Tri ân người chép sử bằng phim

Phim đỏ tái hiện lại những khoảnh khắc, câu chuyện của liệt sĩ, chiến sĩ, nghệ sĩ, nhà quay phim, phóng viên chiến trường không tiếc xương máu để có những thước phim lịch sử. Phim phát sóng tối 15/8 trên VTV1.

“Phim đỏ” tri ân những người không tiếc máu xương để chép sử bằng hình ảnh

“Phim đỏ” tri ân những người không tiếc máu xương để chép sử bằng hình ảnh

THƯỚC PHIM ÐỔI BẰNG MÁU

Không ít tác phẩm về phóng viên chiến trường vì thế đạo diễn Nguyễn Quang Quyết lựa chọn hướng đi mới cho Phim đỏ. Bộ phim tài liệu lấy tên từ ý nghĩa và giá trị của những thước phim chiến trường. Để có được tư liệu lịch sử bằng hình ảnh này, không ít phóng viên chiến trường phải đổi bằng xương máu cả trong thời chiến lẫn thời bình. Đạo diễn Quang Quyết dùng tác phẩm múa về những phóng viên chiến trường làm mạch dẫn, tái hiện hình ảnh người cầm máy xông pha trên những cao điểm, tuyến đầu trong những trận chiến cam go.

NSƯT Phan Minh Lợi, nguyên Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội Nhân dân vắn tắt về hình ảnh phóng viên chiến trường thế này: “Ở tất cả các trận địa khi còi báo động rú lên thì mọi người xuống hầm trú ẩn, bộ đội vào mâm pháo những người quay phim phải chiếm những điểm cao nhất”. Đạo diễn, nhà quay phim NSƯT Hà Tài đánh giá những thước phim quay ở chiến trường vô giá vì quay được không dễ dàng, thậm chí phải trả bằng máu.

Phóng viên chiến trường sống, tận hiến từng giây phút thậm chí đánh đổi bằng mạng sống như liệt sĩ Phan Đồng Cam của Điện ảnh quân giải phóng. Để có được những thước phim chống Mỹ, nhà quay phim leo lên ngọn cây cao su nhưng lại trúng mảnh bom chém vào bụng. Anh ngã xuống, đồng đội của anh gạt nước mắt để cầm máy quay tiếp tục sứ mệnh dang dở của người chiến sĩ vừa nằm xuống. Không hiếm những hình ảnh đẹp, sự hi sinh to lớn của những người như thế trong Phim đỏ.

“Khi nhận đề tài làm phim về phóng viên chiến trường tôi khá áp lực. Điện ảnh quân đội nhân dân từng có một số tác phẩm về liệt sĩ là phóng viên chiến trường. Tôi may mắn được Ban giám đốc và hội đồng nghệ thuật gợi mở hướng đi khai thác giá trị của những thước phim đỏ. Chúng tôi cũng chọn được cách thể hiện tinh tế, biết chọn lọc những câu chuyện xúc động và điểm lắng cần thiết đi vào lòng người”, đạo diễn Quang Quyết nói. Ban đầu vốn chỉ nhắm tới các phóng viên chiến trường của Điện ảnh Quân đội, sau ê kíp liên hệ với nhiều nhân vật và thân nhân của nghệ sĩ ở các đơn vị như Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương, Hãng phim Giải phóng.

Tìm hiểu lịch sử qua sách báo đôi khi không thể sánh bằng được tận thấy những hình ảnh lịch sử được lưu lại. Phóng viên chiến trường được ví như những người lính đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Đạo diễn Nguyễn Quang Quyết tiết lộ, ê kíp chắt lọc từ cuộc trò chuyện của hơn chục phóng viên chiến trường. Một số tư liệu quý do điện ảnh quân đội thu giữ được của địch trong thời chống Mỹ cũng được công bố trong bộ phim này.

NHÂN VẬT ÐẶC BIỆT

Một trong số hai nhân vật đặc biệt xuất hiện trong phim chính là nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân. Ông là một trong hai người còn sống ghi lại những giây phút cuối đời của Hồ Chủ tịch. Ông cũng là người ra vào nhiều chiến trường ác liệt như Quảng Trị, giờ khắc giải phóng miền Nam hay cuộc chiến ở mặt trận Tây Nam.

Những thước phim về giây phút cuối của Bác Hồ được Điện ảnh Quân đội lưu giữ. Nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân kể, lúc được tin Bác ra đi ai cũng khóc kể cả phóng viên quân đội. Là người con xứ Nghệ, trong giờ phút đau thương đó, ông càng phải nén cảm xúc để ghi lại từng khuôn hình. Gương mặt Bác vừa đi vào giấc ngủ được ghi lại trọn vẹn. Những thước phim này được lưu trữ cho tới mãi hơn 20 năm sau mới công bố. Nhà quay phim cũng phải chờ chừng đó thời gian mới được nhìn lại những hình ảnh đi vào lịch sử này.

Phóng viên chiến trường người nằm lại vĩnh viễn, người về với những vết thương chiến tranh hằn sâu. Thế nhưng còn những nỗi day dứt của người ở, những câu hỏi xoáy sâu khiến ê kíp làm phim cay xè khóe mắt. Mẹ liệt sĩ Phan Văn Điển tròm trèm trăm tuổi. Mẹ tên là Phan Thị Chuyết, bảo sống đến giờ này chỉ còn mong muốn duy nhất là trước lúc về với tiên tổ sẽ được đón con trai về quê hương. Liệt sĩ Phan Văn Điển hi sinh ở chiến trường Tây Nguyên, giờ đây vẫn là một trong số linh hồn phiêu bạt. “Điện ảnh Quân đội Nhân dân làm nhiều phim về liệt sĩ và đi tìm đồng đội, rất nhiều người trở về với mẹ cha sau những bộ phim ấy, thế nhưng anh Điển mãi vẫn chưa có ngày về”, đạo diễn Quang Quyết rưng rưng.

“Nhìn con người ta cũng đi bộ đội có đi có về, con mình có đi mà mãi chưa về. Tôi cứ ngồi tẩn ngẩn tần ngần khóc thương con”, mẹ Chuyết nấc nghẹn. Mấy chục năm nay, bà mẹ ấy vẫn giữ thói quen chiều chiều ra hiên nhà ngóng chờ con, day dứt và mong chờ trong tâm trạng “Mẹ bồng con à ơi/Hài cốt cuốn vuông khuôn vải mới/Có tã lót nào đau xé lòng đến thế/Mẹ ru con quằn quại tiếng trống kèn”.

Những thước phim đánh đổi bằng sinh mạng không chỉ có trong thời chiến. Điểm tựa Ka Lăng là tác phẩm cuối cùng gắn với liệt sĩ Nguyễn Xuân Nghiệp. Mùa thu năm 2005, anh cùng ê kíp làm phim tìm tới điểm chốt của bộ đội biên phòng 311 để ghi nhận hình ảnh chiến sĩ tại Ka Lăng. Chiếc thuyền chở đạo diễn kiêm quay phim Nguyễn Xuân Nghiệp bị lũ trên dòng sông Đà cuốn phăng. Tổ làm phim bất lực nhìn anh ra đi như thế. Đồng nghiệp ở lại thay anh hoàn thành bộ phim dang dở.

Những người chép sử bằng phim đời sau nối đời trước, để lưu lại lịch sử và nhắc nhở thế hệ mai sau dù khép lại quá khứ nhưng không được phép quên quá khứ.

Phim đỏ phát sóng 20h10 tối 15/8 trên VTV1, 22h15 tối 16/8 trên QPVN và 15h30 ngày 24/8 trên ANTV. Các nhà làm phim mong muốn làm ra tác phẩm để tri ân những người chép sử bằng phim. NSƯT, đạo diễn Minh Trí (Hãng phim Giải phóng) kể nhiều người hi sinh tại các mặt trận, thậm chí hi sinh trước giờ giải phóng đất nước. “Những tư liệu chiến trường này vì thế trở thành tư liệu quốc gia quý giá cho hôm nay và mai sau”, ông nói.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/tri-an-nguoi-chep-su-bang-phim-1705821.tpo