Tri ân những đóng góp to lớn của lực lượng dân công hỏa tuyến

Sáng 25/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã cắt băng khánh thành triển lãm chuyên đề 'Dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ' tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam.

Triển lãm do Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ tổ chức, nhằm thiết thực kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2019).

21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa…ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Ảnh: Tư liệu TTXVN

21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa…ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trân trọng ghi sổ lưu niệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam viết: "... Mãi mãi ngời sáng Bộ đội Cụ Hồ!
Mãi mãi bất diệt chiến sỹ Điện Biên "anh hùng đầu nung lửa sắt... máu trộn bùn non gan không núng chí không mòn!".

Mãi mãi tạc vào lịch sử Dân công hỏa tuyến già trẻ, gái trai "ngày đêm ra tiền tuyến - mấy tầng mây gió lớn mưa to - Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ - Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát - Dù bom đạn xương tan, thịt nát - Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...".

Tự hào thay! cả dân tộc cùng ra mặt trận. Những người con của Dân tộc bình dị, hiền lành nhưng với ý chí "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" đã một lòng làm được những điều thần thánh, làm lên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Tinh thần ấy, ý chí ấy, niềm tự hào ấy cần phải được tiếp tục thắp lửa để bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.

Thành kính trước lớp lớp cha anh đã cống hiến, hy sinh vì tương lai của Dân tộc Việt Nam ta".

Triển lãm chuyên đề "Dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ" trưng bày trên 300 tài liệu, hiện vật tiêu biểu của hàng vạn người dân, dân công từ khắp mọi miền của đất nước tình nguyện trở thành lực lượng xung kích phục vụ chiến dịch.

Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở Tây Bắc, dân công hỏa tuyến đã sáng tạo ra nhiều phương thức vận chuyển độc đáo, “xẻ núi, bạt đồi, đào hầm”, tận dụng triệt để các phương tiện vận chuyển như bè mảng, xe đạp thồ, trâu bò... để đưa đạn dược, thực phẩm, nhu yếu phẩm kịp thời đến với bộ đội ở tiền tuyến.

Đã có gần 21.000 xe đạp thồ, 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu bò kéo... được huy động để vận chuyển hơn 24.000 tấn gạo, 1.800 tấn thực phẩm, 1.450 tấn đạn, 10.139 thương binh... Những phương tiện vận chuyển của dân công hỏa tuyến làm kẻ địch bất ngờ, không thể dự tính. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó sự đóng góp của lực lượng dân công hỏa tuyến là vô cùng lớn.

Triển lãm gồm phần Mở đầu và ba phần chính. Phần một của triển lãm có chủ đề “Dốc sức cho Điện Biên”, giới thiệu chủ trương của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; đồng thời động viên tinh thần cán bộ, chiến sỹ, dân công vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hy sinh giành thắng lợi trong chiến dịch.

Phần hai “Điện Biên - Điểm hẹn quyết chiến, quyết thắng” giới thiệu những tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu phản ánh 56 ngày đêm “máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, các đơn vị chủ lực của ta đã chiến đấu anh dũng tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, diệt và bắt sống 16.200 tên, trong đó có Tướng Caxtơri và toàn bộ Bộ Tổng tham mưu; bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng.

Tiêu biểu trong phần này là khẩu súng Tiểu liên Sten của đồng chí Phan Đình Giót, Tiểu đội phó thuộc Đại đội 58, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 sử dụng trong trận đánh mở màn vào cứ điểm Him Lam, chiều 13/3/1954; khẩu súng trường của đồng chí Trương Lít thuộc Đại đội 395, Trung đoàn 36, sử dụng bắn tỉa 9 viên đạn, diệt 9 lính Pháp ở cứ điểm 20,6 ngày 19/4/1954.

“Âm vang còn mãi” là chủ đề của phần ba, giới thiệu một số hình ảnh về thành phố Điện Biên Phủ hôm nay đang đổi thay, phát triển. Chiến trường Điện Biên Phủ hôm nay là di tích lịch sử góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Những người dân công hỏa tuyến năm xưa trở về cuộc sống đời thường, phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn kết sáng tạo, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước.

65 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ là "mốc son chói lọi bằng vàng trong lịch sử" và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Triển lãm là dịp tưởng nhớ, tri ân những chiến công, sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng của dân công hỏa tuyến đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, là thông điệp gửi tới các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ để khắc ghi, phát huy truyền thông ra sức học tập, cống hiến cho đất nước.

Phúc Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/tri-an-nhung-dong-gop-to-lon-cua-luc-luong-dan-cong-hoa-tuyen-20190425120532476.htm