Triển khai diện rộng hóa đơn điện tử

Việc triển khai hình thức hóa đơn (HĐ) điện tử không những phù hợp xu hướng phát triển của xã hội hiện đại mà còn hạn chế được một phần tình trạng hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) đặt in, tự in HĐ để xuất hóa đơn khống, sử dụng bất hợp pháp, gây thất thu ngân sách, gian lận thương mại, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế,...

Nhân viên Chi cục Thuế Ba Đình (Hà Nội) hướng dẫn người dân làm tờ khai mua hóa đơn.

Từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định về HĐ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thí điểm sử dụng HĐ điện tử có mã xác thực. Sau bảy năm thực hiện, phương thức phát hành, quản lý HĐ của DN đã chuyển đổi từ cơ chế mua của cơ quan thuế sang cơ chế DN tự đặt in, tự in để sử dụng. Không những thế, ngành thuế đã chuyển giao cho cục thuế các địa phương đặt in HĐ bán cho các tổ chức, cá nhân không phải là DN nhưng có hoạt động kinh doanh; thực hiện quyền và trách nhiệm về HĐ cho các DN và người nộp thuế, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế địa phương trong quản lý. Đáng lưu ý, việc bổ sung hình thức HĐ điện tử trong thời gian gần đây đã tạo cơ sở pháp lý để các DN hiện đại hóa công tác quản trị DN. Cùng với đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý HĐ đã góp phần chuẩn hóa quy trình quản lý, thanh tra trong nội bộ cơ quan thuế, cập nhật các thông tin HĐ đã phát hành và không còn giá trị sử dụng, hỗ trợ việc tra cứu các DN. Đối với DN, sử dụng HĐ điện tử đã mang lại lợi ích hết sức thiết thực. Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2017 đã sử dụng khoảng 24,1 triệu HĐ/tháng (tương đương khoảng 289 triệu

HĐ/năm), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam áp dụng là 8 triệu HĐ/tháng (96 triệu HĐ/năm)... Hay ở Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), triển khai HĐ điện tử cả trong vận chuyển hàng không và dịch vụ hàng không kết hợp mặt đất. Năm 2017, số lượng HĐ điện tử của VNA là hai triệu HĐ/năm. Như vậy, qua thời gian áp dụng trong thực tiễn, kết quả cho thấy HĐ điện tử giảm đáng kể thời gian, chi phí cho DN, góp phần hạn chế các hành vi gian lận.

Đánh giá tác động của phương pháp quản lý này, nhiều DN cho biết, việc sử dụng HĐ điện tử đã giúp khách hàng thuận tiện trong thanh toán, không phải lưu trữ, bảo quản, tránh rủi ro thất lạc và tiết kiệm được chi phí in. Không những thế, DN còn giảm được thời gian do không phải đăng ký sử dụng, không phải làm thủ tục đăng ký mẫu, rút ngắn thời gian thực hiện thông báo phát hành, sử dụng ngay khi đăng ký, không phải báo cáo tình hình sử dụng... Đặc biệt, không phải lập báo cáo sử dụng và lập tờ khai thuế do dữ liệu được kết nối tự động với phần mềm khai thuế giá trị gia tăng. Việc sử dụng chữ ký số của người bán hàng đã giúp giảm tình trạng làm giả hóa đơn, DN yên tâm hơn về tài sản của mình.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, việc áp dụng HĐ điện tử cũng giúp việc quản lý thuế thuận tiện hơn. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, HĐ giấy không còn phù hợp việc triển khai thủ tục hành chính điện tử, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế cũng như bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Hơn thế, việc sử dụng HĐ giấy đã tạo kẽ hở cho một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của Luật DN, thành lập nhiều DN, hoặc mua lại DN. Dù thực tế không kinh doanh, nhưng các đối tượng vẫn sử dụng HĐ, xuất HĐ khống, sử dụng lòng vòng để khấu trừ, hoàn khống thuế GTGT hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách, trốn thuế... Với HĐ điện tử, tình trạng nêu trên được khắc phục một bước.

Việc áp dụng HĐ điện tử sẽ giúp việc chia sẻ, kết nối thông tin một số sản phẩm và ngành đặc thù thống nhất và minh bạch hơn, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả cao. Đơn cử, các cơ sở kinh doanh thuốc tân dược và cơ sở khám, chữa bệnh, sử dụng HĐ điện tử sẽ hỗ trợ quản lý chặt chẽ công tác quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế khi kết nối thông tin từ các cơ quan liên quan.

Chính vì vậy, cần tiếp tục áp dụng rộng rãi HĐ điện tử để quản lý, hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong giao dịch thanh toán, nhất là các giao dịch thanh toán của hoạt động kinh tế phi chính thức. Hơn nữa, đây cũng là yêu cầu cấp thiết từ yêu cầu của cải cách thủ tục quản lý thuế sao cho đạt hiệu quả phòng, chống gian lận, trốn thuế... cũng như tạo cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực quản lý thị trường; tài nguyên khoáng sản, nhà đất... “Việc mở rộng đối tượng áp dụng, chuyển dữ liệu HĐ điện tử cho cơ quan thuế; giảm thủ tục hành chính khi sử dụng HĐ điện tử sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quản lý thuế hiện đại”, Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam khẳng định.

SÔNG TRÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/38887002-trien-khai-dien-rong-hoa-don-dien-tu.html