Trị chứng mề đay, mẩn ngứa đơn giản tại nhà khi giao mùa

Theo thống kê không chính thức của bệnh viện da liễu, trong những năm gần đây, tỷ lệ người bị bệnh mề đay, mẩn ngứa chuyển sang mãn tính ngày càng nhiều và nghiêm trọng.

Những mảng da đỏ sần sùi, đau ngứa và đôi khi để lại sẹo đủ khiến bất kỳ ai không may mắc phải loại bệnh này cảm thấy phiền toái và ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Nhập viện vì để mề đay, mẩn ngứa tự khỏi

Mề đay, mẩn ngứa là một trong những bệnh lý về da liễu phổ biến nhất hiện nay đặc biệt là trong giai đoạn giao mùa đông, xuân như hiện nay. Khi bị bệnh, trên mặt da sẽ nổi từng nốt đỏ như muỗi đốt hoặc nổi sần từng đám, chạm gãi là lên cơn ngứa, nhất là vào buổi chiều, tối, gây khó chịu, mất ngủ. Tuy nhiên rất nhiều người nghĩ rằng bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng như ung thư hay bệnh lao…nên không cần điều trị sớm hoặc thậm chí là không cần điều trị mà bệnh sẽ tự khỏi. Chị Phạm Thị Hồng (Cổ Nhuế, Hà Nội) cho biết : “Khi ngủ dậy, tôi thấy trên cơ thể mình bắt đầu xuất hiện những những nốt mẩn ngứa. Ban đầu thì những nốt này xuất hiện ít, sau càng nhiều hơn và trở nên dày đặc. Lúc đầu tôi cũng rất lo lắng không biết mình bị bệnh gì nhưng nghe những người xung quanh nói là chỉ bị mẩn ngứa thì tôi không đi khám nữa mà để cho bệnh tự khỏi”.

Bệnh nổi mề đay (Ảnh minh họa)

Bệnh nổi mề đay (Ảnh minh họa)

Không chỉ có mình chị Hồng, mà rất nhiều người đều có chung tâm lí như chị. Để tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh mà thời điểm giao mùa như hiện nay nhiều người gặp phải, chúng tôi có sự tư vấn của lương y Phó Hữu Đức (Chủ tịch hội Đông y Cầu Giấy). Ông cho biết: “Quả thật bản thân bệnh mề đay mẩn ngứa thì không thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Nhưng những biến chứng mà bệnh dẫn đến thì lại hoàn toàn khác, nếu không điều trị hoặc có sự chuẩn bị từ trước thì những biến chứng này thậm chí còn cướp đi mạng sống của bệnh nhân nhanh hơn cả ung thư hay bệnh lao. Cho nên, quan điểm để cho bệnh tự khỏi là hoàn toàn sai lầm”. Cũng theo như lương y cho biết thì trong những năm gần đây, hiện tượng trẻ em, người lớn bị bệnh dị ứng, nổi mề đay, mẩn ngứa ngày càng tăng.

Người bị mề đay mẩn ngứa nếu không điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến viêm da phải chữa lâu ngày, hoặc trở thành mẩn ngứa mãn tính. Mức độ nghiêm trọng của vấn đề được lương y Phó Hữu Đức cho biết như sau: “Biến chứng điển hình của nổi mẩn ngứa, nổi mề đây là phù mạch và khó thở. Phù mạch xảy ra khi các mạch máu dưới da bị tích tụ dịch trong cơ thể. Nó có thể diễn ra ở mắt (gây giảm tầm nhìn), tay, chân gây ngứa, bộ phận sinh dục gây sưng đau. Nguy hiểm hơn khi hiện tượng phù xảy ra trong khoang miệng. Khi ấy, ống phế quản bị hẹp lại dẫn đến việc hít thở rất khó khăn. Nếu không được điều trị kịp thời thì hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh”.

Cách phòng và điều trị mẩn ngứa kịp thời

Các bệnh nhân coi việc gãi để giảm cảm giác ngứa của bệnh là bình thường. Chị Hồng (Cổ Nhuế) cũng cho biết thêm: “Mặc dù mọi người đều khuyên khi bị mẩn ngứa thì không nên gãi. Thế nhưng nói thật, đó là phản xạ đầu tiên tôi có thể làm. Mỗi lần gãi đều thấy nốt mẩn ngứa sung phồng lên và lan rộng ra nhưng tôi lại có cảm giác cơn ngứa giảm đi”. Lý giải về điều này, lương y Phó Hữu Đức cho biết việc bệnh nhân gãi khi bị mề đay, mẩn ngứa sẽ làm tăng nguy cơ cơ thể bị nhiễm trùng và mắc các bệnh do vi khuẩn gây ra. Đó là những hậu quả trước mắt có thể nhìn thấy được, cũng có những hậu quả sẽ xuất hiện sau thời gian dài mắc bệnh và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và cả tinh thần của người bệnh.

Lương y Phó Hữu Đức trao đổi về căn bệnh

Lương y hướng dẫn một số cách điều trị mẩn ngứa như sau: Khi bị mẩn ngứa, một vài món ăn đơn giản sẽ giúp làm dịu làn da: mướp 30g rửa sạch thêm chút muối, nấu chín ăn cả bã và nước. Rau sam, rau muống mỗi thứ 30g phối hợp cùng nấu canh để uống. Hay rau muống 30g, râu ngô 15g, mã thầy 10g, nấu canh ăn. Cầu kỳ hơn có thể kết hợp sinh ý dĩ nhân, bột mã thầy, mỗi thứ 30g, cùng nghiền bột mịn nấu cháo; Xích đậu, bí xanh lấy vỏ, mỗi thứ 30g, sắc uống thay trà, có thể uống thường xuyên. Đồng thời, cùng với việc điều trị như trên cũng có thể kết hợp thêm bài thuốc rửa ngoài khi mẩn ngứa gồm: Hoàng bách, kim ngân hoa, sa sàng tử mỗi thứ 9g, khổ sâm, hoàng liên, phèn chua mỗi thứ 6g sắc với 500ml nước, cho thêm lượng nước vừa để rửa chỗ đau, mỗi ngày rửa 2-3 lần.

Tuy nhiên, lương y Đức cũng khuyên rằng: “Tốt nhất là khi bị bệnh, bệnh nhân nên đến các cơ sở để thăm khám và điều trị. Hơn nữa, viêc mề đay, mẩn ngứa có bị tái phát hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, điều trị chỉ là một phần, quan trọng là sau quá trình điều trị, người bệnh duy trì lối sống, chế độ ăn uống như thế nào để bệnh không quay trở lại”.

Lương y cũng hướng dẫn cách phòng tránh mẩn ngứa khi giao mùa như sau: Đầu tiên cần giữ cơ thể sạch sẽ, tránh bị kích thích (như gãi, phơi mình ngoài nắng lâu. Khi bị mẩn ngứa cần tắm và rửa vệ sinh hằng ngày cho da trẻ để loại bỏ những tác nhân gây dị ứng trên da. Mặc quần áo phải rộng, mềm mại (vải coton, vải lụa...) vì mềm, không gây mẩn ngứa. Giao mùa nóng lạnh thất thường, lúc này không nên dùng chăn len, chăn bông quá dày, hay mặc áo len dày vì sẽ gây ngứa khi thời tiết nóng lên đột ngột. Tránh dùng xà phòng rửa da sẽ làm mẩn ngứa nặng thêm. Nếu da khô, cứng có thể dùng dầu thoa cho mềm da.

Về ăn uống, tốt nhất tránh ăn những nhân tố gây dị ứng trong thực phẩm (như thực phẩm biển tôm, sò, cua hoặc những thức ăn tanh). Ăn uống bình thường, tránh ăn no quá. Bình thường có thể dùng dầu thực vật để tăng thêm acid béo không bão hòa, có thể giảm bớt phát sinh mẩn ngứa. Đặc biệt khi bị mẩn ngứa cần khám bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc, test cẩn thận trước khi tiêm, hoặc uống đúng cách. Không tự tiện dùng kháng sinh chống dị ứng.

Một trong những nguyên nhân khiến việc điều trị bệnh gặp khó khăn đó là việc lạm dụng hay sử dụng tùy tiện thuốc tân dược trong điều trị bệnh mề đay mẩn ngứa. Đối với rất nhiều trường hợp, bệnh nhân sau khi bị một đợt cấp tính và điều trị khỏi bằng tây y, trong những lần tiếp theo bệnh tái phát đều tự ý sử dụng đơn thuốc cũ, mang ra hiệu thuốc để mua thuốc về tự điều trị. Việc này không chỉ trái với nguyên tắc điều trị bệnh, mà còn có thể gây ra hiện tượng nhờn thuốc hoặc những tác dụng phụ không mong muốn.

Xem thêm: Mẹo kiểm soát cơ thể trong những tình huống khẩn cấp

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/tri-chung-me-day-man-ngua-don-gian-tai-nha-khi-giao-mua-d140422.html