Trì trệ đầu tư công: Xử nghiêm tiêu cực, nhũng nhiễu

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đang rất chậm trễ, Chính phủ sẽ lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 làm tiêu chí đánh giá, xét thi đua và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn – ga Hà Nội sử dụng vốn vay ODA nằm trong danh sách dự án chậm tiến độ nhiều năm nay. Ảnh: Phạm Thanh

5 tháng giải ngân mới đạt hơn 20%

Chậm giải ngân vốn đầu tư công trở thành một trong những điểm tồn tại, hạn chế được Chính phủ chỉ ra trong bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến hết tháng 5, còn 15,6% vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương chưa được các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ chi tiết. Lý do là phải chờ thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025. Con số này không bao gồm 16 nghìn tỷ đồng dự kiến bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Quốc hội phân bổ chi tiết.

Thực tế cho thấy, tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương 5 tháng đầu năm 2021 rất chậm, đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân chỉ vỏn vẹn 2,97%. Theo ông Dũng, có tâm lý ngại giải ngân, thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu.

Giải pháp khắc phục bất cập, thúc đẩy giải ngân được Chính phủ đưa ra là tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng… Trong đó, người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ và kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn. Đồng thời kiên quyết xử lý cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm. “Lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá xét thi đua và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh”, ông Dũng nói.

TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, cho rằng, tình trạng “có tiền mà tiêu không được”, cứ phải vắt chuyển nguồn từ năm này sang năm kia là vấn đề bức xúc cần tập trung giải quyết để chống lãng phí. Không chỉ giải ngân chậm, nếu đầu tư lãng phí, phải có người chịu trách nhiệm chứ không thể dùng chế độ tập thể. “Bất luận dự án lớn nhỏ, chỗ nào sai phải chịu trách nhiệm. Điều này có tính chất răn đe, lập lại kỷ cương trong quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư công”, ông Thụ nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

Kinh nghiệm của Khánh Hòa

Đề cập thực trạng giải ngân đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban đề nghị phải làm rõ hơn việc chậm giải ngân của một số bộ, ngành và địa phương.

Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tỏ ra sốt ruột, vì tình hình giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn như đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành vẫn còn rất chậm. Do vậy, Chính phủ cần phải làm rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn. Đồng thời tiếp tục rà soát, phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh để kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định băn khoăn khi con số giải ngân được hiện nay mới đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng trong tổng số hơn 460 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, thấp hơn cùng kỳ năm 2020. Theo ông Định, năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, giao trách nhiệm cho các bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh. Chia sẻ kinh nghiệm khi làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, ông Định cho biết, tỉnh đã lập một nhóm giúp việc, 15 ngày họp 1 lần để chỉ đạo vấn đề này.

“Trong 6 tháng đầu năm 2020, Khánh Hòa là 1 trong 6 tỉnh có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp nhất cả nước. Rồi tỉnh làm quyết liệt, cứ 15 ngày báo cáo 1 lần, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành… và đến ngày 31/12 đã giải ngân được 96%, cao nhất từ trước đến nay”, ông Định nói. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu giải ngân hết được hơn 460 nghìn tỷ đồng sẽ thúc đẩy tăng trưởng.

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, lũy kế hết tháng 5/2021, tổng vốn đầu tư công giải ngân đạt hơn 117.493 tỷ đồng, đạt 20,3% kế hoạch cả năm (gồm cả vốn năm nay và năm trước chuyển sang). Trong đó, vốn năm 2021 giải ngân được 102.029 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch Thủ tướng giao (giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước). Riêng vốn nước ngoài, chỉ giải ngân được 11.529 tỷ đồng, đạt 2,9% kế hoạch cả năm. Theo Bộ Tài chính, có tới 43/50 bộ ngành, 55/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 25% kế hoạch cả năm. Trong đó, có tới 39 bộ, ngành và 17 địa phương giải ngân dưới 15% (đặc biệt, có tới 13 bộ, ngành chưa giải ngân được một đồng vốn nào, 8 bộ giải ngân dưới 1%). Với vốn vay nước ngoài, có tới 37/63 tỉnh, thành phố chưa giải ngân vốn.

L.H.Việt

Thành Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tri-tre-dau-tu-cong-xu-nghiem-tieu-cuc-nhung-nhieu-post1346706.tpo