Triển khai đăng ký, kê khai giá sữa: Doanh nghiệp lẫn nhà quản lý đều... rối

Ngày đầu tiên triển khai Thông tư 08/2017/TT-BCT về đăng ký, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (10/8), cả doanh nghiệp lẫn nhà quản lý vẫn còn... mơ hồ.

Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội nghị phổ biến, hướng dẫn Thông tư 08/2017/TT-BCT ngày 26/6/2017 về đăng ký, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi cho các tỉnh, thành tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 10/8.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Đà Nẵng cho biết, bắt đầu tư hôm nay (10/8), Thông tư 08 đã chính thức có hiệu lực nhưng trên thực tế Sở vẫn mơ hồ và hiện chỉ biết dùng các bảng kê khai giá giá cũ do Bộ Tài Chính đã làm để đối chiếu. Trong khi đó, giá sữa biến động theo thị trường nên khó xác định, chưa kể có những cửa hàng nhỏ lẻ cũng bán sữa nhưng lại không thuộc diện phải kê khai giá…

Việc đăng kí kê khai giá sữa đảm bảo hài hoà quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Trong khi đó, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Phước cũng cho hay, tại Bình Phước không có DN sản xuất cũng như nhập khẩu sữa mà chủ yếu là các đại lý, cửa hàng phân phối sữa, do vậy sẽ rất khó để Sở Công Thương Bình Phước có cơ sở đối chiếu, rà soát xem mức kê khai của đại lý có đúng không. Theo vị đại diện này đề xuất, cần có giá cơ sở để xem xét vì thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa có thể thực hiện đăng ký các mức giá bán lẻ khuyến nghị phù hợp với từng khu vực địa lý nhất định.

Tham dự hội nghị, nhiều Sở Công Thương của các tỉnh thành phía Nam cũng kiến nghị, Bộ Công Thương nên có quy định, hướng dẫn cụ thể cách tính chi phí hợp lý để Sở Công Thương các tỉnh vận dụng. Bởi nếu không, sẽ xảy ra tình trạng tỉnh này đồng ý giá đó nhưng tỉnh khác thì không đồng ý. Kết quả là DN phải mang hồ sơ lên kiến nghị hoặc “truy” cơ quan quản lý.

Nhận định về thông tư này, ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cũng e ngại: “Chỉ có 5 ngày thực hiện kê khai giá kể từ ngày tiếp nhận biểu mẫu là khoảng thời gian quá ngắn, nên thực hiện dài ngày hơn. Chắc chắn sẽ có một lượng lớn hồ sơ đăng ký kê khai giá “đổ về” cơ quan quản lý. Trường hợp cơ quan quản lý xử lý không kịp thì hồ sơ sẽ “bị trôi”. Bởi do ngoài sản phẩm sữa còn có thực phẩm chức năng, rồi có nhiều sản phẩm sữa nhưng không phải là sữa khi đó thương nhân muốn bán giá nào thì bán”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để hướng dẫn cụ thể việc triển khai quy định về quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong toàn ngành công thương, Bộ Công Thương đã xây dựng Thông tư 08/2017/TT-BCT về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Thông tư tập trung vào mục tiêu chính là đảm bảo hài hoà quyền lợi của người tiêu dùng và DN, từ đó đưa ra định giá phù hợp cho các sản phẩm, tôn trọng quyền định giá của DN và DN phải thực hiện kê khai giá.

“So với các quy định trước đây, Thông tư 08 đã tôn trọng quyền định giá của DN đối với hàng hoá của mình và chịu trách nhiệm đối với mức giá kê khai theo đúng chế độ hoạch toán kế toán hiện hành. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ giám sát và kiểm tra việc kê khai, đăng ký và thực hiện giá bán này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai sẽ có những vướng mắc, khó khăn nên đơn vị cũng sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, nhà quản lý để việc triển khai được thuận lợi”, ông An cho biết thêm.

Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn//kinh-te/ngay-dau-trien-khai-dang-ky-ke-khai-gia-sua-ca-doanh-nghiep-lan-nha-quan-ly-deuroi-20170810153545714.htm