Trị viêm tai giữa bằng rau diếp cá: Bác sĩ Nhi cảnh báo bố mẹ coi chừng hại con

Viêm tai giữa ở trẻ em được xếp vào một trong những căn bệnh thường gặp và gây ra những biến chứng hết sức nguy hiểm.

Nguyên nhân viêm tai giữa ở trẻ

Trẻ nhỏ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi cơ thể còn non nớt và đang trong quá trình xây dựng hệ thống miễn dịch của cơ thể nên sức đề kháng kém, rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, viêm amidan. Từ đó các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ gây bệnh và có thể lây lan dần gây viêm nhiễm cho cả tai giữa.

Mặt khác, do cấu trúc vòi nhĩ (ống nhỏ thông từ họng lên tai giữa) của trẻ ở giai đoạn này ngắn, độ chênh giữa tai và họng thấp nên dễ bị bít tắc bởi dịch nhầy và lây nhiễm lên vùng tai giữa gây viêm tai giữa ở trẻ em. Một số trường hợp trẻ bị viêm tai giữa do quá trình tắm gội bị nước vào tai, lau rửa tai không đúng cách làm tổn thương tai.

Biểu hiện của bệnh

Những dấu hiệu bệnh ở trẻ sơ sinh rất mơ hồ. Ảnh internet.

Đặc biệt là biểu hiện của chứng bệnh này ở trẻ rất khó nhận biết. Tùy thuộc vào từng độ tuổi của bé mà có những biểu hiện khác nhau. Đối với trẻ sơ sinh thì biểu hiện rất khó nhận ra vì nó giống với những biểu hiện của các chứng bệnh khác như quấy khóc, bỏ bú, khóc thét, khó ngủ. Trẻ có thể hay đưa tay sờ lên tai, gãi tai.

Còn đối với trẻ lớn hơn thì có các biểu hiện như đau tai, nhất là khi nằm, sốt cao trên 38 độ C, khó ngủ và dễ cáu gắt hơn so với bình thường. Tình trạng kéo dài sẽ dẫn tới trẻ không phản ứng lại được với âm thanh, đau đầu, chảy dịch từ tai, nôn mửa, tiêu chảy…

Điều trị như thế nào cho đúng?

Hiện nay có nhiều mẹ áp dụng phương pháp trị viêm tai giữa bằng rau diếp cá. Lá diếp cá tươi, được các mẹ giã vắt lấy nước, dùng bông thấm và chấm vào chỗ viêm 2-3 lần/ngày. Chị Dung (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết, nghe lời khuyên của đồng nghiệp, chị sử dụng diếp cá để điều trị viêm tai giữa cho cháu, vì thấy tình trạng bệnh của cháu còn nhẹ. Sau 2 ngày thấy tai của con không có dấu hiệu thuyên giảm mà còn bắt đầu xuất hiện dịch ở bên trong, chị mới vội vàng đưa cháu đến bệnh viện.

Đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám khi có dấu hiệu viêm tai giữa. Ảnh internet.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trường khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), từ góc nhìn của y khoa thì việc dùng nước diếp cá để chữa viêm tai giữa cho trẻ là không nên, dễ dẫn đến nhiễm trùng và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Vì chúng ta không thể kiếm soát được độ pH, nồng độ thuốc thực vật có trong đó; Chưa kể nước diếp cá có thể đọng lại trong tai trẻ khiến tình trạng bệnh của con càng thêm nặng.

Viêm tai giữa khi được chữa lành thì thính lực của trẻ cũng quay trở lại như cũ. Nhưng nếu không được chữa trị và bệnh xuất hiện nhiều lần sẽ khiến các bộ phận của tai như màng nhĩ, xương tai và các dây thần kinh thính giác bị ảnh hưởng, khiến trẻ giảm thính lực và có nguy cơ mất thính giác vĩnh viễn. Vậy nên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay khi thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh, từ đó bác sĩ chuyên khoa sẽ xem xét mức độ bệnh lý hiện tại của bé để có phương pháp điều trị phù hợp.

Khi chăm sóc trẻ tại nhà, nếu con bị đau tai, cha mẹ có thể dùng nước đá để chườm lạnh vùng tai cho trẻ, cần thiết thì sử dụng thuốc giảm đau. Giữ vệ sinh sạch sẽ vùng ngoài ống tai của con, tuyệt đối không được ngoáy sâu vào trong. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám định kỳ trong thời gian chữa bệnh, vì viêm tai giữa nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến trẻ mất thính lực hoàn toàn.

Nếu trẻ còn bú nên đặt trẻ ngồi cao khi bú bình, không cho ngậm bình sữa khi ngủ tránh sữa chảy vào tai. Giữ vệ sinh cho trẻ luôn sạch sẽ nhất là bàn tay, tai - mũi - họng. Lưu ý, trong vòng 1 tuần sau khi lành bệnh thì không nên cho trẻ đi bơi.

Phù Dung

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/tri-viem-tai-giua-bang-rau-diep-ca-bac-si-nhi-canh-bao-bo-me-coi-chung-hai-con-c21a289038.html