Triển khai chương trình, sách giáo khoa mới – Ngổn ngang những nỗi lo

Chưa đầy 10 tháng nữa, ngành GD-ĐT cả nước sẽ bắt tay triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM) theo hình thức cuốn chiếu với sự khởi động đầu tiên của khối lớp 1 bậc tiểu học (TH). Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác thẩm định các bộ SGK lớp 1 vẫn chưa được hoàn tất. Thời gian còn lại không còn nhiều, khó khăn, thách thức mà ngành GD-ĐT các địa phương đang phải đối mặt là rất lớn...

HS lớp 1 Đà Nẵng tưng bừng trong ngày khai giảng năm học mới 2019-2020. Ảnh: C.K

HS lớp 1 Đà Nẵng tưng bừng trong ngày khai giảng năm học mới 2019-2020. Ảnh: C.K

Hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh!

Theo các nhà quản lý giáo dục, điểm mới và cũng là nền tảng trọng tâm của CTGDPTM lần này chính là việc chuyển từ dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều sang giáo dục phẩm chất và năng lực cho học sinh (HS). Phẩm chất ở đây chính là việc hình thành cho HS ở mỗi cấp bậc học tự biết giá trị bản thân, tự biết các mối quan hệ với gia đình, cộng đồng để có những ứng xử tốt, chấp hành những chuẩn mực đạo đức, chấp hành quy định của pháp luật, có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường xung quanh từ những hành vi, hành động nhỏ nhất. Về năng lực, hình thành cho HS khả năng tự học, năng lực phát triển ngôn ngữ, giao tiếp và giải quyết tình huống trong học tập cũng như trong đời sống.

Việc triển khai thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa (SGK) được xem rất mới mẻ với nền GD-ĐT Việt Nam. Với CTGDPTM lần này, SGK sẽ không còn mang tính pháp quy, bắt buộc như trước đây nữa. Thay vào đó, dựa trên khung chương trình tổng thể do Bộ GD-ĐT ban hành trên toàn quốc là mang tính pháp lệnh cao nhất, mỗi một địa phương sẽ thành lập BCĐ về đổi mới CTGDPTM để lựa chọn bộ SGK phù hợp áp dụng cho địa phương mình. Trong khung chương trình thống nhất chung này có dành một tỷ lệ nhất định cho GD địa phương. Theo ông Mai Tấn Linh- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, "đây chính là những điểm rất mới, rất mở của CTGDPTM lần này".

Cũng theo ông Mai Tấn Linh, từ những điểm mới đó, vai trò của giáo viên (GV) cũng sẽ rất khác so với vai trò GV của CTGDPT cũ. "Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, những kiến thức trong SGK hay tri thức, kiến thức của người thầy là hạn hẹp; tri thức của nhân loại mới là quan trọng. Thay vì dạy cho HS những kiến thức có sẵn trong SGK, có sẵn trong mỗi GV, với CTGDPTM, GV chỉ là những người chỉ đường, hướng dẫn cho HS tự học, tự tìm tòi, tự phát huy những kiến thức... Điều mà CTGDPTM hướng cho học trò chính là cách tiếp cận, cách học nhiều hơn là nội dung học"- ông Linh chia sẻ thêm.

Trên khung chương trình chung đó, các môn học ở bậc TH sẽ có những thay đổi sau: Có 10 môn học bắt buộc, trong đó Tin học, Ngoại ngữ là 2 môn học bắt buộc đối với lớp 3, 4, 5; Tự nhiên và xã hội học từ lớp 1 đến lớp 3; Lịch sử và Địa lý, Khoa học học từ lớp 4,5. GD Địa phương: 3 tiết/ tuần. Cùng với việc tổ chức dạy- học 2 buổi/ngày đối với HS TH, thời gian tiết học sẽ nâng từ 25 tiết lên 30 tiết/tuần. Đối với bậc THCS: 10 môn học bắt buộc gồm Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Khoa học tự nhiên (mới), tích hợp hai môn Lịch sử và Địa lý thành 1 (mới), Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật). Ngoài ra, trong hoạt động giáo dục bắt buộc có hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp với thời lượng 3 tiết/tuần, GD địa phương: 1 tiết/tuần/35 tuần.

Bậc THPT: 5 môn học bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại Ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Môn học tự chọn chia theo 3 nhóm: Nhóm môn Khoa học xã hội gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Nhóm môn Khoa học tự nhiện: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Những thách thức phải đối mặt

Lần đầu tiên thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK nên việc đối mặt với những khó khăn, thách thức cùng những phức tạp nảy sinh trong quá trình triển khai là điều không thể tránh khỏi. Khó khăn nội tại mà ngành GD-ĐT cả nước đã, đang và sẽ còn tiếp tục đối mặt là vấn đề liên quan đến đội ngũ GV, cơ sở vật chất, trường lớp nhằm đảm bảo cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc TH...

Chia sẻ quan điểm về những thách thức trong quá trình triển khai thực hiện CTGDPTM lần này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho rằng, cần phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn nội tại này để có giải pháp tháo gỡ hữu hiệu. "Bản thân nội tại của ngành GD-ĐT cả nước khi chưa đổi mới đã có những khó khăn. Trong đó, khó khăn đầu tiên là thiếu đội ngũ GV, nhất là GV TH hiện tuyển không ra. Trong khi đó, Luật GD vừa có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 yêu cầu nâng chuẩn của đội ngũ GV MN từ CĐ trở lên, bậc TH & THCS phải từ ĐH...Cùng lúc thực hiện Luật mới 2019 song song với việc thực hiện đổi mới CTGDPTM nên khó khăn dồn tiếp khó khăn là điều không thể tránh khỏi..."- ông Linh thẳng thắn bộc bạch.

Tâm lý ngại đổi mới của một bộ phận GV, đặc biệt là những GV lớn tuổi cũng là một trở ngại không nhỏ trong quá trình triển khai thực hiện CTGDPTM lần này. Ngoài ra, tâm lý nặng về thành tích học tập, về điểm số, chưa chú trọng đến GD kỹ năng sống, hành vi ứng xử, giao tiếp cho con em của một bộ phận không nhỏ PHHS, cùng sự hạn chế về khả năng tự học, còn phụ thuộc quá nhiều vào học thêm của một bộ phận không nhỏ HS hiện nay cũng là rào cản, thách thức không nhỏ...

Bất kỳ một sự đổi thay nào cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhất đó lại là GD-ĐT- một ngành rất đặc biệt, ảnh hưởng đến toàn xã hội. Thời gian từ nay đến ngày chính thức triển khai CTGDPTM không còn nhiều, trong khi đó, đến nay bộ SGK lớp 1 mới vẫn chưa có; Bộ GD-ĐT cũng chưa ban hành thông tư về lựa chọn SGK để các địa phương lấy đó làm căn cứ chọn lựa bộ SGK phù hợp triển khai cho địa phương mình. Mọi việc mới dừng ở công tác chuẩn bị, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, GV cốt cán nắm chắc về tinh thần chung của CTGDPTM, đổi mới tư duy, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá... Chặng đường đổi mới phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức!

KHÁNH YÊN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_215439_trien-khai-chuong-trinh-sach-giao-khoa-moi-ngon-ng.aspx