Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng bền vững

Sáng 22/10, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Hà Tĩnh có cuộc làm việc với UBND huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân về công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2019.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Kỳ Anh

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Kỳ Anh

Kỳ Anh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp 50.585 ha. Trong đó, diện tích rừng đặc dụng 3.940 ha, rừng phòng hộ 15.018 ha, rừng sản xuất 31.627ha.

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn huyện ngày càng được quan tâm, thực hiện khá nghiêm túc, các loài thực vật rừng, động vật rừng được bảo vệ, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao; không để xảy ra các điểm nóng về khai thác, lấn chiếm rừng, vận chuyển lâm sản trái phép…

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Bùi Quang Hoàn báo cáo tại buổi làm việc

Trong 4 năm, huyện đã phát hiện và xử lý 40 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp/254ha, xử phạt hành chính 134,5 triệu đồng, buộc trả lại diện tích lấn chiếm cho chủ rừng; kịp thời phát hiện và chữa cháy các vụ cháy rừng, giảm thiểu diện tích rừng bị thiệt hại.

Hiện đã giao đất, giao rừng: 13.482ha/5.384 hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Việc giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn đã giải quyết nhu cầu đất sản xuất, tạo việc làm, ổn định sản xuất cho người dân địa phương.

Giám đốc sở TNMT Hồ Huy Thành đánh giá cao trong công tác giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, cá nhân của huyện Kỳ Anh trong thời gian qua

Tại buổi làm việc, huyện Kỳ Anh nêu lên một số hạn chế, vướng mắc trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn như: Sản xuất lâm nghiệp chủ yếu là các hộ gia đình, cá nhân mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún; cơ sở hạ tầng về lâm nghiệp còn thiếu thốn.

Việc huy động được nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng lâm nghiệp như: hệ thống đường vận xuất, vận chuyển lâm sản, cơ sở hạ tầng phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng còn hạn chế. Liên kết trong sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp còn nhiều khó khăn….

Chánh Thanh tra tỉnh Võ Văn Phúc: Chính quyền huyện cần phải hỗ trợ ngân sách, kinh phí trong công tác PCCC

Huyện Kỳ Anh cũng kiến nghị: Xem xét bổ sung nguồn ngân sách nhà nước đầu tư của cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khuyến lâm, đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích và có cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng, sản xuất lâm nghiệp được tiếp cận và vay vốn dài hạn; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng lâm nghiệp, đường lâm nghiệp, các công trình phòng cháy chữa cháy rừng. Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ nhu cầu quản lý và đáp ứng nguyện vọng của người sử dụng đất…

Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã làm rõ thêm một số vấn đề trong việc giao đất để triển khai một số dự án trên địa bàn; việc giao đất, giao rừng, cho hộ gia đình, cá nhân; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cắm mốc trên thực địa ranh giới quyền sử dụng đất…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của huyện Kỳ Anh trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác rừng, đất rừng, phòng chống cháy rừng trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới, huyện Kỳ Anh cần quan tâm phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, PCCC rừng; tiếp tục tham mưu, rà soát trong việc thu hồi, chuyển đổi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo chặt chẽ trong công tác quản lý; liên kết trong sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp.

Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng đồng bộ, thống nhất, tinh gọn, hoạt động hiệu quả; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển bền vững; tập trung làm tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc.

Những kiến nghị, đề xuất của huyện, đoàn sẽ đưa vào báo cáo và đưa vào chương trình nghị sự trong kỳ họp sắp tới.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Nghi Xuân

* Huyện Nghi Xuân hiện có 7.102 ha đất rừng và đất lâm nghiệp, được phân thành 3 loại rừng. Hiện nay, 11 xã đã hoàn thành các hồ sơ giao đất, giao rừng; bản đồ giao đất, giao rừng; bàn giao thực địa, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp với diện tích 756,7 ha/742 hộ gia đình và cộng đồng dân cư (đạt 100%); công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được thực hiện đúng quy định; không có vụ việc tranh chấp, lấn chiếm đất rừng.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hoàng Quốc Huấn: Ngân sách nhà nước bố trí mua sắm thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng khó khăn nên khi xảy ra cháy rừng thiếu phương tiện chữa cháy.

Toàn huyện bình quân mỗi năm trồng mới được trên 5ha rừng, nâng độ che phủ rừng lên 21,6%. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã khai thác được trên 1.000 m3 gỗ tròn các loại; 2.500 ster củi và trên 60 tấn nhựa thông… thu về gần 2,5 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 04 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

Thành viên Đoàn giám sát, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn Trần Văn Kỳ: Nghi Xuân cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp để tránh tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng.

Trong những năm qua, huyện đã thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định; việc giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo được tập trung xử lý kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật.

Thành viên Đoàn giám sát Đoàn Đình Anh: Cần quan tâm thực hiện đúng quy định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng ngập mặn sang phát triển kinh tế.

Từ năm 2016 – 2019, trên địa bàn huyện xảy ra 03 vụ cháy, diện tích 68,32 ha; trồng mới và trồng sau khai thác 18 ha và 182.500 cây phân tán. Cũng trong khoảng thời gian nêu trên, huyện Nghi Xuân có 7 dự án đã và đang triển khai phải chuyển đổi rừng, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp với tổng diện tích 29,33 ha.

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng đánh giá cao những nỗ lực của huyện Nghi Xuân trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục...

Thời gian tới, Đoàn giám sát đề nghị huyện Nghi Xuân tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh, các quyết định của UBND tỉnh liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền; chủ động xây dựng các phương án sử dụng rừng, đất lâm nghiệp; quan tâm hiệu quả sử dụng rừng, đất lâm nghiệp.

Đồng thời, thực hiện quản lý tốt việc cắm mốc, phân định ranh giới, tránh tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất rừng; thực hiện đúng chủ trương, quy trình thủ tục khi chuyển đổi rừng, mục đích sử dụng đất rừng sang thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội.

Vũ Huyền - Lưu Thành

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-bao-ve-phat-trien-rung-ben-vung/181029.htm