Trí tuệ nhân tạo thách thức nhà báo

Lực lượng phóng viên, biên tập viên đang phải đối diện với những quyết định khắc nghiệt nhất. Bạn có biết những tin tức mình đọc được mỗi ngày đã được viết ra bởi ai không? Rất nhiều trong số đó có thể là tác phẩm của bot (robot mạng - các ứng dụng phần mềm chạy các tác vụ tự động hóa trên mạng).

Những nhà báo AI

Vào thời hoàng kim những năm 1950, The Sydney Morning Herald, tờ báo giấy lớn nhất Australia thời đó, đã từng sử dụng máy bay riêng để phát hành báo đến những vùng sâu vùng xa trên khắp đất nước vốn đất rộng người thưa. Những phóng viên tinh nhuệ của The Sydney Morning Herald từng có mặt ở hầu hết những điểm nóng chiến sự trên toàn cầu.

Có thể ví tác phẩm của bot như là đồ ăn vặt, trong khi sản phẩm của các nhà báo - những bài bình luận, phóng sự điều tra… mang tính sáng tạo và đậm dấu ấn cá nhân - như đồ ăn chậm. Và vì thế, hành trình của những tờ báo in khéo kết hợp cả 2 sẽ không phải là “cuộc đua xuống đáy”.

Thế nhưng, sau 150 năm tồn tại, The Sydney Morning Herald, The Age và các ấn phẩm của Tập đoàn Fairfax Media (Australia) đều phải vật lộn với khó khăn tài chính và đã cho thôi việc hàng trăm phóng viên, biên tập viên trong những năm qua. Các tờ báo online với chi phí rẻ hơn, tin tức nóng bỏng hơn đang chiếm thế thượng phong.

Và khi khoa học ngày càng đến đỉnh cao, những phát minh như trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục thách thức các nhà báo. Theo nhiều nhà khoa học, dự kiến đến năm 2025, một bot có thể viết ra tới 90% tin tức trên các mặt báo hiện nay. Các hãng tin lớn nhất và có uy tín nhất trên thế giới đều đang sử dụng hoặc nghiên cứu về AI như The Washington Post, Associated Press, BBC, Reuters, Bloomberg, New York Times, The Wall Street Journal, The Times và Sunday Times (Anh), Đài Truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK...

Năm ngoái, Hãng Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã sử dụng phát thanh viên “ảo”, trong hình dáng của một người đàn ông, nhờ sử dụng đồ họa máy tính. Năm nay, Tân Hoa Xã tiếp tục cho ra mắt một phát thanh viên “ảo” nữ xinh đẹp…

Ngay cả hãng tin nhỏ hơn nhiều cũng có thể tham gia vào lĩnh vực này, nếu họ đăng ký các dịch vụ như RADAR (viết tắt của phóng viên và dữ liệu và robot). Mỗi tuần, RADAR đang tạo ra hàng ngàn câu chuyện ở các địa phương cho các cơ quan truyền thông của Vương quốc Anh. Một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu báo chí của Reuters tiến hành năm 2018, với gần 200 biên tập viên, CEO và lãnh đạo các cơ quan báo chí, cho thấy gần 3/4 trong số họ đã sử dụng AI.

Thực tế, AI cho phép các hãng tin tức hoạt động hiệu quả hơn nhiều về mặt chi phí và cả diện bao quát thông tin. Washington Post hiện có thể đưa tin về tất cả các trận bóng đá diễn ra ở các trường trung học khu vực Washington D.C., nhờ vào bot Heliograf.

Tạp chí Hiến pháp Atlanta đã vào chung kết giải thưởng Pulitzer, sau khi đăng loạt bài điều tra về các vụ lạm dụng tình dục của giới bác sĩ. Hỗ trợ đắc lực cho loạt điều tra này, máy học (machine learning) đã được sử dụng để quét hơn 100.000 tài liệu kỷ luật. Hay từ nguồn dữ liệu của chính phủ và doanh nghiệp, AI của Reuter đã viết ra hàng ngàn câu chuyện mỗi ngày bằng nhiều ngôn ngữ…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại Bloomberg News, Tổng Biên tập John Micklethwait trong bài phát biểu tại DLD (Digital Life Design) hồi tháng 1 vừa qua cho biết, bot Cyborg của họ có thể xử lý mọi thứ tin bài vô cùng thông minh, kể cả rút tít, trích dẫn từ các nhà phân tích… Sản phẩm của nó rất gần với sản phẩm của một phóng viên thực thụ. Nó cũng có khả năng “quét” được các phương tiện truyền thông xã hội một cách nhanh chóng ở quy mô toàn cầu để phát hiện thảm họa, các vụ xả súng, từ chức và các sự kiện đáng chú ý khác.

Nhưng phải kết hợp với nhà báo lão luyện

Tuy thế, vai trò của các phóng viên - biên tập viên “người thật” hiện vẫn quan trọng, nhờ vào khả năng phán đoán và giải thích. “Thực tế một số nhà báo sẽ được thay thế bằng robot, nhưng không phải tất cả. AI hoạt động vô cùng hiệu quả khi viết ra những câu chuyện dựa trên khuôn mẫu có sẵn, với phong cách kể chuyện khác nhau mà nó đã được “dạy”.

Nói cách khác sẽ tạo nhiều phiên bản về cùng một câu chuyện. Trong khi đó, một nhà báo thực thụ có thể đưa ra những phân tích hoặc diễn giải mang dấu ấn cá nhân, họ có thể diễn giải, bình luận về sự kiện từ các góc độ khác nhau” - John Micklethwait, Tổng Biên tập Bloomberg News nói.

“Các nhà báo thực thụ sẽ nói cho bot Cyborg biết phải làm gì và kiểm tra lại những gì Cyborg phát ra. Ngược lại, Cyborg có thể đảm nhận các nhiệm vụ tốn nhiều công sức như sao chép bản ghi âm, sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói, phiên dịch…” - Micklethwait nói. Trên thực tế, nhiều sản phẩm của Bloomberg News là sản phẩm chung của con người và máy móc.

Và điều gì cũng có mặt hạn chế của nó, đặc biệt về mặt pháp lý nảy sinh, khi xuất hiện một tin tức của tác giả là bot, phản ánh tiêu cực hay nói xấu về một cá nhân nào đó và bị phản ứng, khi đó ai sẽ chịu trách nhiệm? Đồng thời, điều nhanh quá có khi cũng chưa hẳn đã hay. Tờ Los Angeles Times vào năm 2017 đã bị “hớ”, khi bot đã tự động xuất bản một tin và một tweet về trận động đất chỉ 1 phút sau khi nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên. Tuy nhiên, Cơ quan địa chất Mỹ sau đó cho biết đấy là thông tin không chính xác.

Anh Thư

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/tri-tue-nhan-tao-thach-thuc-nha-bao-67960.html