Trí thức Nga hiện nay nhận định về Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô

Đây là hai chủ đề thường xuyên được giới trí thức Nga hiện nay quan tâm và cùng với thời gian, từ sau khi Liên Xô sụp đổ, ngày càng có thêm những kiến giải, đánh giá sâu sắc hơn. Chúng tôi quan tâm đến các ý kiến hiện nay, với hàm ý là những nghiên cứu được xuất bản trong khoảng hai thập niên gần đây. Dưới đây là một tổng thuật cùng các bình luận khoa học.

Cách mạng Tháng Mười Nga do V.I.Lê-nin trực tiếp lãnh đạo đã mở ra giai đoạn phát triển mới trong lịch sử nhân loại.Ảnh tư liệu

Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 - dấu mốc lịch sử của thời đại ngày nay

Vẫn có những kiến giải, đánh giá khác nhau nhưng âm hưởng chủ đạo trong các nghiên cứu của trí thức Nga hiện nay về sự kiện cách mạng Tháng Mười khá tập trung vào giá trị thời đại, ý nghĩa lịch sử thế giới của nó.

Giáo sư Sử học Kobelep nhận định về tầm vóc lịch sử của cuộc cách mạng này, đó là sự định hình một hệ thống mới của tiến bộ xã hội: Ngày 07-11-1917, những người lao động Nga không chỉ đã lật đổ chủ nghĩa tư bản, mà còn bắt đầu bước chuyển sang một hệ thống xã hội tiến bộ hơn, hệ thống chủ nghĩa xã hội, mà từ những ngày xa xưa, những nhà tư tưởng lớn nhất của loài người từng mơ ước.” Người lao động lần đầu tiên được tự chủ, tự quyết định vận mệnh của mình cả về chính trị và kinh tế. “Cách mạng Tháng Mười đã đem lại đất đai, nhà máy, công xưởng, quyền tự quyết cho nhân dân Nga. Cách mạng Tháng Mười đã trao cho hàng triệu người lao động cơ hội sáng tạo, kết quả là đã ra đời các Xô-viết, một hình thức chính quyền mới, dân chủ hơn. Cách mạng Tháng Mười đã nêu ra lý tưởng thống nhất bách chiến bách thắng - lý tưởng giải phóng và công bằng xã hội.” Và, “trên nền tảng của lý tưởng ấy lần đầu trong lịch sử đã xuất hiện một liên minh tự nguyện của các dân tộc bình đẳng - Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết, hình thành một cộng đồng lịch sử mới - nhân dân Xô-viết...”(1).

GS,TS. Boris Bexonop cùng quan điểm trên, song nhấn mạnh về giá trị vạch thời đại của cách mạng Tháng Mười và đã nhận định: “Một thời đại mới trong lịch sử loài người - Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại ở Nga do V.I. Lê-nin lãnh đạo, đã đặt nền móng cho bước ngoặt thực tế trong lịch sử loài người sang chủ nghĩa xã hội… Các cuộc cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc - đều được cổ vũ bởi các tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười, đã phá tan chủ nghĩa thực dân…”(2).

GS,TS. B.Vinokurovcũngđãđánh giá về tầm vóc lịch sử: “Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười và chiến tranh vệ quốc, cách mạng văn hóa và công nghiệp hóa là những chiến công lịch sử vĩ đại không gì sánh nổi mà nhân dân Xô-viết đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và bằng chủ nghĩa anh hùng, sự hy sinh của hàng triệu người cộng sản”(3).

GS,TS.V.Kolotop (2015) nói về những ảnh hưởng chính trị tích cực của Cách mạng Tháng Mười: “Đó thực sự là một cuộc cách mạng đã tạo ra trong đời sống một hình thái mới của hệ thống chính trị… Hơn nữa, có thể nói rằng, đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử nhân loại có một hình thái nhà nước kiểu Xô-viết với một chính quyền đại diện cho người dân. Chính quyền Xô-viết… quả thực đã có một ảnh hưởng khá lớn tới lịch sử nhân loại và cho đến nay vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới…”(4).

Nhấn mạnh giá trị khai sáng, tinh thần mở lối và xác lập một kiểu phát triển - “một tuyến tiến hóa mới”cho nhân loại, nhà triết học chính trị học A.Dinoviev viết về Cách mạng Tháng Mười:Nếu không có Lê-nin, không có Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười và sau đó là Liên bang Xô-viết thì trong lịch sử không thể xuất hiện cả một tuyến tiến hóa có quy mô ngang với tuyến mà đại diện là thế giới tư bản phương Tây. Tuyến tiến hóa đó có ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ sự phát triển tiếp theo của nhân loại”(5). (Nói thêm một chút về A. Dinoviev, trước đây, ông đã từng bất đồng một số quan điểm chính trị, nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, ông lại là người tích cực bảo vệ những giá trị xã hội chủ nghĩa đạt được ở đất nước này).

Nhìn chung, tầm vóc vĩ đại và ảnh hưởng rộng lớn sâu sắc về nhiều mặt của Cách mạng Tháng Mười, cái nhìn khách quan và tự hào về một sự kiện lịch sử diễn ra trên tổ quốc mình là những nét chính trong các nhận xét của trí thức Nga hiện nay về cuộc cách mạng vĩ đại này.

Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, với cả thành tựu và bất cập, vẫn là một phương án phát triển mà thế giới cần kế thừa

Xác nhận những thành tựu to lớn của chủ nghĩa xã hội hiện thực mô hình Xô-viết

Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô-viết, sau này là Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết và ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác trong thế kỷ XX đều xuất phát từ sự kiện Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Nhận lãnh trách nhiệm tiên phong trên con đường phát triển mới của nhân loại, những cống hiến của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô được các học giả Nga khẳng định về nhiều phương diện.

Ngay từ năm 1993, khi chính trị thế giới còn đang bị “sốc” vì sự kiện Liên Xô sụp đổ, triết gia A. Dinoviev khẳng định rằng: “Những thành tựu của thời đại chủ nghĩa cộng sản Xô-viết do Lê-nin mở đầu đã thấm vào máu thịt của loài người. Ảnh hưởng của cuộc cách mạng và của những việc đã được làm ở Nga đối với toàn thể loài người là lớn lao, đến mức độ toàn thế giới kể cả phương Tây, bất chấp mọi hoàn cảnh, đã đi theo hướng đó. Nhiều thành tựu mà ta có thể quan sát thấy ở phương Tây, sẽ không thể có được nếu không có Liên bang Xô-viết, nếu không có sự cạnh tranh đó của hai hệ thống. Phân tích thế giới phương Tây, tôi có thể chỉ ra rằng phương Tây đã vay mượn biết bao thứ và đã làm những gì dưới ảnh hưởng những thành quả của phong trào cộng sản ở thế kỷ XX.” Và “tính năng động phi thường, sự nỗ lực đặc biệt mang tính chất lịch sử đã trở thành nhịp sống của đất nước và con người Xô-viết. Cho dù chúng ta có khó khăn đến mấy đi nữa, cho dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa, chúng ta vẫn cứ cảm thấy mình là những người tham gia vào một sự nghiệp lịch sử lớn lao, mang tầm vóc thời đại”(6).

B.Vinokurov,trongnghiên cứu “Xây dựng lý luận hiện đại về chủ nghĩa xã hội khoa học” (2006)đánh giá về những chiến công lịch sử vĩ đại của chủ nghĩa xã hội hiện thực Liên Xô: “Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười và chiến tranh vệ quốc, cách mạng văn hóa và công nghiệp hóa là những chiến công lịch sử vĩ đại không gì sánh nổi mà nhân dân Xô-viết đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và bằng chủ nghĩa anh hùng, sự hy sinh của hàng triệu người cộng sản”.

Thành tựu về kinh tế xã hội của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô là một kỳ tích vì chỉ trong một thời gian ngắn, sự phát triển mạnh mẽ trên rất nhiều lĩnh vực. “Trên lĩnh vực kinh tế, hòn đá tảng của lĩnh vực này là thỏa mãn đầy đủ nhất các nhu cầu vật chất thường xuyên tăng lên của người lao động; là tăng phúc lợi vật chất của toàn bộ nhân dân chứ không phải chỉ của một giai cấp bóc lột. Năm 1913 công nghiệp của Nga chỉ bằng 12,5% khối lượng công nghiệp của Mỹ. Năm 1985 khối lượng sản xuất công nghiệp của Liên Xô đã tăng lên trên 80% khối lượng công nghiệp của Mỹ… Thu nhập thực tế của dân cư thường xuyên tăng lên. Trong những năm chính quyền xô viết, thu nhập đó tăng hơn 10 lần ở thành phố và hơn 14 lần ở nông thôn. Quỹ nhà ở tăng mạnh, mỗi năm có 10-11 triệu người có chỗ ở mới. Về số lượng căn hộ được xây dựng, năm 1980 Liên Xô đứng thứ hai trên thế giới, năm 1985 đứng thứ bảy. Về mức độ dinh dưỡng, Liên Xô đứng thứ 6 hoặc thứ 7 trên thế giới. Lần đầu tiên trên thế giới Liên Xô lập ra một hệ thống y tế và nghỉ ngơi mới về chất. Gần 1/3 bác sỹ trên thế giới làm việc ở Liên Xô… Tổ chức Y tế thế giới đã không chỉ một lần thừa nhận đó là hệ thống y tế tốt nhất thế giới”(8).

Chế độ công hữu và kế hoạch hóa, vai trò của nhà nước không phải lúc nào cũng bất cập hoặc không phù hợp, chúng có sứ mệnh lịch sử và đã từng làm tròn. Theo GS.A.V.Buzgalin,“Liên Xô đã chỉ ra rằng kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân, chứ không chỉ riêng kinh tế thị trường là cái có thể đảm bảo cho sự phát triển kinh tế. Chính nhờ kế hoạch hóa mà chúng tôi đã thực hiện một cách dân chủ những bước tiến hết sức lớn về cấu trúc… Việc tập trung có kế hoạch mọi nguồn lực vào các lĩnh vực then chốt đã giúp phát triển thành công cả khoa học cơ bản, tổ hợp công nghiệp quân sự hùng hậu lẫn giáo dục. Liên Xô trong điều kiện chính sách kinh tế mới (gần như lần đầu tiên trên thế giới) đã áp dụng cơ chế điều tiết gián tiếp… hạt nhân là các xí nghiệp quốc doanh lớn có tầm ý nghĩa kinh tế quốc dân, đảm nhiệm những nhiệm vụ về nguồn lực và vốn đầu tư theo kế hoạch dài hạn”. Cũng đã có những yếu tố kinh tế thị trường được điều tiết có hiệu quả ở Liên Xô thời Chính sách kinh tế mới và được tác giả gọi là “cơ chế điều tiết gián tiếp”. Đó là “các doanh nghiệp không nhận nhiệm vụ, các hãng kinh doanh hoạt động theo động thái diễn biến của thị trường”. Điều kiện là “phải đi đúng hướng, và mức thuế thấp, vốn vay rẻ…”(9).

Đó là một chế độ dân chủ và đã mang lại quyền làm chủ của nhân dân lao động. GS,TS.Vladimir Xaprukin, trong một nghiên cứu năm 2003, xác nhận: “Trên lĩnh vực chính trị, hòn đá tảng của lĩnh vực này là công dân tham gia rộng rãi và toàn diện vào quản lý các công việc sản xuất, công việc của xã hội và của nhà nước - điều chưa từng bao giờ xảy ra trong toàn bộ lịch sử loài người. Trong 190 triệu người lớn ở Liên Xô có 65 triệu người dưới hình thức này hoặc hình thức khác tham gia vào các công việc quản lý xã hội. Dù có những biểu hiện quan liêu, hình thức và các khiếm khuyết khác, nhưng nhìn chung, đó là chính quyền của người lao động, gần gũi và hiểu nhân dân và họ có thể trông đợi sự giúp đỡ từ phía chính quyền”.

Đã định hình một cơ chế và cách tổ chức các hoạt động chính trị xã hội khá hiệu quả ở Liên Xô. GS,TS. Kolotov nhận xét: “Thời kỳ Xô-viết có rất nhiều điều tốt đẹp. Trước hết đó là kinh nghiệm tổ chức các hoạt động quần chúng rộng lớn từ cuộc Cách mạng tháng Mười như hoạt động đội, đoàn thanh niên cộng sản… và nhiều hoạt động khác rất sâu sắc và bổ ích”(10).

Chính những giá trị cao đẹp của chủ nghĩa xã hội đã tạo nên sức mạnh và sự hấp dẫn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô những nguồn lực xã hội. Một nhận định trên Tạp chí Đối thoại năm 2003: “…Sự vận động của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa đã khách quan làm đầy quá trình sáng tạo của nhân dân và của đội tiền phong nghiệp vụ của nhân dân - giới trí thức. Khả năng tiềm tàng của lực lượng này cuối cùng đã khắc phục được những biến dạng, chữa lành vết thương, tạo nên sức mạnh. Điều đó xảy ra chỉ do một nguyên nhân: quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội được định hướng vào những giá trị vĩnh hằng và duy nhất đúng. Đó là Tổ quốc, nhân dân, lao động công bằng, bình đẳng, thắm tình anh em”(11).

Chỉ ra bất cập, hạn chế của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực đầu tiên

Liên Xô đã lĩnh trách nhiệm đi tiên phong khai phá con đường mới - xây dựng một chế độ xã hội mới chưa từng có trong lịch sử. Do vậy, những khiếm khuyết, bất cập nảy sinh trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực là điều khó tránh khỏi. Những phê phán của các trí thức Nga hiện nay tập trung vào các bất cập trong tư duy, quan niệm về chủ nghĩa xã hội và cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội của một thời.

Về nhận thức mô hình chủ nghĩa xã hội, những biểu hiện không tưởng, xa rời thực tế đã dẫn tới sai lầm đổ vỡ. GS,TS. Xaprukin nhận xét (2003): “Việc lý tưởng hóa chủ nghĩa xã hội có khi thiếu suy nghĩ và tầm thường, đôi khi mang lại những hình thức khiêu khích và cuối cùng thì sinh ra những tai họa to lớn, đó là: thần thoại hóa nhận thức xã hội và xa rời thực tế (chúng ta tốt nhất, ổn nhất); mất cảnh giác xã hội (ví dụ như “chủ nghĩa xã hội đã thắng lợi hoàn toàn và triệt để”) mất cơ cấu lãnh đạo, và như một kết quả, bị tước vũ khí về tư tưởng, về lý luận, về kinh tế, về chiến lược quân sự, về tình báo - dự báo …”(12).

Việc thiếu một lý luận hiện đại về chủ nghĩa xã hội (trên cơ sở lý luận là chủ nghĩa xã hội khoa học) cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên xô cũng là một nguyên nhân sâu xa mà B.Vinokurov(2006)chỉ ra:“Nhân dân Xô-viết không xây dựng được chủ nghĩa xã hội là do họ đã xây dựng nó mà không có môn khoa học hiện đại về chủ nghĩa xã hội, lại xây dựng bằng thử nghiệm và đã sai lầm. Không có lý luận hiện đại về chủ nghĩa xã hội giúp luận giải một cách đúng đắn và rõ ràng những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng của xã hội Xô-viết và chủ nghĩa xã hội”.

Bất cập trong xây dựng cơ sở vật chất tương xứng với những tiêu chí của xã hội xã hội chủ nghĩa, cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến cho Liên Xô trì trệ.GS.A.V.Buzgalinchỉ ra: “Chúng tôi đã không xây dựng được một nền nông nghiệp có hiệu quả hoạt động bình thường như một nước tư bản chủ nghĩa bình thường, ở đó chỉ cần 5-7% dân cư đã có thể sản xuất thừa thãi lương thực, thực phẩm và nguyên liệu cho công nghiệp (Liên Xô vẫn phải nhập ngũ cốc và thịt…). Chúng tôi đã không thể xây dựng được một nền công nghiệp và dịch vụ đảm bảo cho các công dân của mình những hàng hóa và dịch vụ có chất lượng. Chúng tôi đưa được thiết bị lên mặt trăng nhưng không thể chế tạo được một chiếc xe hơi bình thường. Các nhà khoa học của chúng tôi được giải Nobel về vật lý, hóa học nhưng chúng tôi lại không làm ra được những chiếc quần Jeans bình thường”(14).

Việc e ngại, kỳ thị kinh tế thị trường khiến cho nền sản xuất và dịch vụ của mô hình Xô-viết xơ cứng, động lực lợi ích chính đáng của người lao động bị thủ tiêu. Phương thức kết hợp kế hoạch hóa với thị trường của Chính sách kinh tế mới đã “bị Stalin từng bước biến thành một kiểu kế hoạch hóa cứng nhắc, thuần túy theo mệnh lệnh còn thị trường thì bị xóa sổ hoàn toàn. Kết quả là trong những năm 1930, chúng tôi thực thi các phương pháp quản lý quan liêu, bắt cán bộ nhân viên phục vụ bằng các biện pháp ngoài kinh tế mà thực tế là một thứ lao động nô lệ trong nhiều lĩnh vực (đặc biệt trong nông nghiệp)… Stalin sợ thị trường và xóa bỏ nó hoàn toàn chỉ giữ lại các hình thức quan hệ hàng hóa”(15).

Chủ nghĩa quan liêu gây nhiều tác hại cho quản lý và cho hình thức sở hữu công hữu trong chủ nghĩa xã hội hiện thực Liên Xô trước đây, X.Goncharuc thấy: “Chính thực tế các công việc quản lý xã hội đã làm mất uy tín hoạt động của mình, đã gán những tính toán sai của mình cho hình thức sở hữu xã hội hay trong hệ thống hành chính - mệnh lệnh, nền kinh tế động viên - về thực chất, hoạt động của chính quyền Liên Xô đã bị thu hẹp đã phải phục tùng các phương pháp quản lý quan liêu”(16). Chính chủ nghĩa quan liêu, lối điều hành một chiều từ trên xuống và thiếu phản hồi từ dưới lên đã gây tai họa. Theo A.P. Seviaskin, chủ nghĩa xã hội với đặc tính quan trọng nhất là điều hành kinh tế có kế hoạch đã vi phạm những nguyên lý điều hành cơ bản nhất. Do thiếu định chế “liên hệ ngược”, đáng tin cậy giữa chủ thể với khách thể điều hành, nên rốt cuộc đã rơi vào thảm họa (17).

Có một nhóm cán bộ lãnh đạo quản lý bất cập về tư duy, quan liêu trong phong cách, thậm chí phản bội chế độ xã hội chủ nghĩa là một trong những nguyên nhân bên trong khiến cho Liên Xô sụp đổ, đã được nhiều nhà nghiên cứu Nga nói tới. Nhân vật điển hình là Gorbachov. “Trong lĩnh vực chính trị, ông ta đã thay dần những người trung thành với học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô bằng những phần tử cơ hội, tham nhũng cùng chí hướng với mình vào bộ máy của Đảng và Nhà nước, tước bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo của Đảng... Trong lĩnh vực kinh tế, ông ta đã tiến hành tư bản hóa, cổ phần hóa tài sản của quốc gia và của các tập thể lao động hơn 70 năm gây dựng... Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, ông ta đã nới lỏng việc quản lý báo chí, đồng thời cho ra đời nhiều tờ báo… cổ vũ sự ly khai, phủ nhận những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê-nin về chủ nghĩa xã hội…”(18).

Điều đáng chú ý là hiện tượng các “gia tộc” trong hệ thống chính trị Liên Xô thời kỳ cuối đã đục khoét đất nước, phá hủy chủ nghĩa xã hội. “Chính dưới thời Breznev đã xuất hiện mối quan hệ hữu cơ giữa các chính trị gia và những kẻ tội phạm. Tầng lớp cán bộ trung ương đã là cái máy ấp trứng sản sinh ra maphia - một thế lực đã củng cố và tăng cường ảnh hưởng của mình đối với xã hội sau khi Liên Xô tan rã. Các gia tộc sau khi thâm nhập được vào quyền lực vô hạn ở Liên Xô, cả ở cấp trung ương lẫn ở địa phương, đã dần dần cố gắng biến chính quyền thành sở hữu của chúng… Khoảng ba nghìn gia đình kết thành tầng lớp thượng lưu và họ luôn luôn tham vọng mãi mãi là thượng lưu. Những quyết định về việc xẻ bán Tổ quốc ra từng miếng to, nhỏ đã được thông qua trong hoàn cảnh như vậy”(19).

Tóm lại, từ một số nhận định tiêu biểu của các nhà nghiên cứu Nga về Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô có thể thấy, điểm tương đối thống nhất là những đánh giá đúng đắn, tích cực về giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga. Những nhận định về thành tựu to lớn của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô cùng bất cập, hạn chế của một mô hình nhận lãnh trách nhiệm tiên phong, khai phá cho một tuyến phát triển mới... cũng là những kết quả nghiên cứu khoa học cần được quan tâm./.

---------------------------

Tài liệu tham khảo:

1 GS. E.Kobelev: "Tháng Mười, cuộc cách mạng vĩ đại và đa diện" Báo Nhân dân, 30-10-2007

2 GS,TS. Boris Bexonop: “V.I. Lê nin - nhà lý luận và lãnh tụ của cách mạng XHCN” (2003) từ sách: Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội, (GS,TS.Tạ Ngọc Tấn (chủ biên) tập 1, H. 2016 , tr.109

3 GS, B.Vinokurov: “Xây dựng lý luận hiện đại về Chủ nghĩa xã hội khoa học” (2006) từ sách: Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội, (GS,TS.Tạ Ngọc Tấn (chủ biên) tập 1, H. 2016, tr.132

4 GS. Kolotop: Cách mạng Tháng Mười vẫn có tầm ảnh hưởng, VOV, 7-11-2015

5 A.Dinoviev: Người vĩ đại nhất của thế kỷ XX, Thông tin những vấn đề lý luận, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Số 9 (5-2004) tr. 11-14

6 A.Dinoviev: Người vĩ đại nhất của thế kỷ XX, Thông tin những vấn đề lý luận, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Số 9 (5-2004) tr. 11-14

7 GS, B.Vinokurov: “Xây dựng lý luận hiện đại về Chủ nghĩa xã hội khoa học” (2006) từ sách: Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội, (GS,TS.Tạ Ngọc Tấn (chủ biên) tập 1, H. 2016, tr.132

8 GS,TS.Vladimir Xaprưkin: “Chủ nghĩa xã hội từ quá khứ đến tương lai”, từ sách: Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội, GS,TS.Tạ Ngọc Tấn (chủ biên) tập 1, H. 2016, tr. 181

9 GS, A.V. Buzgalin: Liên Xô: 10 bài học cho chủ nghĩa xã hội tương lai, từ sách: Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội, GS,TS.Tạ Ngọc Tấn (chủ biên) tập 1, H. 2016, tr. 261

10 GS. Kolotop: Cách mạng Tháng Mười vẫn có tầm ảnh hưởng, VOV, 7-11-2015

11 GS,TS.Vladimir Xaprưkin: “Chủ nghĩa xã hội từ quá khứ đến tương lai”, từ sách: Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội, GS,TS.Tạ Ngọc Tấn (chủ biên) tập 1, H. 2016, tr.184

12 GS,TS.Vladimir Xaprưkin: “Chủ nghĩa xã hội từ quá khứ đến tương lai”, từ sách: Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội, GS,TS.Tạ Ngọc Tấn (chủ biên) tập 1, H. 2016, tr. 178

13 B.Vinokurov: Xây dựng lý luận hiện đại về Chủ nghĩa xã hội khoa học; từ sách: Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội, GS,TS.Tạ Ngọc Tấn (chủ biên) tập 1, H. 2016, tr. 136

14. GS. A.V. Buzgalin: Liên Xô: 10 bài học cho chủ nghĩa xã hội tương lai, từ sách: Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội, GS,TS.Tạ Ngọc Tấn (chủ biên) tập 1, H. 2016, tr. 260

15 B.Vinokurov: Xây dựng lý luận hiện đại về Chủ nghĩa xã hội khoa học; từ sách: Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội, GS,TS.Tạ Ngọc Tấn (chủ biên) tập 1, H. 2016, tr 262

16 X.Goncharuc: Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về sự bắt đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, từ sách: Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội, GS,TS.Tạ Ngọc Tấn (chủ biên) tập 1, H. 2016, tr. 108

17 A.P.Sheviakin: “Bí ẩn sự diệt vong của Liên Xô - Lịch sử những âm mưu và phản bội 1945-1991” Vecher - Matxcơva, 2003

18 Etduard Iacôvlép: Sự phản bội của Gorbachop, Viện khoa học Công an, Nxb CAND. H.1998; tr.16 và 21

19 A.P.Sheviakin: “Bí ẩn sự diệt vong của Liên Xô - Lịch sử những âm mưu và phản bội 1945-1991” Vecher - Matxcơva, 2003

PGS,TS. Nguyễn An NinhHọc viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/the-gioi-van-de-su-kien/2018/53297/tri-thuc-nga-hien-nay-nhan-dinh-ve-cach-mang-thang-muoi.aspx