề này chưa được luật hóa. Ðại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm của người lao động, trách nhiệm của người quản lý, người sử dụng lao động để bảo đảm hiệu quả và tránh sự lạm dụng.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã trong thi hành án hình sự (Ðiều 19), vừa qua có một số ý kiến đề nghị xem xét lại việc giao quá nhiều nhiệm vụ cho UBND cấp xã; có ý kiến đề nghị giao lực lượng công an cấp xã trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Ủy ban TVQH nhận thấy, với thẩm quyền quản lý nhà nước, bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại địa bàn thì UBND cấp xã chủ trì quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng là phù hợp. Ðể bảo đảm cho UBND cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ này, dự thảo luật bổ sung quy định lực lượng Công an cấp xã có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện. Ðại biểu Ðinh Thị Hồng Minh (Quảng Ngãi) và một số đại biểu tán thành quy định giao UBND cấp xã chủ trì, quản lý, giám sát, giáo dục người THAHS tại cộng đồng, được quy định tại Ðiều 19 của dự thảo luật. Tuy nhiên, cần có quy định linh hoạt để vận động người có uy tín trong cộng đồng, người có kiến thức, có kinh nghiệm nghề nghiệp, có kinh nghiệm trong phát triển KT-XH cùng tham gia với UBND cấp xã, nhất là đối với những nơi có truyền thống cộng đồng gắn kết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó nâng hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục người THAHS tại cộng đồng.

Sau thảo luận, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm các ý kiến của đại biểu QH, nhất là về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, từ đó hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình QH xem xét, thông qua.

Để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế tư nhân trong nước, Đảng, Nhà nước cần có định hướng thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, nhưng không nên thu hút tràn lan; cần thu hút việc chuyển giao công nghệ mới, tránh thu hút các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển rồi chuyển giao cho doanh nghiệp trong nước công nghệ lạc hậu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40280802-trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.html