Tri ân những tấm lòng nhà giáo

Mỗi năm đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nô nức trên khắp cả nước là các hoạt động tri ân các thầy cô giáo, những “kỹ sư tâm hồn” dù có hoàn cảnh xuất thân, địa vị, môi trường công tác khác nhau nhưng đều giống nhau ở tấm lòng tận tụy, tinh thần trách nhiệm, luôn hết lòng vì sự trưởng thành và tiến bộ của học trò.

Một nhà giáo nguyên hiệu trưởng một trường THPT ở TPHCM từng chia sẻ, chúng ta hay dùng cụm từ “hy sinh thầm lặng” để nói về công lao đóng góp của các thầy cô giáo. Hy sinh ở đây không phải là chịu thiệt hại, mất mát mà thầy cô - với đầy đủ bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, tự nguyện đến với nghề - truyền đạt kiến thức, lòng nhân ái cho học trò, để rồi sau đó các thầy cô sẽ nhận lại quả ngọt là sự tôn trọng, lòng biết ơn và tình cảm yêu thương của học trò. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những cố gắng không mệt mỏi, bên cạnh những thành tích, giải thưởng, danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú.

Trong xã hội hiện đại, lao động nghề giáo đều được quan tâm, đánh giá một cách toàn diện. Còn nhớ tại dự thảo đầu tiên của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (có tên gọi khác là Luật Giáo dục 2019) nhằm thể chế hóa Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, lương của nhà giáo được đề nghị ưu tiên xếp ở bậc cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Mặc dù sau đó, nội dung này bị đưa ra khỏi dự thảo văn kiện do hai Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính không đồng ý nhưng qua đó cho thấy, vấn đề lương nhà giáo đang dần có những chuyển biến tích cực. Đơn cử ở bậc mầm non, với đặc thù công việc vất vả, số giờ làm việc thực tế nhiều hơn con số lý tưởng đặt ra trong các văn bản, quy định pháp luật nên ở nhiều thành phố lớn đã có thêm quy định chính sách hỗ trợ thu nhập ngoài giờ cho giáo viên. Ngoài ra, ở tất cả bậc học, phụ cấp thâm niên nghề giáo là một trong những chính sách tiến bộ, thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực công việc mang tính chất đặc thù.

Thực tế cho thấy, đằng sau những lời ca tụng, các thầy, cô giáo cũng là những con người bình thường với những hỉ nộ ái ố, trăn trở rất “đời” và rất… chát. Gánh trên vai sứ mệnh “trồng người” nhưng cuộc sống với biết bao nỗi lo cơm áo gạo tiền, họ cũng phải là những người cha, người mẹ làm tròn thiên chức. Vì vậy, nếu không có lòng yêu nghề, thương yêu học trò như con ruột của mình, các thầy, cô giáo khó tránh khỏi những lúc mệt mỏi, chùn chân mỏi gối. Nhưng vượt lên hết những điều đó, những “ông lái đò”, “cô lái đò” vẫn ngày đêm tận tụy, đưa từng thế hệ học trò sang sông, riêng mình vẫn bám trụ ở bến.

Năm nay, Giải thưởng Võ Trường Toản (do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hàng năm) khiến nhiều người xúc động khi trong danh sách giáo viên được nhận thưởng có một thầy giáo bị ung thư. Trước ngày trao giải gần 2 tuần, thầy phải nằm điều trị nội trú tại bệnh viện vì khối u có dấu hiệu di căn và tái phát. Điểm đặc biệt là trước khi đến với nghề giáo, chàng thanh niên giàu nghị lực đã có nhiều năm bươn chải đủ nghề kiếm sống từ vác gạo mướn, chạy xe ôm, làm bảo vệ… Đến nay, nghề giáo tuy không phải “cơ hội đổi đời” theo cách nói vui của thầy nhưng đã trở thành bến đậu cho lòng yêu nghề, trở thành niềm vui, động lực đứng vững trước mọi biến cố của cuộc sống. Và còn nhiều những tấm gương nhà giáo khác vẫn ngày đêm miệt mài bên giáo án, lấy tiến bộ của học trò làm động lực phấn đấu cho bản thân.

Mới đây, tại lễ kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, TP đặt trọn niềm tin vào đội ngũ thầy cô giáo với trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống tốt trở thành nền tảng cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP. Trong giai đoạn tới, khó khăn và thách thức còn rất nhiều. Để vượt qua những trở ngại đó, ngành giáo dục cần quan tâm nhiều hơn đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ nhà giáo, có thêm các chính sách thu hút người giỏi vào nghề. Đó là những yếu tố căn bản, quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới chương trình và sách giáo khoa gắn với nhu cầu thực tiễn của TP.

Nhân ngày tôn vinh các nhà giáo, xin dành tình cảm tri ân sâu sắc gửi đến các thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước, từ đồng bằng đến vùng núi xa xôi, biên giới, hải đảo. Dù đang công tác ở vị trí, bậc học nào, các thầy cô sẽ mãi là những tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần tự học và sáng tạo, trở thành ngọn đuốc soi đường cho biết bao thế hệ học trò noi theo và trưởng thành.

MINH QUÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tri-an-nhung-tam-long-nha-giao-698637.html