Trị liệu bằng tranh vẽ cho trẻ đặc biệt

Tranh vẽ là công cụ nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong khám phá cảm xúc của trẻ với thế giới xung quanh. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong việc giúp trẻ giải tỏa mâu thuẫn, lo lắng khi không thể nói thành lời.

Hiểu cảm xúc, tư duy của trẻ thông qua tranh vẽ

Nhiều năm sử dụng hoạt động vẽ tranh trong trị liệu tâm lý – giáo dục cho trẻ khuyết tật, ThS Hồ Hải Hậu – Trưởng khoa Can thiệp trẻ tự kỷ, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Hà Nội), chia sẻ, phương pháp này mang lại hiệu quả bất ngờ. Theo bà, vẽ tranh giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc đáng kể, đặc biệt đây là liệu pháp không cần tới ngôn ngữ nên rất phù hợp với trẻ khuyết tật. Thông qua các bức vẽ, chuyên gia tâm lý có thể phán đoán những thiếu hụt, rối loạn cảm xúc, nhu cầu hay mong muốn của trẻ. Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ hiểu trẻ hơn và lựa chọn nôi dung, phương án trị liệu phù hợp với trẻ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, vẽ tranh giúp trẻ khuyết tật phát triển đáng kể kỹ năng vận động. ThS Hồ Hải Hậu phân tích, do bị thiếu hụt một phần thể chất hoặc tinh thần nên trẻ khuyết tật thường gặp khó khăn nhất định, nhiều kỹ năng bị thiếu hụt. Đơn cử như các thao tác nhặt, cầm nắm vật nhỏ, phối hợp tay và mắt của trẻ thường chậm chạp, không tỉ mỉ khéo léo, thậm chí có trẻ không thực hiện được. Hoạt động tô vẽ vì thế mang lại hiệu quả trong trị liệu vận động cho trẻ khuyết tật. Tại trung tâm này, các chương trình can thiệp cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ bại não, trẻ tự kỷ... là một trong những bài tập được thực hiện thường xuyên, liên tục. "Thực tế cho thấy, qua thời gian sử dụng các hoạt động tô vẽ, kết hợp các bài tập vận động tay, mắt, trẻ tiến bộ rất rõ. Có những trẻ ngày đầu tiếp nhận chưa có khả năng nhúp nhặt vật nhỏ, chưa cầm được bút, thì sau thời gian trị liệu trẻ đã xâu được vòng bằng hạt nhỏ, cầm bút tô đúng khuôn hình. Sự phối hợp linh hoạt giữa tay và mắt của trẻ được thể hiện rõ thông qua hoạt động này" – bà Hải Hậu nhấn mạnh.

Vẽ tranh còn mang lại cho trẻ khuyết tật nhiều lợi ích như phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, phát triển ngôn ngữ và giao tiếp và điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực. Thậm chí theo các chuyên gia, hoạt động này nếu phù hợp và được tăng cường thì có thể giúp trẻ phát huy được năng khiếu, từ đó hướng nghiệp nghề. "Trung tâm chúng tôi đã có nhiều trẻ trưởng thành tham gia hoạt động nghề nghiệp như làm tranh gỗ, tranh đá quý, một số bé tham gia cuộc thi vẽ tranh đạt kết quả cao" – ThS Hồ Hải Hậu cho hay.

Quan tâm nhiều hơn đến trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH, tính đến năm 2018, cả nước có khoảng gần 2,9 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt – chiếm gần 11% tổng dân số trẻ em (trẻ mồ côi, có "H", khuyết tật, bị mua bán, bóc lột, bị xâm hại tình dục, bệnh hiểm nghèo...), và con số này ngày càng tăng. Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện đối mặt với nhiều khó khăn do số lượng tăng nhanh, nhận thức của một bộ phận cán bộ, gia đình, cộng đồng về việc phòng ngừa, chăm sóc, trợ giúp trẻ chưa đầy đủ. Trong khi đó, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ các đối tượng này còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đại diện cơ quan này cũng chỉ rõ, đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn rất thiếu về số lượng, chế độ đãi ngộ chưa phù hợp.

Trước thực tế này, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cần được hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống và phát triển toàn diện. Việc xây dựng các mô hình công tác xã hội phù hợp sẽ giúp trẻ được tiếp cận với dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp, từ đó kịp thời phát hiện, chẩn đoán, đánh giá, trị liệu. ThS Nguyễn Thị Phương Thanh – Giảng viên trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương - nhìn nhận, trên thế giới có nhiều phương pháp can thiệp trị liệu cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó trị liệu vẽ tranh mang lại hiệu quả nhất định, dễ thực hiện, giúp trẻ cải thiện được nhiều kỹ năng, tư duy...

Từ kinh nghiệm của bản thân, ThS Phương Thanh chia sẻ, trong quá trình giảng dạy, giáo viên thông qua hình vẽ để hiểu thêm tính cách của trẻ qua đường nét, cách sắp xếp hình vẽ trên trang giấy hay kích thước, chi tiết của hình vẽ. Từ đó gợi mở thắc mắc, lo âu của trẻ để có phương án điều trị phù hợp tiếp theo. Cũng theo bà, tranh vẽ có thể làm rõ mối quan hệ trong gia đình, hoặc thông qua việc phân tích những bức tranh cho thấy các nỗi sợ hãi của trẻ, từ đó chuyên gia điều trị các nỗi sợ đấy bằng chính tranh vẽ, sẽ giúp trẻ xua đi nỗi sợ...

Nhật Lam

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tri-lieu-bang-tranh-ve-cho-tre-dac-biet-20210104120124689.htm