Triển khai chương trình bình ổn thị trường

Việc thực hiện các chương trình BOTT năm nay nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường và góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Đồng thời, gắn chương trình BOTT với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, Nguyễn Huỳnh Trang, cho biết: Nét mới của chương trình BOTT năm nay là sở phối hợp với Ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện chương trình kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch bao gồm hai nội dung chính. Thứ nhất là xây dựng danh mục sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản vùng miền, bảo đảm các tiêu chuẩn ATTP được nuôi trồng, chế biến, sản xuất theo các quy trình hiện đại, khép kín, phù hợp. Thứ hai là các sản phẩm thuộc danh mục được hỗ trợ kết nối tiêu thụ vào các hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch. Cụ thể, các thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền được hỗ trợ xây dựng hệ thống phân phối tại các điểm du lịch; tổ chức quảng bá sản phẩm đến khách du lịch thông qua các hội nghị, hội thảo, sự kiện văn hóa…

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết: Theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 3.000 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó, 124 cơ sở đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao bắt buộc phải có nhà hàng phục vụ khách, 180 khách sạn 2 sao không đòi hỏi có nhà hàng nhưng phải phục vụ bữa ăn sáng cho khách. Ngoài ra, thành phố còn có khoảng 50 khu, điểm du lịch đang hoạt động. Do đó, với việc hợp tác đưa thực phẩm an toàn vào nhà hàng, khách sạn là cấp thiết để kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào với mục đích nâng cao chất lượng phục vụ cho khách du lịch. Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP thành phố cho rằng, việc hợp tác giữa ba đơn vị sẽ góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho doanh nghiệp. Trước mắt, Ban quản lý ATTP thành phố sẽ xây dựng danh mục những nhà hàng, khách sạn cho khách du lịch, công khai cơ sở kinh doanh mua thực phẩm từ những nguồn nào. Sau đó, cần tăng cường công tác quản lý việc thực hiện các quy định ATTP, lấy mẫu kiểm tra định kỳ…

Đánh giá về kết quả thực hiện chương trình BOTT năm 2018, theo Sở Công thương thành phố, kết quả thực hiện chương trình đạt kết quả cao hơn so kế hoạch thành phố giao, bảo đảm cung ứng thị trường trong điều kiện bình thường kể cả khi có biến động. Tổng doanh thu hàng BOTT năm 2018 đạt 30.652 tỷ đồng, tăng gần 10% so năm 2017. Điều này cho thấy, chương trình BOTT ngày càng có nhiều kế hoạch triển khai thiết thực qua từng năm, tạo nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là gắn với tín hiệu thị trường để đổi mới và phục vụ tốt thị hiếu người tiêu dùng.

Năm 2019, có 79 doanh nghiệp tham gia bốn chương trình BOTT, trong đó nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao. Đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, năm nay, thành phố tiếp tục thực hiện bình ổn ở 10 nhóm hàng lương thực như, đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản… Lượng hàng bình ổn trong các tháng thường chiếm từ 25 đến 30% nhu cầu thị trường. Cụ thể, mặt hàng lương thực đạt 2.553 tấn/tháng; trứng gia cầm gần 48 triệu quả/tháng; đường 1.345 tấn/tháng; thịt gia súc 4.019 tấn/tháng; thủy hải sản 123 tấn/tháng; thịt gia cầm 9.062 tấn/tháng. Các tháng cận Tết, lượng hàng bình ổn chiếm từ 30 đến 40% nhu cầu thị trường. Còn các mặt hàng bình ổn phục vụ mùa khai giảng năm học 2019-2020 được bình ổn ở bốn nhóm hàng chính yếu gồm: Tập vở; cặp, ba-lô, túi xách; đồng phục học sinh và giày với lượng hàng BOTT chiếm từ 35 đến 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Giá bán các mặt hàng trong chương trình BOTT thấp hơn giá thị trường từ 5 đến 15%.

Nói về kế hoạch triển khai chương trình BOTT năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho rằng: Sở Công thương sẽ phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh phát triển mạng lưới và đa dạng hóa loại hình điểm bán nhằm bảo đảm hàng hóa bình ổn được phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng. Chú trọng mở rộng điểm bán tại các chợ truyền thống, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, các huyện ngoại thành. Đồng thời, đẩy mạnh hàng hóa BOTT đến các bếp ăn tập thể. Các mặt hàng BOTT tiếp tục thực hiện theo hướng xã hội hóa, khai thác tối đa tiềm năng các nguồn lực xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của thành phố cũng như cả nước.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/39786902-trien-khai-chuong-trinh-binh-on-thi-truong.html