Tri ân nhà báo Văn Sĩ Tương

Sáng 15 -11-2017, tôi nhận được tập thơ đầu tay và duy nhất của cố nhà báo, nhà thơ một đời trận mạc, gắn bó với chiến trường Trị Thiên Văn Sĩ Tương do con gái anh, Nhà văn trẻ Trác Diễm (Hội VH NT Quảng Bình), gửi tặng.

* Thì ra sau 5 năm anh đi xa, năm 2003 con gái anh mới có dịp (đúng hơn là có điều kiện) cùng nhà thơ Lê Hải Sâm chọn trong hàng trăm bài thơ anh để lại để in ấn phẩm này cho anh. Sự hiếu nghĩa của cháu làm niềm xúc động trong tôi nhân lên gấp bội phần.

Nhà thơ, nhà báo Văn Sĩ Tương (1944-1999) tên thật là Trần Xuân Tương. Quê anh thôn Khương Hà xã Hưng Trạch huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Từ năm 1965, anh đã là phóng viên báo "Tiền Tuyến" của mặt trận Đường 9, Bắc Quảng Trị. Hợp nhất Mặt trận Đường 9 với Quân khu Trị Thiên -Huế, anh là phóng viên Báo "Quân giải phóng Trị Thiên -Huế ". Đất nước thống nhất, anh về Bộ chỉ huy quân sự Bình Trị Thiên phụ trách chuyên mục Quốc phòng trên báo Dân và Đài phát thanh, truyền hình Huế. Anh được Cục tuyên huấn Tổng cục chính trị vinh danh là "cánh tay nối dài " của Báo QĐND, Phát thanh QĐND trên dải đất hẹp miền Trung này. Với Báo Quân Khu 4 anh là "Phóng viên thường trú" hàng tuần, hàng tháng nhận "đơn đặt hàng" rồi cần mẫn gửi bài về đúng hẹn.

* Chứng kiến cảnh bộ đội ta trồng rau trên đồi giữa mùa hạn lịch sử năm 1997, với sự thán phục và xúc động, tôi viết bài Rau vẫn xanh tươi, gửi cho BÁO DÂN (báo của tỉnh BÌNH TRỊ THIÊN). Trong đó có một câu cảm xúc thực sự mà sau này không có được: "Nhìn những luống rau mơn mởn đung đưa dưới nắng lửa, tôi thầm cảm phục đồng đội mình đã thay trời làm mưa bằng những giọt mồ hôi tưới mát đất trồng. Bất giác tôi thì thầm, cám ơn các đồng chí."

Mấy hôm sau, tôi nhận được báo biếu và giấy mời lĩnh nhuận bút, hình như ba đồng, (phụ cấp binh nhất của tôi lúc đó chỉ sáu đồng). Mừng không... nói, nhưng chắc lỗ mũi nở hết cỡ. Vui hơn là hôm sau, gặp anh bạn đang học sư phạm văn. Anh ta cũng vui lây và phán: quá tuyệt, thôi từ nay đừng làm thơ nữa, chỉ được vài bài đăng thời con nít, nay thấy mày làm thơ không hay bằng viết văn xuôi đó. Từ ni viết văn xuôi thôi. Hơn thế nữa, tiểu đoàn trưởng và chính trị viên tiểu đoàn tấm tắc khen. Ai đến cũng giới thiệu: liên lạc tiểu đoàn mình là nhà báo đấy. Vậy là tôi lao vào viết. Nhưng ba lần tiếp theo đều... chìm trong im lặng. May thay, tháng 11 năm ấy, tôi được Báo DÂN mời dự hội nghị "cộng tác viên xuất sắc năm 1997". Từ CỘN, (Đồng Hới) tôi đạp xe ra xã Hoàn Trạch, (tây huyện Bố Trạch). Đến phòng đón tiếp từ cuối chiều, mọi người nhìn tôi có lẽ là hơi khác. Ai đó thốt lên: "mới binh nhất thôi à". Như hiểu ý mọi người, bác "lễ tân" (sau này mới biết là bác SUM, Trưởng phòng Trị sự Báo DÂN) đỡ lời: "Không sao, binh nhất nhưng đầy hy vọng đấy". Lập tức, một người đàn ông đứng tuổi từ hàng ghế chờ đứng dậy, vẻ tự tin, bước tới trước mặt, chìa tay cho tôi, nói: "Cậu là Đỗ Phấn Đấu?". Vừa hỏi, tôi chưa kịp trả lời thì anh đã tiếp: "Tớ biết ngay vì hội nghị lần này chỉ có hai bộ đội thôi, trên một trăm đại biếu đó nghe, tôi là VĂN SĨ TƯƠNG, ở ban Tuyên huấn tỉnh đội". Bàn tay anh nắm chặt tay tôi lắc nhẹ, anh nhìn vào mắt tôi thủ thỉ: "Cậu giỏi lắm, giỏi lắm". Giữa cái lạnh đầu đông mà bàn tay ấm áp và lời động viên của anh như truyền cho tôi hơi ấm và tình thương thân thiết. Rồi anh quay sang nói với "lễ tân": "Cho hai anh em tôi ngủ cùng nhà anh nhé".

Đêm ấy hai chúng tôi nằm cạnh nhau tâm sự như người thân lâu ngày gặp mặt. Chỉ vài câu hỏi chuyện gia đình. Anh dành nhiều thời gian hướng dẫn tôi viết báo. Anh nói: "Phải tập viết tin trước, thạo viết tin rồi mới tập viết bài, viết bài ngắn trước, thạo rồi mới viết dài, nhưng không nhất thiết phải dài, viết dài ít người đọc đó nghe..." Khi nghe tôi kể ba bài báo không được dùng, anh nói: "Không được nản, có khi hàng chục cái thất bại là bình thường, anh cũng nhiều lần bị như thế. Có cái mình viết dở, có cái viết hay mà vẫn không dùng được, báo chí mà, vì bài hay nhưng còn phải đúng thời điểm, phải có tính thời sự nữa. Chuyện viết bao nhiêu đăng bấy nhiêu là không tưởng, nên em đừng nản, kiên quyết không nản". Anh còn khuyến khích tôi viết gương người tốt việc tốt. Anh giải thích: "Gương người tốt việc tốt việc tốt báo rất cần, lại có thể đăng vào mọi thời điểm"... Gà báo sang canh, chúng tôi mới chìm vào giấc ngủ. Một ngày sau, hội nghị tiến hành, thời gian chủ yếu dành cho việc hướng dẫn cách viết tin, bài. Cơm chiều xong, chúng tôi chia tay trong lưu luyến. Nắm tay tôi, anh nói ngắn gọn: "Phải kiên trì. Bắt đầu từ tin em nhé". Tôi cười, nhưng mắt ngấn lệ, sống mũi cay cay. Lời dặn dò và những định hướng của anh cứ theo suốt cuộc đời tôi. VĂN SĨ TƯƠNG trở thành người Thầy giáo đầu tiên dạy tôi cách làm báo, cũng là người dạy tôi sau này biết động viên những "nhà báo đơn vị", biết chăm nom những cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền viết lách.

Nhân dịp con gái anh, nhà văn Trác Diễm, đã tuyển chọn và ra mắt tập thơ của anh: HÁT VỀ CON ĐƯƠNG TA ĐÃ ĐI QUA. tôi viết mấy dòng này như là nén tâm nhang tưởng nhớ anh và tỏ lòng kính yêu người Thầy giáo dạy tôi làm báo.

Đại tá Đỗ Phấn Đấu (Nguyên chính ủy Đoàn 92 Quân khu Bốn ) |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tri-an-nha-bao-van-si-tuong-58092