Triển khai chiến dịch phòng chống 3 loại bệnh

Ngày 13/10, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức triển khai 'Chiến dịch phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết'. Ngày 12/10, ngành Y tế cũng đã phối hợp với UBND TP.HCM triển khai chiến dịch này.

Rửa tay bằng xà phòng hàng ngay để phòng chống bệnh tay chân miệng, sởi... Ảnh: VGP/Hiền Minh.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vào thời điểm hiện tại, có 3 dịch bệnh người dân cần lưu ý, đó là tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết. Hiện, cả nước đã ghi nhận gần 62.000 trường hợp mắc tay chân miệng, gần 1.100 trường hợp mắc sởi và gần 68.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Tuy số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2017 nhưng thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi tại một số địa bàn có tập trung đông dân cư, điều kiện sinh sống chật hẹp, chưa bảo đảm vệ sinh như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch và triển khai tổ chức chiến dịch phòng chống bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết trên địa bàn. Các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.

Riêng tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc kế hoạch phòng chống dịch năm 2018 của UBND TP.

Sở Y tế Hà Nội cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn để chủ động tham mưu cho UBND TP các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời tổ chức tốt chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi đạt tỷ lệ trên 95%.

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện vệ sinh phòng bệnh thật tốt ngay trong trường học. UBND các quận, huyện, thị xã phải coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, xây dựng mạng lưới cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết để hoạt động phòng dịch được thường xuyên, liên tục.

Các khuyến cáo của Bộ Y tế đối với người dân và cộng đồng chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em).

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Phòng, chống bệnh sởi:

- Đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm.

- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

- Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết:

-Mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước… với mục tiêu “Không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết”.

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

- Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Thúy Hà

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/trien-khai-chien-dich-phong-chong-3-loai-benh/349351.vgp