Trí tuệ nhân tạo có thể làm gia tăng bất bình đẳng giới

Tại Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lưu ý 'không thể và không được chủ quan trước sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học công nghệ' với sự ứng dụng ngày càng rộng rãi của trí tuệ nhân tạo, công nghệ số trong nhiều lĩnh vực cuộc sống; đặc biệt trong tương lai gần, 'trí tuệ nhân tạo có thể làm gia tăng bất bình đẳng giới'.

Như PNVN đã đưa tin, chiều 4/3, Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 được Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam và Trường Đại học Y Hà Nội, tổ chức tại Hà Nội. Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và đại diện các Bộ, ban ngành cùng đông đảo các nhà khoa học nữ…

Phát biểu tại buổi lễ, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nhấn mạnh: Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng cấp quốc gia đầu tiên dành cho các nhà khoa học nữ ở Việt Nam. Hơn 30 năm qua, đã có 18 tập thể và 47 cá nhân các nhà khoa học nữ được trao Giải thưởng, thể hiện sự ghi nhận những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là khoa học tự nhiên. Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 trao cho 1 tập thể, 1 cá nhân - những nhà khoa học đã có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của khoa học nước nhà.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trao giải thưởng Kovalevskaia 2018 cho 1 tập thể và 1 cá nhân. Ảnh: H.Hòa

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trao giải thưởng Kovalevskaia 2018 cho 1 tập thể và 1 cá nhân. Ảnh: H.Hòa

Dù vậy, nguyên Phó Chủ tịch nước lưu ý “không thể và không được chủ quan trước sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học công nghệ” với sự ứng dụng ngày càng rộng rãi của trí tuệ nhân tạo, công nghệ số trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, đặc biệt trong lĩnh vực y học, nông nghiệp vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức về việc làm đối với phụ nữ nói chung và các nhà khoa học nữ nói riêng.

Một số nghiên cứu gần đây về mối quan hệ giữa bình đẳng giới và trí tuệ nhân tạo cho thấy, trong tương lai gần, “trí tuệ nhân tạo có thể làm gia tăng bất bình đẳng giới, một phần vì tỷ lệ các nhà khoa học nữ trong ngành khoa học công nghệ còn thấp, trong khi những dữ liệu, thông tin được nạp cho máy học đều đã ẩn chứa định kiến giới không có lợi cho phụ nữ”, nguyên Phó Chủ tịch nước dự báo.

Bên cạnh đó, định kiến về vai trò, trách nhiệm gia đình của phụ nữ vẫn đang là cản trở đối với phần lớn nữ trí thức, với các nhà khoa học nữ. Bà Nguyễn Thị Doan bày tỏ mong muốn: “Tấm gương của những nhà khoa học nữ được vinh danh và câu chuyện của các chị sẽ truyền cảm hứng và khơi dậy khát vọng vươn lên chinh phục đỉnh cao trong khoa học của các em nữ sinh viên và các em sẽ tiếp tục chứng tỏ rằng phụ nữ không phải là phái yếu trong bất cứ lĩnh vực nào, kể cả khoa học tự nhiên”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: H.Hòa

Đồng thời, nguyên Phó Chủ tịch nước cũng bày tỏ mong muốn đội ngũ nữ trí thức sẽ được quan tâm hơn nữa bằng các chế độ, chính sách hợp lý, tạo động lực hết sức quan trọng để động viên, thu hút và nâng cao khả năng lao động sáng tạo của các chị.

“Mong rằng trong thời gian tới, cùng với sự song hành của Hội LHPN Việt Nam và các trường Đại học, các cơ sở nghiên cứu, đội ngũ nữ trí thức Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự chăm lo, quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, để các tầng lớp phụ nữ tiếp tục cống hiến cho đất nước, giữ gìn, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, của phụ nữ trong công cuộc đổi mới, phấn đấu vì mục tiêu tiến bộ và bình đẳng giới”, nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Thị Doan (thứ 2, từ phải sang) cùng các nhà khoa học nữ Việt Nam

Như Báo PNVN đã đưa, năm 2018, Giải thưởng Kovalevskaia được trao cho 1 tập thể Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tập thể nữ cán bộ môn Công nghệ Môi trường có 75% là nữ, đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc như: Hướng nghiên cứu về Công nghệ xử lý, tận dụng chất thải, hướng nghiên cứu về phân tích đánh giá môi trường. Trong 10 năm qua, tập thể nữ bộ môn chủ trì 33 đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia 65 đề tài các cấp; và nhều thành tích xuất sắc trong công tác đào tào, giảng dạy.

Giải thưởng Kovalevskaia trao cho 1 cá nhân là GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giảng viên cao cấp, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bởi những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học tự nhiên nói riêng. GS.TS. Nguyễn Thị Lan đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực chuyên ngành chăn nuôi – thú y – thủy sản. Đến nay bà đã chủ trì và tham gia 22 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 2 đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tìa cấp Bộ; là Thư ký và tham gia chủ chốt 11 đề tài cấp Nhà nước. Đồng thời công bố 105 bài báo khoa học trong và có nhiều thành tích trong công tác quản lý, đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, đưa sản phẩm khoa học công nghệ được công nhận và chuyển giao...

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/tri-tue-nhan-tao-co-the-lam-gia-tang-bat-binh-dang-gioi-post56354.html