Tri Tôn (An Giang): Chủ động phòng ngừa tội phạm cố ý gây thương tích

Công an huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) tăng cường xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Trước thực trạng tội phạm “Cố ý gây thương tích” đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Công an huyện đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Một đối tượng tại cơ quan Công an.

Một đối tượng tại cơ quan Công an.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, trên toàn huyện xảy ra 9 vụ tội phạm “Cố ý gây thương tích”, Công an huyện Tri Tôn đã khởi tố 4 vụ, 5 bị can.

Đơn cử, ngày 7/3, Chau Hênl, sinh năm 1997, trú tại xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang cùng vợ đến nhà mẹ vợ tại xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn dự đám cưới. Tối cùng ngày, sau khi uống rượu say, Hênl đưa vợ sang nhà chị vợ chơi. Khi Hênl đề nghị về, nghe vợ nói để sáng mai xong đám cưới rồi về luôn. Y xuống bếp lấy dao lên chém nhiều nhát vào người vợ, trong quá trình được can ngăn, y tiếp tục chém trọng thương 3 người trong đám cưới.

Nói về hành động sai trái của mình, Hênl biện minh: “Bữa đó, có thể do em quá say xỉn nên em không kiềm chế bản thân mình được, dẫn đến hành động như vậy. Nhưng đến giờ em vẫn không nhớ được những hành động đó của mình như thế nào”.

Đầu năm 2021 đến nay, trên toàn huyện Tri Tôn xảy ra 9 vụ tội phạm “Cố ý gây thương tích”.

Cũng trong lúc ăn nhậu, ngày 14/2, Chau Sóc Khon, sinh năm 1987 và Chau Chanh, sinh năm 1995, cùng trú tại xã Châu Lăng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã dùng gậy và gạch ống gây thương tích cho cha con ông Chau Ry, sinh năm 1972 và Chau Ma Nô, sinh năm 1997 vì cho rằng Chau Ma Nô đứng gần đó có hành động dùng dao chỉ thẳng về phía Khon đang nhậu.

Khon tường trình: “Lúc đó mọi chuyên xảy ra quá nhanh, em cũng thấy mình làm như vậy là sai trái nên em cảm thấy rất hối hận”.

Diễn ra nhanh chóng, bất ngờ, nhưng hậu quả gây ra thì khôn lường. Mà nguyên nhân chủ yếu lại xuất phát từ chính ý thức chủ quan của mỗi cá nhân. Trao đổi thêm với chúng tôi về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng( Phó Trưởng Công an huyện Tri Tôn) cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến loại tội phạm này là do mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình nhưng không giải quyết được bằng cách hòa giải, từ đó dẫn đến xung đột. Bên cạnh đó do bản tính nóng nảy, không kiềm chế được hành động, từ đó những vụ mâu thuẫn nhỏ cũng xảy ra xô xát”.

Một nguyên nhân phổ biến khác, do lạm dụng rượu bia và các loại chất kích thích khiến người dùng không làm chủ được bản thân dẫn đến việc phạm tội. Vì vậy, cùng với nỗ lực của các ngành chức năng trong điều tra, xét xử thì công tác phòng ngừa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Công an huyện Tri Tôn (An Giang) Chủ động phòng ngừa tội phạm cố ý gây thương tích.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng (Phó Trưởng Công an huyện Tri Tôn) cho biết thêm: “Công an huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân để người dân nâng cao ý thức pháp luật, ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm. Đồng thời phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát động vai trò của các tổ chức an ninh tự quản, người có chức sắc trong tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư..

để giải quyết mâu thuẫn, ngăn chặn những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tội phạm “cố ý gây thương tích”. Bên cạnh đó phối hợp với nhà trường nâng cao giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên học sinh về kỹ năng sống. Cũng như xử lý nghiêm minh những vụ án “cố ý gây thương tích” để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung trong xã hội”.

Có thể nhận thấy, ứng xử có văn hóa trong giao tiếp hàng ngày vẫn là điều kiện tiên quyết mà mỗi cá nhân cần rèn luyện nhằm xây dựng và củng cố các mối quan hệ xã hội, tránh phát sinh mâu thuẫn dẫn đến những hậu quả không đáng có.

Trần Tuấn- Trang Tầm

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/tri-ton-an-giang-chu-dong-phong-ngua-toi-pham-co-y-gay-thuong-tich-d151523.html