Trị 'mối' hại 'thân đê'

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội hồi giữa năm 2018 đã nói: 'Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn'. Công tác phòng, chống tham nhũng đang được đẩy mạnh với nhiều đại án tham nhũng bị phát hiện, xét xử làm nức lòng nhân dân. Thế nhưng, 'tham nhũng vặt' - như tên gọi - là những khoản biếu xén, lót tay giá trị nhỏ, nên nhiều người tặc lưỡi chấp nhận cho xong việc, thay vì tố giác, do vậy ít bị phát hiện, lên án và khó xử lý. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, 'tham nhũng vặt' đã bị hạn chế đáng kể thông qua cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục, giấy phép con.

Phòng chống tham nhũng không có vùng cấm, không có hạ cánh an toàn

Tuy nhiên, ở không ít nơi, nhất là ở cấp cơ sở, cơ quan tiếp xúc trực tiếp với người dân, "tham nhũng vặt" vẫn chưa được xử lý hiệu quả, gây bức xúc cho người dân, làm ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, Nhà nước.

1. Cụm từ “tham nhũng vặt” đã trở nên phổ biến trên truyền thông, quen thuộc với người dân. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” không chỉ đích danh “tham nhũng vặt” nhưng cũng đã nhắc tới thực tế nhức nhối này qua nhận định chung: “... tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Hiểu đơn giản là đảng viên, công chức, viên chức có quyền chức ở cấp cơ sở, cơ quan hành pháp nào cũng có thể tham nhũng nếu không "chí công vô tư", từ đó, viện mọi lý do để hạch sách, nhũng nhiễu người dân. “Tham nhũng vặt” và những hệ lụy gây ra được ẩn dưới nhiều biểu hiện không dễ phát hiện và ngăn chặn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cán bộ, đảng viên trong bộ máy công quyền “tham nhũng vặt” và "tham nhũng vặt" có biểu hiện rất đa dạng. Đó là hiện tượng lo lót phong bì, quà cáp tại các phòng khám trong các bệnh viện công để được khám nhanh, khám sớm. Đó là hiện tượng phong bì cho đội ngũ cò mồi chuyên giải quyết nhanh hồ sơ, giấy tờ tại các bộ phận hành chính, tiếp dân ở xã, phường, quận, huyện... Ngay cả việc xin cấp, đổi thẻ căn cước công dân, hộ chiếu, sổ đỏ, giấy khai sinh, khai tử, giấy đăng ký kết hôn, giấy phép xây dựng... muốn nhanh, muốn đỡ mất thời gian, muốn được việc thì người dân vẫn phải đưa phong bì...

Hay trong lĩnh vực giáo dục - môi trường mà sự mực thước về chuẩn mực đạo đức, lòng tự trọng luôn được đề cao và đặt lên hàng đầu thì gần đây cũng vẩn đục bởi những giá trị lợi ích. Điển hình là các khoản tiền quỹ lớp, phí chống trượt... mua điểm, chạy trường, chuyển trường và cả hiện tượng ăn bớt tiền ăn bán trú của học sinh... Tệ hại hơn là tình trạng ăn bớt, ăn chặn tiền, quà trợ cấp khó khăn, nhân đạo, ủng hộ thiên tai của một số cán bộ chính quyền tại các địa phương.

“Tham nhũng vặt” biến công chức làm nhiệm vụ phục vụ trở thành “quan chức” để trục lợi. Những cán bộ, công chức nhận phong bì từ người dân, nâng đỡ họ đạt mục đích nào đó cho rằng đó là “lộc”. Thực ra họ đã đánh tráo khái niệm để bao biện, thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Vì lợi ích, họ đã đánh mất liêm sỉ. Không những vậy, hành vi của họ đã làm vấy bẩn phẩm chất đạo đức cách mạng đã được nhiều thế hệ đảng viên dày công vun vén, đắp bồi, để họ thụ hưởng rồi lợi dụng làm bừa.

2. Hệ lụy của “tham nhũng vặt” là gây ra mất công bằng, cạnh tranh không lành mạnh; làm cho các thiết chế xã hội mất đi ý nghĩa, kéo lùi sự phát triển xã hội, làm chậm tiến trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nghiêm trọng hơn là nó khiến nhân dân mất niềm tin vào bộ máy công quyền thực thi pháp luật, vào Đảng, Nhà nước.

Lâu nay, câu chuyện mất niềm tin của người dân từ những việc “nhỏ” ở chính quyền cơ sở đã trở thành bài học kinh nghiệm lớn với Đảng và Nhà nước mà điển hình là vụ việc xảy ra tại Thái Bình năm 1997. Nếu không trị được “tham nhũng vặt” thì mục tiêu xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân có thể bị chệch hướng.

Vậy nên, đấu tranh để phòng, chống “tham nhũng vặt” cần phải quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương làm trong sạch nội bộ từ trên xuống dưới. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, những người thực hiện giải quyết các công việc của Nhà nước, trong đó có việc phục vụ quyền, lợi chính đáng của người dân. Tuyên truyền sâu về quy định cán bộ, đảng viên nêu gương, rèn luyện đức tính liêm khiết, tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, đấu tranh chống mọi hành vi tham nhũng, lãng phí; trọng liêm sỉ, danh dự và biết xấu hổ, không sa vào “tham nhũng vặt”.

Mở rộng dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân giám sát cán bộ, công chức qua thái độ tiếp xúc hằng ngày, qua thực hiện các dự án, những việc quan trọng. Đây chính là “liều thuốc đặc trị” hữu hiệu để qua đó tiêu diệt tận gốc sâu mọt trong cơ quan công quyền. Cần công khai và cung cấp đúng, đủ, kịp thời thông tin để người dân thực hiện và làm tốt quyền giám sát, phát hiện tiêu cực, những thủ đoạn “tham nhũng vặt” có nguy cơ xảy ra.

Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín... Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc những sai phạm của đội ngũ cán bộ công chức nhà nước trong công cuộc phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt bỏ thủ tục rườm rà để cán bộ, công chức không thể lợi dụng "kẽ hở" chính sách nhũng nhiễu người dân.

Nhà nước cần tiếp tục rà soát, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó chú trọng việc nâng cao ý thức thực hiện pháp luật của người dân. Chỉ khi nào ý thức tuân thủ pháp luật của người dân trở thành nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, áo mặc hằng ngày thì mới không còn chuyện lách luật hay bất chấp pháp luật để đạt mục đích cá nhân.

Đảng ta xác định, đối tượng của tham nhũng là cán bộ, đảng viên, những người có chức có quyền. Thế nên, để tiêu diệt “tham nhũng vặt”, vấn đề quan trọng nhất là phải kiểm soát được hành vi, hành động, đạo đức, liêm sỉ và các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên. Chỉ khi nào đội ngũ cán bộ, đảng viên và công chức trong cơ quan công quyền xác định được trách nhiệm phục vụ, đặt lợi ích quốc gia và tập thể lên trên lợi ích cá nhân và không coi cơ quan, đơn vị là “bình phong” để làm giàu thì “tham nhũng vặt” mới không gây ra những hệ lụy kéo lùi sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Nếu ví Đảng như “con đê” vững chãi thì “tham nhũng vặt” chính là loài “mối” nguy hại có thể làm rỗng “thân đê” bất cứ lúc nào. Diệt tận gốc loài “mối” hại "thân đê" là tạo ra điểm tựa và điều kiện thuận lợi để nhân dân yên tâm cống hiến, sản xuất, góp phần tạo ra những mùa màng tốt tươi, bội thu.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/934747/tri-moi-hai-than-de