Tri ân thầy cô - những 'người lái đò' thầm lặng

Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/ Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất/ Có một nghề không trồng cây vào đất/ Mà mang lại cho đời đầy 'trái ngọt hoa tươi'... (Có một nghề như thế - Đinh Văn Nhã).

Những vần thơ bình dị mà ý nghĩa, xúc động, đã gợi nhắc, gợi nhớ mỗi người về một miền ký ức chất chứa biết bao kỷ niệm đẹp với những người thầy, những năm tháng học trò được sống trong tình yêu thương, bao bọc, chở che của thầy cô. Và cứ khi cái nắng thu vàng hanh hao trải dọc mọi con phố, những làn gió heo may thoang thoảng giữa tiết trời xanh cao vời vợi, cũng là lúc biết bao thế hệ học trò trở về bên mái trường, bên thầy cô, cùng nhau bày tỏ tấm lòng tri ân thành kính!

Cô trò Trường THPT Lương Thế Vinh (TP Cẩm Phả) hân hoan niềm vui trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018. Ảnh: Phạm Học

Tháng 11 đến cùng những gấp rút, bận rộn hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu năm cũ, phương hướng năm mới, rồi những câu chuyện gia đình, con cái cuốn mỗi người vào guồng quay của những lo toan đời thường. Song nếu ai đã từng đi qua thời học sinh thì dường như đến những ngày này, đều có chung một cảm giác bồi hồi, xao xuyến nhớ về một cái hẹn với bạn bè, với thầy cô, và tôi cũng không phải ngoại lệ.

Cận kề ngày 20/11, chúng tôi chẳng ai bảo ai thường réo nhau trên điện thoại, facebook để hẹn ngày đến thăm cô giáo cấp 3. Tuy chẳng thể tập trung được cả lớp bởi điều kiện công việc, gia đình nhưng dù là năm, bảy hay mười người thì chúng tôi vẫn đến thăm cô mang theo những nụ cười, những cái ôm thắm thiết, yêu thương. Những món quà dành tặng cô chẳng phải thứ vật chất gì cao sang mà đơn giản chỉ là những đóa hoa, giỏ trái cây tươi vừa mua về. Để rồi sau những phút tâm tình, cô trò cùng vào bếp nấu nướng, liên hoan, tranh thủ sẻ chia những câu chuyện của mỗi người... Cảm giác cô trò quấn quýt cùng ôn lại chuyện cũ, rồi cô vẫn nhớ những tật xấu của từng bạn, những kỷ niệm vui, buồn ngày đi học ùa về thật ấm áp, gần gũi làm sao. Mỗi dịp về thăm cô chúng tôi lại cùng nhau chụp lại những bức ảnh, lưu lại trong cuốn nhật ký lớp từ ngày cấp 3 như một cách để lưu giữ, góp nhặt những ký ức thân thương. Bình dị, giản đơn nhưng đó là cách mà những cô gái lớp chuyên văn chúng tôi lựa chọn để nhớ về thầy cô, gửi gắm những tình cảm yêu mến, kính trọng từ tấm lòng của học trò đến với cô.

Thanh xuân của mỗi người đều lưu giữ hình ảnh người thầy cô truyền cảm hứng, định hướng bước ngoặt trong cuộc đời. Đó có thể là cô chủ nhiệm với giọng nói trầm ấm, luôn sát sao từ việc học, đến trang phục, nề nếp, có thể là thầy giáo dạy Toán nghiêm khắc nhưng luôn khơi dậy trí sáng tạo của học trò, hay cô giáo dạy giáo dục công dân với những bài học đầy suy ngẫm về đạo đức làm người... Và để thể hiện sự khắc ghi công ơn với thầy cô, mỗi người đều có một cách bày tỏ tấm lòng riêng. Dù không phải bằng những lời nói trực tiếp, những hành động thường xuyên, nhưng những tâm tư gửi gắm qua mỗi tấm thiệp nhỏ, qua một chiếc ô đón cô lên lớp khi trời mưa, qua những dòng tin nhắn điện thoại khi ở xa không về thăm thầy cô được... Những món quà nhỏ bé, chẳng cầu kỳ ấy lại có sức lay động đến lạ.

Nhiều thế hệ học sinh đã về thăm thầy cô nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long). Ảnh: Lan Anh

Nhiều thế hệ học sinh đã về thăm thầy cô nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long). Ảnh: Lan Anh

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Trường PTTH Quan Lạn (huyện Vân Đồn) tâm sự: Tôi ra đảo Quan Lạn công tác đã hơn 10 năm và đó cũng là 10 năm với những mùa tri ân 20/11 nhiều dấu ấn và kỷ niệm. Ngoài đảo, điều kiện đời sống cũng còn nhiều khó khăn hơn trong đất liền song bù lại học sinh nơi đây lại rất tình cảm. Tôi còn giữ mãi những tấm thiệp tự làm của một lớp do tôi chủ nhiệm tặng vào dịp 20/11 mấy năm về trước. Tôi thật sự bất ngờ bởi những tình cảm học sinh dành cho mình. Từ những bạn học sinh cá tính nhất, có phần ngang ngạnh nhất lại bộc bạch rất chân thành và xúc động nhất về tình cảm yêu quý dành cho cô giáo.

Còn cô giáo Vũ Thị Thùy Dung, Trường THPT Chuyên Hạ Long, chia sẻ: Sự sáng tạo của học trò luôn là bất tận. Và nhất là trong thời công nghệ số thì khả năng ấy càng được phát huy. Mỗi khi rảnh tôi vẫn thường xem lại video do các bạn trong lớp tôi chủ nhiệm khóa đầu tiên làm dành tặng. 35 thành viên xuất hiện trong clip với 35 biểu cảm vui nhộn cùng những lời chúc đáng yêu dành tặng cô. Tôi cũng dành riêng một góc tủ cất giữ những món quà rất dễ thương của học trò: Đó là một hộp đựng phấn viết nhỏ xinh, một cái gối gấp nhỏ giúp cô tranh thủ chợp mắt giờ nghỉ trưa, móc treo chìa khóa tự làm... Thật sự nhiều lúc mệt mỏi chỉ cần ngắm nhìn những món quà đầy yêu thương ấy lại giúp mình có thêm động lực, thêm cố gắng gắn bó tận tâm với nghề.

Chẳng phải những học sinh lớp lớn mà ngay cả những học sinh mầm non ngày nay cũng được cha mẹ sớm chỉ bảo, dạy dỗ về sự tri ân thầy cô bằng niềm hân hoan với những đóa hoa nhỏ mang đến lớp tặng cô mỗi dịp 20/11. Chị Phạm Thanh Hải, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả, cho biết: Cuộc đời mỗi người sẽ trải qua nhiều cấp học, nhưng tôi tin khi trẻ được dạy dỗ từ khi bé biết yêu trường, mến cô từ những ngày đi học đầu đời, các con sẽ sớm hoàn thiện nhân cách, nhận thức và chắc chắn chặng đường học tập tương lai sẽ rộng mở.

Tỉnh Đoàn tổ chức lễ vinh danh, tuyên dương 16 giáo viên, giảng viên trẻ từ bậc học mầm non tới đại học trong toàn tỉnh (ngày 10/11/2019). Ảnh: Tạ Quân

Không chỉ là sự tri ân của mỗi học trò với thầy cô, dịp 20/11 cũng là một dịp thật đặc biệt khi cả xã hội đều hướng về trân trọng, tôn vinh công lao của các thế hệ nhà giáo. Vừa qua, Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường (1959-2019). Nhân dịp này, hằng nghìn cựu giáo viên, học sinh đã về thăm lại trường. Và đó, không chỉ đơn thuần là dịp hội ngộ tại mái trường, bạn bè mà hơn hết còn là dịp để mỗi người được trở về gặp lại thầy cô, gửi lời cảm ơn chân thành nhất với những "người lái đò" thầm lặng.

Ngày 10/11 vừa qua, Tỉnh Đoàn lần đầu tiên tổ chức lễ vinh danh, tuyên dương 16 giáo viên, giảng viên trẻ ở 20 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non tới đại học trong toàn tỉnh. Ngày 17/11, tại TP Hà Nội, Bộ GD&ĐT cũng tổ chức “Lễ tri ân, tôn vinh tấm gương Nhà giáo tiêu biểu năm 2019”... Những sự ghi nhận, tri ân đó chắc chắn sẽ là nguồn động viên to lớn để những nhà giáo tiếp tục vững tin, có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Những năm tháng học trò trôi qua nhanh, nhiều người có thể ngập ngừng chưa kịp nói lời cảm ơn thầy cô đã cùng mình đi qua thanh xuân tươi đẹp, cho mình những bước đệm vững vàng trong cuộc sống hôm nay nhưng tôi tin chắc rằng trong sâu thẳm trái tim mỗi người vẫn luôn dành cho thầy cô những tình cảm yêu mến, biết ơn chân thành như truyền thống tốt đẹp “tôn sư trọng đạo” vốn có bao đời của dân tộc ta.

Duy Khoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201911/tri-an-thay-co-nhung-nguoi-lai-do-tham-lang-2461217/