Triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp giai đoạn 2021-2025

Sáng 12/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND thị xã Quảng Yên tổ chức hội nghị tổng kết chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch chương trình giai đoạn 2021-2025.

Hội nghị triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giai đoạn 2021 - 2025.

Hội nghị triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giai đoạn 2021 - 2025.

Qua 5 năm triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ngành nông nghiệp đã đào tạo được 60 giảng viên chính quy và mở 57 lớp huấn luyện nông dân nòng cốt tại 7/13 địa phương trong tỉnh với hơn 1.700 hộ nông dân tham gia. Cấp tỉnh đã mở 957 lớp huấn luyện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả với trên 48.300 lượt nông dân tham gia và cấp huyện mở 763 lớp.

Qua đó đã chuyển tải các thông tin về khoa học kỹ thuật, các giống cây trồng mới, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sinh vật hại và sử dụng an toàn hiệu quả cho người dân.

Ngành NN& PTNT triển khai 31 mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng tại các địa phương.

Cũng trong 5 năm, ngành NN& PTNT còn triển khai 31 mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng tại 6/13 địa phương với quy mô 99ha. Một số địa phương ứng dụng quản lý dịch hại linh hoạt. Tiêu biểu như thị xã Quảng Yên đã xây dựng vùng cảnh báo sâu bệnh sớm trên đồng ruộng bằng cách cắm cờ cảnh báo và thông báo trên bảng tin về thời gian, chủng loại thuốc để phòng trừ; đồng thời triển khai xây dựng bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại cơ sở và thu gom, tiêu hủy đảm bảo an toàn.

Với những nội dung triển khai chương trình IPM trong toàn tỉnh, nhận thức của nông dân đã thay đổi rõ nét. Nông dân cũng nắm tốt hơn những kiến thức đào tạo. Kết quả áp dụng trên cây lúa đã tăng năng suất từ 5,5 đến 6 triệu đồng/ha so với ruộng canh tác theo tập quán địa phương. Tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng đã giảm 30-40% đã góp phần bảo vệ những sinh vật có ích và giảm nguy cơ ô nhiễm trên đồng ruộng. Chi phí đầu tư trên đồng ruộng đã giảm từ 4,1 đến 4,7 triệu đồng/ha/vụ. Nhiều giống mới có năng suất cao được đưa vào sản xuất.

Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong triển khai chương trình IPM giai đoạn 2016 -2020.

Trên cơ sở đánh giá những ưu điểm, tồn tại trong quá trình thực hiện và xác định để tiếp tục giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững, ngành NN&PTNT tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phấn đấu có từ 80 đến 90% xã, phường có đội ngũ nông dân được huấn luyện hiểu biết và ứng dụng hiệu quả về IPM. 50% số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp hiểu biết và áp dụng IMP trên cây trồng.

Đến hết năm 2025, mở rộng ứng dụng diện tích IMP trên cây lúa, rau màu, cây ăn quả và cây chè bình quân đạt từ 50% đến 70%. Qua đó hướng đến cân bằng hệ sinh thái để quản lý dịch hại và bảo tồn thiên nhiên thông qua áp dụng hài hòa các biện pháp canh tác; đồng thời không ngừng nâng cao vai trò chủ động của nông dân trong quản lý đồng ruộng, hướng đến trở thành các chuyên gia trên đồng ruộng.

Nhân dịp này, 5 tập thể và 10 cá nhân được Bộ trưởng Bộ NN& PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong triển khai chương trình IPM. 17 cá nhân được Sở NN&PTNT tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong triển khai chương trình IPM.

Hải Hà

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202012/trien-khai-chuong-trinh-quan-ly-dich-hai-tong-hop-giai-doan-2021-2025-2512849/