Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế giáo viên, chỉ là công cụ hỗ trợ

Các chuyên gia, nhà giáo tham dự hội thảo cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thay thế giáo viên, mà chỉ là công cụ hỗ trợ.

Ngày 22/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục: Từ thách thức đến đột phá”.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà giáo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng AI vào quản lý và dạy học, song cũng đặt vấn đề về quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu thông tin cá nhân của người học.

TPHCM thí điểm 2 mô hình ứng dụng AI vào giáo dục

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện xã hội đang có 2 góc nhìn trái ngược về ứng dụng AI.

Một mặt, công cụ này được công nhận có tiềm năng to lớn, đẩy nhanh quá trình phát triển, góp phần tạo ra các giá trị mới; song nó cũng có thể dần thay thế giáo viên hay bị lợi dụng vào các mục đích xấu, ảnh hưởng đến các vấn đề về đạo đức và trách nhiệm của cá nhân.

Ngành giáo dục hiện đang có 4 nhóm dữ liệu lớn gồm: Dữ liệu sinh học, dữ liệu giáo viên, dữ liệu nhà trường, dữ liệu học tập trực tuyến. Các nguồn dữ liệu này nếu được tạo điều kiện trở thành dữ liệu đầu vào của AI, sau đó thông qua hệ thống phân tích, tính toán thì cho ra kết quả là các dự đoán, đề xuất và hỗ trợ mang tính chất cá nhân hóa thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho ngành giáo dục.

 Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: V.D)

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: V.D)

Cũng theo ông Hồ Tấn Minh, AI có thể tạo ra lộ trình học tập riêng cho từng học sinh, dựa trên khả năng và tiến độ học tập của từng em, tích hợp kiến thức vào các trò chơi giáo dục.

Riêng đối với giáo viên, AI hỗ trợ tạo ra các bài giảng, bài tập và tài liệu học tập có khả năng tùy chỉnh, hoặc trở thành “trợ lý ảo” giải đáp các câu hỏi thường gặp cho học sinh. Công cụ này còn là kênh thông tin hữu ích, để điều chỉnh nội dung và tốc độ học tập dựa trên hiệu suất của từng người học, phân tích dữ liệu để dự đoán xu hướng học tập, phục vụ yêu cầu quản lý của các trường học.

 Toàn cảnh hội thảo khoa học được tổ chức vào ngày 22/11 ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Toàn cảnh hội thảo khoa học được tổ chức vào ngày 22/11 ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Theo Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Hồ Tấn Minh, trong năm học này, thành phố sẽ thí điểm 2 mô hình ứng dụng AI vào giáo dục là hỗ trợ điều chỉnh lộ trình học tập, dự đoán nội dung cần bồi dưỡng kiến thức cho học sinh.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, ngành giáo dục và đào tạo đang đứng trước nhiều thử thách lớn về hạ tầng và nhân lực thực hiện.

Trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ hỗ trợ

Phát biểu trực tuyến tại hội thảo, ông Jason See – Giám đốc công nghệ, Bộ Giáo dục Singapore cho hay, AI có thể hỗ trợ cho ngành giáo dục bằng cách giảm bớt công việc của giáo viên, để họ có thời gian chăm lo cho học sinh và cá nhân hóa học sinh, cũng như tạo nội dung phù hợp với thế mạnh của mỗi em.

Ông Jason See nói, để ứng dụng AI trong giảng dạy cần phải triển khai đồng bộ công nghệ, chính sách và nguồn nhân lực, phải làm sao để giáo viên tiếp cận với công nghệ hiện đại, phải có giải pháp để họ sử dụng, quản lý các công nghệ và tạo động lực để họ thật sự thay đổi.

Cũng theo ông Jason See, AI sẽ tác động không nhỏ đến giáo dục, nếu không có chính sách quản lý và tác động phù hợp, không cẩn trọng trong ứng dụng AI sẽ có thể khiến cho giáo dục đi chệch hướng.

Do đó, theo ông Jason See, việc tập huấn và đào tạo giáo viên để hiểu biết về AI là rất quan trọng.

 Bà Nguyễn Phương Lan - Tổng Giám đốc EMG Education phát biểu tại hội thảo (ảnh: V.D)

Bà Nguyễn Phương Lan - Tổng Giám đốc EMG Education phát biểu tại hội thảo (ảnh: V.D)

“Trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ, là một cấu phần trong cuộc sống hiện nay. Do vậy mà học sinh, giáo viên cần phải biết, hiểu và sử dụng nó hợp lý. Trí tuệ nhân tạo không thay thế giáo viên, khi giáo viên ứng dụng chúng vào công việc, thì chúng là công cụ mạnh mẽ để chuyển đổi số trong giáo dục” – ông Jason See nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Phương Lan – Tổng Giám đốc EMG Education khẳng định, công nghệ không thể thay thế được người thầy. Nếu công nghệ mà vào tay người thầy giỏi, và biết thêm việc dùng công nghệ thì có thể thay đổi cả thế giới.

Bà Nguyễn Phương Lan nhấn mạnh, ứng dụng AI có thể điều chỉnh nội dung nhanh chóng, và hiệu quả theo nhu cầu của học sinh, đồng thời hỗ trợ cho giáo viên triển khai hoạt động học tập trên quy mô lớn trong khi vẫn phù hợp với từng học sinh.

Mặt khác, AI giúp phân tích dữ liệu chỉ trong vài giây, xác định những lỗ hổng kiến thức và những điểm học sinh cần hỗ trợ thêm, từ đó tạo ra bài tập và lộ trình học tập tùy chỉnh, phù hợp với tiến độ học tập của từng cá nhân.

 Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu (ảnh: V.D)

Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu (ảnh: V.D)

Phát biểu tại hội thảo khoa học này, ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm, hiện mọi người đã thay đổi cách nghĩ về AI.

“Trước đây, có ý kiến cho rằng nó sẽ thay thế con người, nên con người có cảm giác sợ công nghệ, nhưng giờ đây trí tuệ nhân tạo là một công cụ hữu hiệu phục vụ cho việc học, còn việc dùng như thế nào là do mỗi người tự quyết định” – ông Nguyễn Sơn Hải khẳng định.

Đại diện cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, AI hỗ trợ hữu hiệu cho hoạt động giáo dục, tuy nhiên thì nó cũng đem lại những thách thức. Cụ thể là nếu quá lạm dụng chúng trong hoạt động giáo dục, học sinh sẽ giảm sự tương tác, mất đi tư duy độc lập, là thách thức cho đội ngũ nhà giáo trong thay đổi phương pháp dạy học và cách đánh giá.

“Chỉ khi chúng ta nhìn rõ những thách thức, thì sẽ có giải pháp để vận dụng AI hiệu quả và đúng hướng” – ông Nguyễn Sơn Hải nói.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tri-tue-nhan-tao-khong-the-thay-the-giao-vien-chi-la-cong-cu-ho-tro-post247272.gd