Trí thức cũng cần giáo dục-đào tạo suốt đời

Hội nghề nghiệp sẽ đảm nhận các dịch vụ công về giáo dục và đào tạo cho lực lượng lao động, trí thức, người lao động muốn nâng cao tay nghề.

TS. Trần Việt Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đánh giá, trong giai đoạn vừa qua, công tác xây dựng đội ngũ trí thức ở nước ta đã có nhiều đổi mới, đội ngũ trí thức KH-CN Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, đang đóng góp ngày càng tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Buổi lễ tôn vinh các phát kiến khoa học - công nghệ đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, giải thưởng do Liên hiệp các Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Buổi lễ tôn vinh các phát kiến khoa học - công nghệ đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, giải thưởng do Liên hiệp các Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Tuy nhiên, để xây dựng được một đội ngũ trí thức thực sự là động lực phát triển của đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và ngày càng trực tiếp tác động đến nước ta thì Đảng và Nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa.

Theo đó, TS. Trần Việt Hùng cho rằng, cần xây dựng một Chiến lược tổng thể về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam với tầm nhìn đến năm 2050. Thực tế là dẫu có nhiều các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng đội ngũ trí thức nhưng cho đến nay, vẫn chưa có chiến lược tổng thể về độ ngũ trí thức là một thiếu sót.

Theo dự thảo Đại hội Đảng lần thứ XIII thì “đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao”. Đây là những tiền đề cơ bản để chúng ta xây dựng chiến lược.

Vị chuyên gia cho rằng, hiện nay đã xuất hiện những dự án kinh tế lớn với nhu cầu đầu tư kinh phí lớn, công nghệ hiện đại, thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm như dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, Điện hạt nhân, sân bay Long Thành...

Cụ thể hóa về chiến lược theo sáng kiến của TS. Trần Việt Hùng, chiến lược phải bám sát và phục vụ đắc lực cho các mục tiêu chiến lược kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2050 với phương châm là Khoa học- khách quan- toàn diện- đồng bộ.

Chiến lược cần bám sát 3 quan điểm chỉ đạo của Đảng:

Một là, Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế;

Hai là, Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định;

Ba là, Đảm bảo môi trường dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Chiến lược được xây dựng ra phải đạt được 2 mục tiêu chính. Mục tiêu trước mắt là đề ra các giải pháp xắp xếp, sử dụng hiệu quả nhất đội ngũ trí thức trí thức hiện có cho công cuộc CNH, HĐH đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, mục tiêu lâu dài là định hướng việc đào tạo và xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam phục vụ các mục tiêu lâu dài của đất nước.

Bên cạnh xây dựng chiến lược phát triển trí thức KH-CN Việt Nam, Nhà nước nên thành lập Cơ quan phụ trách về nguồn nhân lực có trách nhiệm tham mưu cho chính phủ cũng như thay mặt nhà nước quản lý và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho hiện tại và tương lai.

Cùng với đó, cần tăng cường xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho phát triển KH-CN, coi đây là giải pháp đột phá để phát triển KH-CN Việt Nam trong thời gian tới. Cần đổi mới tư duy: coi không chỉ các đề tài, dự án được thực hiện bởi nguồn kinh phí Nhà nước mà cả các đề tài, dự án do doanh nghiệp tự đầu tư thực hiện, có tác dụng đổi mới công nghệ, nâng cấp công nghệ là những hoạt động KH-CN cần được nhà nước khuyến khích, hỗ trợ thông qua các hình thức giảm thuế lợi tức cho doanh nghiệp hoặc hỗ trợ thêm kinh phí từ ngân sách.

Ông Hùng cho rằng, biện pháp này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tự đầu tư nghiên cứu đổi mới, nâng cấp công nghệ, qua đó tăng kinh phí đầu tư cho KH-CN từ các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước.

Giáo dục và Đào tạo suốt đời chứ không chỉ là Học tập suốt đời

Theo TS. Trần Việt Hùng, cần phải thay đổi quan điểm về giáo dục và đào tạo suốt đời. Cần chú ý là giáo dục và đào tạo suốt đời chứ không phải học tập suốt đời.

Học tập suốt đời là trách nhiệm của từng công dân, từng con người nhưng giáo dục và đào tạo suốt đời là trách nhiệm của cả xã hội. Từ trước đến nay, chúng ta quan niệm học tập suốt đời nên Nhà nước chỉ có trách nhiệm giáo dục, đào tạo trong nhà trường còn sau khi tốt nghiệp ra trường có tiếp tục rèn luyện, học tập tiếp hay không là do ý chí, hoàn cảnh của mỗi con người.

Điều này đẫn đến đa số đội ngũ KH-CN Việt Nam không có điều kiện tiếp thu kiến thức, công nghệ mới sau khi ra trường, trở nên lạc hậu, không đủ trình độ tiếp cận với các kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới.

Theo quan điểm giáo dục và đào tạo suốt đời thì Nhà nước, các cơ sở sử dụng người lao động có trách nhiệm tạo điều kiện và bắt buộc người lao động phải thường xuyên trau dồi kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp tại môi trường làm việc. Điều này đảm bảo các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, trường học luôn có đội ngũ nhân viên giỏi nghề, tiếp cận được các kiến thức khoa học và công nghệ mới.

Ở các nước tiên tiến dịch vụ này thường giao cho các hội nghề nghiệp đảm nhận.

Bên cạnh đó, Giáo dục và đào tạo không chỉ truyền tải kiến thức nghề nghiệp mà còn phải truyền tải và đào tạo các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng sáng tạo…

Đào tạo phải bám sát vào nhu cầu thị trường, đặc biệt là các dự án lớn, các mục tiêu chiến lược của đất nước. Trong giai đoạn từ nay đến 2030 nên chú trọng đào tạo các lĩnh vực KH-CN, trong đó chú ý đến việc lựa chọn ngành nghề chiến lược để cử đi đào tạo tại nước ngoài.

Tuyển chọn nhân lực quản lý theo năng lực, minh bạch, bình đẳng về cơ hội

Theo TS. Trần Việt Hùng, một giải pháp nữa cho phát triển nguồn lực trí thức KH-CN Việt Nam là xây dựng hệ thống quản lý theo năng lực. Quá trình tuyển chọn, sử dụng, trọng dụng nhân tài phải công khai, minh bạch, bình đẳng về cơ hội, cạnh tranh công bằng, lựa chọn thực tài.

Công bằng, bình đẳng với thi tuyển công chức.

Ngoài ra, cần hoàn thiện và ổn định các quy định pháp luật liên quan đến ưu đãi, sử dụng chuyên gia nước ngoài, trí thức KH&CN Việt Nam ở nước ngoài một cách minh bạch, công bằng, không phân biệt đối sử khi sử dụng.

Đặc biệt, cần khẳng định “Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (KH&KT VN) là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN VN dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng”.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW, các cơ quan Đảng và Nhà nước cần tổng kết việc thực hiện chỉ thị 42-CT/TW, xem Liên hiệp các Hội KH&KT VN đã thực sự trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh hay chưa? Sự khẳng định này là rất quan trọng đối với Liên hiệp các Hội KH&KT VN nói riêng cũng như đối với đội ngũ trí thức KH&CN VN nói chung.

Vì Chỉ thị 42-CT/TW đặt mục tiêu “Đến năm 2020, xây dựng Liên hiệp các Hội KH&KT VN trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh…” nên rất nhiều cơ quan Đảng và Chính phủ ở Trung ương và địa phương hiểu theo những nghĩa khác nhau.

Đa số hiểu rằng Liên hiệp các Hội KH&KT VN đã là tổ chức Chính trị - xã hội rồi, bây giờ cần hỗ trợ để tổ chức này trở nên vững mạnh, nhưng một số không nhỏ lại hiểu rằng xây dựng Liên hiệp các Hội KH&KT VN trở thành tổ chức chính trị - xã hội… là mục tiêu, chứ Liên hiệp các Hội KH&KT VN chưa phải là tổ chức chính trị-xã hội.

Chính vì vậy, về phương diện quản lý Nhà nước, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ coi Liên hiệp các Hội KH&KT VN cũng như các hội nghề nghiệp khác. Sau đó, Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 1/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ lại xếp Liên hiệp các Hội KH&KT VN vào nhóm các hội đặc thù.

Điều này dẫn tới vai trò, vị trí của Liên hiệp các Hội KH&KT VN ở cấp Trung ương cũng như ở các địa phương không rõ ràng, khó thực hiện được nhiệm vụ “ giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; góp phần quyết định đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” được giao phó.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/tri-thuc-cung-can-giao-duc-dao-tao-suot-doi-3421240/